| Hotline: 0983.970.780

Năm 2021, Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng GDP đạt 6%?

Thứ Sáu 22/01/2021 , 19:06 (GMT+7)

Năm 2021, cùng với việc cả nước tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam có điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Tăng trưởng GDP có thể đạt được 6% như kế hoạch của Chính phủ và kỳ vọng có thể còn tăng trưởng cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” cho nền kinh tế năm 2021

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ông Andrew Jeffries dự báo trong năm 2021, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt nền kinh tế trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ với GDP tăng trưởng dương, trong khi rất nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đều phải chịu mức tăng trưởng âm và phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn Việt Nam rất nhiều.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh, quản trị rất tốt, tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao vào năm tới. Do đó, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 6,3%”.

Dây chuyền chế biến thịt mát hiện đại của Công ty Masan MEATLife tại Hà Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Dây chuyền chế biến thịt mát hiện đại của Công ty Masan MEATLife tại Hà Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Tổng cục Thống kê, chia sẻ ngành nông nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng tốt từ quý 3/2020 khi Việt Nam tạm thời kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi. Chăn nuôi lợn cả nước đang được khôi phục, tái đàn diễn ra nhiều ở những cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn. Giá gạo và thị trường tiêu thụ nông sản ổn định... Dự kiến theo đà hồi phục này, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục là “trụ đỡ” cho kinh tế cả nước năm 2021.

Đặc biệt, tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp đã có sự khởi sắc với số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng cho thấy đã bắt đầu có sự phục hồi của một bộ phận các doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết bắt đầu phát huy hiệu lực sẽ giúp mở rộng cơ hội cho phát triển sản xuất và thị trường, tạo nền tảng cho kỳ vọng phục hồi bền vững của nền kinh tế.

Một tổ hợp canh tác nông nghiệp thông minh của Vineco Nam Hội An. Ảnh: Minh Phúc.

Một tổ hợp canh tác nông nghiệp thông minh của Vineco Nam Hội An. Ảnh: Minh Phúc.

Để tăng trưởng bền vững, chuyên gia kinh tế, TS. Lương Văn Khôi nhấn mạnh đến các dự án cơ sở hạ tầng gắn với an sinh xã hội, như đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo và những dự án giúp giảm thiểu tác hại môi trường, chống biến đổi khí hậu (ở khu vực ĐBSCL…) cho tác động lan tỏa và tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư vào các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ có tác động rất lớn. Thứ nhất là nó tạo ra cơ sở hạ tầng rất tốt cho khu vực vùng sâu vùng xa để tăng cường giao lưu hàng hóa. Thứ hai là người dân có nguồn kinh phí, có thu nhập và từ đó sẽ kích thích tiêu dùng hàng hóa trong nước. Việc kích thích tiêu dùng hàng hóa sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2021 tùy thuộc vào sự thành công trong thực tế kiểm soát dịch Covid-19 lây lan. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu công; triển khai hiệu quả các biện pháp tài chính - tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có việc giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và gia tăng thương mại; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Gia tăng các nỗ lực cải thiện thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp, khai thác thị trường trong nước trước sự suy giảm tổng cầu nội địa.

Đất nước cần tăng cường khai thác các cơ hội từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cũng như từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn… Từ đó để làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế 2021 và những năm tiếp theo của nền kinh tế đất nước.

Nông trường thông minh của Vingroup ở Hội An

Nông trường thông minh của Vingroup ở Hội An

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dự kiến tăng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,9%; riêng ngành công nghiệp tăng 8,1% và khu vực dịch vụ dự kiến tăng 5,3%.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với mục tiêu tăng trưởng đề ra, hiện nay, động lực lớn nhất cho tăng trưởng GDP trước hết là lĩnh vực công nghiệp đang phục hồi, tiếp đó đến nông nghiệp và dịch vụ.

Năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn song tăng trưởng công nghiệp đạt khá tích cực, đây là nền tảng quan trọng để duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Xét về khía cạnh xuất khẩu, đây chính là thước đo khá chính xác sức khỏe của sản xuất bởi xuất khẩu là hệ quả của sản xuất. Trong giai đoạn trước đây, thường tăng trưởng GDP tương đương khoảng 1/2 mức tăng trưởng của xuất khẩu. Đến nay, quy mô xuất khẩu và GDP đã lớn thì gần như 2 chỉ số này là tương đương nhau.

Có thể thấy, trong những tháng cuối năm 2020, hai chỉ số này khá tương đồng, trong đó xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng tích cực dù trong thời điểm khó khăn nhất trong quý 2 khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong các quý cuối năm, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ gia tăng khả quan là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP và tiếp tục giữ đà trong năm tới.

Cùng với đó, thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng, nhu cầu tiêu dùng trong nước cơ bản cũng đã hồi phục với nhiều hoạt động kích cầu nội địa được triển khai hiệu quả, xuất khẩu tăng trưởng tích cực giúp tăng mạnh cán cân xuất siêu, thu hút vốn đầu tư FDI vẫn duy trì.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.