| Hotline: 0983.970.780

Nam Định, Thái Bình cấm biển đối phó với bão số 2

Thứ Hai 22/07/2024 , 15:55 (GMT+7)

Thái Bình, Nam Định cấm biển, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản khu vực cửa sông để đối phó bão số 2.

Thái Bình cấm biển

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình ban hành Công điện nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 9 giờ ngày 22/7; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: Mai Chiến.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: Mai Chiến.

Di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm tại các vùng bãi thấp cửa sông, ven biển, số ngư dân trên các phương tiện vào nơi an toàn, chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, ven biển bảo đảm an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 22/7.

Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu (kể cả các cống đã thả phao dự phòng); tổ chức khơi thông giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung.

Triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; nếu thấy phát hiện công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.

Lũ trên sông của Nam Định vượt mức báo động III

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ban hành Công điện số 18 về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2.

Tại Nam Định, lũ trên các sông Đào, sông Ninh cơ và sông Đáy đang lên, mực nước lúc 19h ngày 21/7 tại trạm Thủy văn Trực Phương là 2,64m, trên báo động III là 0,14m. 

Chủ tịch tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các công ty khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 70 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Nam Định yêu cầu dựng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở khu vực cửa sông, cửa biển cho tới khi có thông báo cuối cùng về cơn bão số 2. Ảnh: K.Trung.

Nam Định yêu cầu dựng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở khu vực cửa sông, cửa biển cho tới khi có thông báo cuối cùng về cơn bão số 2. Ảnh: K.Trung.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thuỷ hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.

Chủ động kiểm tra, theo dõi thông tin, tình hình lũ trên các tuyến sông để tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; tổ chức phát quang các tuyến đê trên địa bàn phụ trách, để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Cấm biển từ 10 giờ ngày 22/7 đến khi có tin bão cuối cùng.

Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; Nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 17 giờ ngày 22/7.

Tổ chức tiêu thoát nước để chủ động phòng, chống ngập úng cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy. Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp đã xảy ra ngập, hoặc có nguy cơ xảy ra ngập phải khẩn trương vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác, nhất là các trạm bơm để tiêu thoát nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Xem thêm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cần giải quyết sớm việc xen ghép, ổn định dân cư

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Tuyên Quang về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất

Tất cả các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán giống, các loại vật tư nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.