Gió trong đất liền mạnh dần lên cấp 4 - 5, vùng ven biển cấp 6 - 7; từ sớm ngày mai (2/8) gió trong đất liền mạnh cấp 6, vùng ven biển cấp 7, giật cấp 9; vùng biển tỉnh Nam Định mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 200 - 300mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Nhiều tàu thuyền đã cập bến an toàn. |
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP Nam Định, đơn vị đã thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bão ở các đơn vị cơ sở. Hiện tại, các đơn vị đã hướng dẫn, sắp xếp được 1.488 lượt phương tiện neo đậu an toàn tại các bến trên địa bàn; còn 108 phương tiện/532 ngư dân đang hoạt động ở các vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh cũng đã nhận được thông báo bão và đang vào nơi trú ẩn an toàn tại các tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 9h ngày 2/8. Cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 15h ngày 2/8. Cấm biển từ 5h ngày 2/8.
Bơm nước ra sông nhằm tránh gây ngập úng lúa mùa. |
Về SX nông nghiệp, theo Sở NN-PTNT Nam Định, toàn tỉnh có trên 75.920ha lúa mùa; trong đó, 25% diện tích lúa đang trong quá trình chăm sóc, còn thấp cây. Nếu mưa lớn, kéo dài liên tục, việc tiêu thoát nước không kịp thời thì những diện tích này có thể bị ngập, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa.
Với mục tiêu bảo vệ diện tích lúa mùa, Sở NN-PTNT Nam Định đã gửi công văn yêu cầu các lãnh đạo huyện, thành phố hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng chống mưa úng. Tiến hành rút nước lộ ruộng cho những diện tích lúa tốt. Đối với những diện tích lúa còn xấu và những diện tích chân ruộng dễ bị mất nước không thực hiện rút nước…
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 16.150ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi nước ngọt là 9.715ha, còn lại là nuôi nước mặn, lợ. Để tránh nguy cơ ngập úng, thiệt hại do mưa bão gây ra, các chủ đầm đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của gia đình...