| Hotline: 0983.970.780

Năm Dần kể chuyện vua bà tuổi Dần

Thứ Tư 09/02/2022 , 12:10 (GMT+7)

Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim (tên gọi khác là Lý Thiên Hinh) sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218).

Bà là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông, mẹ là Thuận Trinh thái hậu Trần Thị Dung; sau khi ra đời bà được phong là Chiêu Thánh công chúa và được vua cha truyền ngôi cho từ năm mới 7 tuổi.

Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư - Bản kỷ, NXB Khoa học xã hội Việt Nam, trang 210 chép: Giáp Thân (Kiến Gia) năm thứ 14 (1224). Bệnh của vua càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc, ủy nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.

Lý Chiêu Hoàng qua nét vẽ của hậu thế.

Lý Chiêu Hoàng qua nét vẽ của hậu thế.

Mùa đông - tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng.

Chiêu Thánh lên ngôi hoàng đế trong bối cảnh nhà Lý đã suy vong. Bắt đầu từ đời vua Lý Cao Tông (1175-1210) đời sống nhân dân lầm than cơ cực, mất mùa đói kém xảy ra liên miên, nhưng vẫn phải đóng góp công sức, tiền của để xây dựng đền chùa, miếu mạo và các công trình khác phục vụ cho việc ăn chơi, xa hoa của vua quan triều đình, chính vì vậy các cuộc nổi dậy của nông dân và các hào trưởng liên tục nổ ra.

Năm Trị Bình Long Ứng thứ 3 (năm Đinh Mão 1207) vua Cao Tông thấy giặc cướp nổi lên như ong mới hối hận về những việc đã qua, những lỗi lầm về trước. Vì thế, nhà vua mới xuống chiếu, rằng: "Trẫm đang lúc còn nhỏ mà phải gánh vác cái sự nghiệp lớn lao, ở chỗ kín tầng sâu xa mà không biết được những việc gian khổ của dân, lại tin dùng lời tâu rỗi của kẻ tiểu nhân để rước lấy sự oán trách của lớp người ở dưới. Nhân dân đã đều oán trách, Trẫm sẽ trông cậy vào ai? Bây giờ, Trẫm xin cải hối, Trẫm tự sửa chữa lỗi lầm để bắt đầu sống cùng với dân. Những người có đất đai, sản nghiệp bị mất về tay các quan thì được trả lại tất cả. (Sách Đại Việt Sử lược – Quyển 3 Trang 91).

Sự hối hận muộn màng của vị hoàng đế nhà Lý đời thứ 7 không cứu vãn tình thế. Để rồi đến đời thứ 8, vua Lý Huệ Tông tình hình càng thêm rối ren, phức tạp, loạn lạc không  dứt khiến vua, tôi phải nhiều phen bôn tẩu.

Đặc biệt, từ sau loạn Quách Bốc (năm 1209). Do việc anh em Phạm Du mâu thuẫn, giết chết tướng Phạm Bỉnh Di, khiến cho Quách Bốc bộ tướng dưới quyền Bỉnh Di nghe tin chủ bị giết liền phá thành vào cứu chủ. Vua Lý Cao Tông phải chạy về Tam Nông- Phú Thọ nương nhờ nhà Hà Vạn, một thủ lĩnh miền thiểu số có thế lực. Thái tử Lý Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) cùng mẹ, nguyên phi Đàm Thị và hai em gái chạy về Hải Ấp (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) dưới quyền cai quản của Trần Lý. Thái tử Sảm lấy Trần Thị Dung, con gái Trần Lý tại đây.

Vua Lý Cao Tông chết, Thái tử Sảm lên nối ngôi thành vua Lý Huệ Tông. Từ đó anh em họ Trần chiêu tập quân đội dưới danh nghĩa giúp vua Lý Huệ Tông, vào kinh thành để đánh Quách Bốc.

Nạn Quách Bốc sau đó bị dẹp nhưng quan lại vẫn chia bè kết cánh, các phe phái vẫn tranh nhau cát cứ, đánh giết lẫn nhau. Để bình ổn xã hội, vua Lý Huệ Tông phải dựa hẳn vào thế lực  của họ Trần. Từ đó dòng họ này tìm cách tạo dựng vây cánh, thâu tóm quyền bính, khống chế triều đình. Buộc vua Lý Huệ Tông phải nhường ngôi cho con.Vậy là Chiêu Thánh cô bé 7 tuổi bước lên sân khấu chính trị, mở đầu cho những sóng gió của đời người con gái tuổi Dần.

Trò đùa con trẻ, vở kịch nhường ngôi, từ Hoàng đế xuống làm Hoàng hậu

Chiêu Thánh lên ngôi Hoàng đế được một năm thì xuống chiếu tuyển con em quan viên trong, ngoài sung vào các sắc dịch của triều đình. Trong số mới tuyển dụng có cháu Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ là Trần Cảnh 8 tuổi được giao giữ chức Chính thủ, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm Cảnh phải bưng nước vào hầu bên trong.

“Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?".

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ.

Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu” (Sách đã dẫn, trang 211).

Sau khi làm chiếu nhường ngôi, bố cáo thiên hạ. Ngày 1 tháng 12 năm 1225, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An. Trước mặt bá quan văn võ, trên sập báu Lý Chiêu Hoàng trút bỏ ngự bào, mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế.

Trần Cảnh lên ngôi “đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đó là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc trong nước”. (SĐD, trang 212). Sau khi nhường ngôi cho chồng Lý Chiêu Hoàng trở thành Chiêu Thánh Hoàng hậu, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bính Tuất, kiến trung năm thứ hai, mùa xuân, tháng giêng (1226), sách phong Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh”.

Chính sử cũng như dã sử không một dòng nào đề cập đến Lễ thành hôn của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đã biến trò chơi con trẻ thành một màn kịch chuyển giao quyền lực từ nhà Lý suy tàn sang dòng họ Đông A (chiết tự chữ Trần trong tiếng Hán) một cách cực kỳ hợp lý.

Từ Hoàng hậu trở về ngôi công chúa

Nhường ngôi cho chồng, xuống làm Hoàng hậu từ năm 8 tuổi nhưng rồi hơn chục năm sau bên một bậc anh quân am hiểu rộng rãi, có tài thao lược là Trần Thái Tông Chiêu Thánh cũng vẫn chưa có tin vui, chuyện con cái vẫn chưa đến với bà.

Lo lắng cho sự tồn vong của Vương triều Trần nếu như không người nối dõi, lại sẽ rơi vào vết xe đổ như Nhà Lý trước đó. Mùa xuân, năm Đinh Dậu 1237, Trần Thủ Độ đã bàn kín với công chúa Thiên Cực và vua về việc mạo nhận cái thai 3 tháng của Thuận Thiên công chúa (vợ của Hoài Vương Trần Liễu, anh trai Trần Thái Tông) làm con của mình và lập Thuận Thiên (chị gái của Chiêu Thánh, vợ Trần Thái Tông) làm Hoàng hậu, giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa.

Vua Trần Thái Tông coi việc làm này là "một điều nhục nhã, không xứng ở ngôi vua" (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 218) bèn bỏ kinh thành lên núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) định xuất gia, tu hành. Việc bị cướp mất vợ, gả cho em trai cũng gây ra phản ứng dữ dội từ phía Trần Liễu, người này đã tụ tập quân ra sông Cái làm phản.

Mặc dù mọi chuyện sau đó trở lại bình thường, Trần Thái Tông về Thăng Long, cuộc khởi loạn bị dẹp yên, Trần Liễu được tha tội chết và được Thái Tông cấp cho đất vùng An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng và An Bang (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) để sinh sống. Nhưng chỉ có một người chịu đau khổ nhiều nhất, đó chính là Chiêu Thánh.

Tước hiệu Chiêu Thánh hoàng hậu bị phế, triều đình nhà Trần giáng bà xuống làm công chúa. Cay đắng cho mối tình trường, Chiêu Thánh âm thầm chôn chặt tuổi trẻ đời mình chốn lãnh cung. Có giả thuyết cho rằng thời gian này bà đi tu để gạt bỏ cát bụi hồng trần.

Tuy nhiên giả thuyết này chưa có cơ sở vững chắc, bởi 20 năm sau đó, khi ở độ tuổi 40 bà lại một lần nữa lên xe hoa với Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần, tức Lê Tần tên tự là Kính (người Ái Châu, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) do sự sắp đặt của chính người chồng cũ là vua Trần Thái Tông.

Đền Đô, nơi thờ các đời vua Lý.

Đền Đô, nơi thờ các đời vua Lý.

Hạnh phúc ở tuổi tứ tuần

Lê Phụ Trần là một vị tướng tài, tuyệt đối trung thành của nhà Trần. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào ngày 12 tháng 12 năm 1257, quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Ngột Lương Hợp Thai từ Vân Nam (Trung Quốc) xuôi theo sông Hồng tràn vào Đại Việt. Vua Trần Thái Tông thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân có phần nao núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không. Lúc ấy, có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua: “Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!”

Bấy giờ, vua mới lui quân về đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc rất mạnh, vua lại phải lui về giữ sông Thiên Mạc. Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, ít người biết được điều đó. Ngày 24 tháng 12 năm ấy, sau thất bại tại Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ rút chạy.

Để trọng thưởng cho bề tôi có công lao, tháng giêng năm 1258, vua Trần Thái Tông phong tước, ban cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu;  đem công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) gả cho Phụ Trần. Vua nói: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau“.

Từ đây, Chiêu Thánh sống hòa hợp bên Lê Phụ Trần. Hạnh phúc tuy muộn màng nhưng đó là những ngày tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời bà. Chỉ một năm sau ngày cưới Chiêu Thánh sinh hạ con trai đặt tên là Lê Tông, còn có tên khác là Lê Phụ Hiền và tiếp đó bà sinh thêm người con gái tên là Minh Khuê, còn có tên khác là Ngọc Khuê (sau được phong là  Ưng Thụy công chúa).

Chính sử không chép về lai lịch người chồng Chiêu Thánh nhưng PGS. TS. Trần Bá Chí đã căn cứ vào Lê Triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký cho biết: “Lê Tần (tự là Lê Kính), là con trai Lê Khâm, là thân phụ của Trần Bình Trọng. Lê Khâm là ông nội của Trần Bình Trọng”.

Trong trận đánh quân Nguyên ở bãi Đà Mạc năm1285, Trần Bình Trọng bị giặc bắt, chúng dụ dỗ ông nếu quy hàng, sẽ được phong vương. Ông khẳng khái trả lời: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” (SĐD trang 241). Rồi bị giặc giết.

Bên một người chồng tài ba và những người con trung liệt như vậy Chiêu Thánh vô cùng hạnh phúc. Một kết cục hoàn toàn có hậu.

Nỗi buồn dương thế

Không chỉ là hồng nhan bạc phận, long đong chuyện tình duyên, Chiêu Thánh còn mang theo một nỗi oan khuất lịch sử, khó bề tỏ tường.

Lên ngôi hoàng đế lúc tuổi còn ấu thơ, Chiêu Hoàng rõ ràng chưa có khả năng chấp chính, vua cha trở thành Huệ Quang đại sư, mẹ đang lo nghĩ cho quyền lợi của dòng họ, chị gái thì đã hạ giá lấy chồng, không còn chỗ nương nhờ Lý Chiêu Hoàng trở nên lạc lõng giữa triều đình tiếng là của mình mà sự thực đã nằm trong tay họ Trần.

Nhà Lý lúc đó cũng đã suy vong, đến mức không thể cưỡng nổi, việc chuyển đổi vương triều sang một dòng họ khác là chuyện đương nhiên. Thế nhưng Chiêu Thánh vẫn bị mang tiếng là người đã làm mất vương triều Lý.

Năm Mậu Dần (1278), bà về thăm quê hương Cổ Pháp (nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) dự  lễ giỗ tổ và mất tại đây, thọ 61 tuổi. Tương truyền lúc chết tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, đôi má vẫn một màu hoa đào.

Nhân dân thương cảm táng bà ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức và lập đền thờ tưởng nhớ người phụ nữ đặc biệt này; ngôi đền có tên là Long miếu điện (thường gọi là đền Rồng). Lý Chiêu Hoàng phải thờ  riêng ở một ngôi điện nhỏ, không được thờ chung tại đền Đô (đền Lý Bát Đế) cùng với các vị vua tiên đế vì người ta cho rằng bà là người có tội, là đứa con bất hiếu đã làm mất ngôi vương triều Lý.

Việc đổ lỗi không chỉ dừng ở đó, dân gian còn nại ra thuyết rằng ở Cổ Pháp có câu: "Tộ truyền bát diệp, diệp lạc âm sinh" nghĩa là truyền được 8 lá, lá rụng xuống rồi âm khí sinh ra, ý nói nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, mất ngôi vì có vua đàn bà.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.