| Hotline: 0983.970.780

Nam Định thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên tại xã Hải Xuân

Thứ Sáu 01/11/2024 , 14:38 (GMT+7)

Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở xã Hải Xuân (huyện Hải Hậu) vừa nhận quyết định thành lập với 125 đoàn viên để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển nghề cá.

Chủ tịch Công đoàn ngành NN-PTNT tỉnh Nam Định Nguyễn Thành Minh trao quyết định thành lập Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở xã Hải Xuân. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ tịch Công đoàn ngành NN-PTNT tỉnh Nam Định Nguyễn Thành Minh trao quyết định thành lập Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở xã Hải Xuân. Ảnh: Kiên Trung.

Sáng 1/11, Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định; Công đoàn ngành NN-PTNT tỉnh Nam Định tổ chức Lễ công bố và trao quyết định về việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở xã Hải Xuân (huyện Hải Hậu).

Tại Lễ công bố, Ban tổ chức chỉ định Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra lâm thời Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở xã Hải Xuân gồm 10 thành viên, do ông Nguyễn Trường Quang làm chủ tịch.

Nghiệp đoàn nghề cá xã Hải Xuân gồm 125 đoàn viên là những người tham gia nghề cá, khai thác hải sản có nhiều năm gắn bó với nghề. Hải Xuân là xã ven biển của tỉnh Nam Định có đội tàu cá đánh bắt xa bờ hùng hậu với 60 tàu cá kích thước lớn. Nghề cá cũng là nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ tại xã Hải Xuân.

Ông Nguyễn Trường Quang, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Hải Xuân, cho biết: Đối với ngư dân, biển là cuộc sống, là cuộc đời. Ước nguyện của ngư dân luôn là trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang khi tàu về cập cảng. Song thực tế, nghề biền xưa nay cũng luôn gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, tranh chấp ngư trường, rủi ro an toàn lao động; việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động nghề cá là điều rất cần thiết.

Thời gian qua, ngư dân xã Hải Xuân được Công đoàn ngành NN-PTNT; Liên đoàn Lao động huyện và chính quyền các cấp vận động tuyên truyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và thành lập nghiệp đoàn và nhận thấy, việc gia nhập có ý nghĩa thiết thực để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động; tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đảm bảo khai thác hải sản đúng vùng biển, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), khai báo nguồn gốc hải sản đánh bắt.

Ông Nguyễn Thành Minh, Chủ tịch Công đoàn ngành NN-PTNT tỉnh Nam Định, cho biết, Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở xã Hải Xuân là mô hình mẫu để tới đây sẽ thành lập thêm các nghiệp đoàn khác tại các tổ, đội tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy sản.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định Trần Đức Việt, Phó Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Đỗ Văn Mạnh tặng cờ Tổ quốc cho 55 chủ tàu cá trong nghiệp đoàn. Ảnh: Kiên Trung.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định Trần Đức Việt, Phó Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Đỗ Văn Mạnh tặng cờ Tổ quốc cho 55 chủ tàu cá trong nghiệp đoàn. Ảnh: Kiên Trung.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định Trần Đức Việt nhấn mạnh, Nghiệp đoàn nghề cá sẽ là tổ chức để nhóm họp các chủ tàu, người lao động hoạt động nghề cá để cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong quá trình đi đánh bắt hải sản xa bờ; tuyên truyền, vận động chủ trương chính sách, quy định pháp luật về nghề cá đồng thời giúp cơ quan quản lý theo lĩnh vực quản lý tốt hơn các đội tàu; phổ biến ngư dân tuân thủ quy các quy định để sớm hoàn thành mục tiêu gỡ "thẻ vàng" IUU tại Nam Định.

Phó Bí thư Huyện ủy huyện Hải Hậu Đỗ Văn Mạnh cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển nắm bắt tình hình hoạt động của hiệp hội nghề cá hiện có; khảo sát người lao động làm việc trên các tàu cá có chiều dài từ trên 6m. Phối hợp với Công đoàn ngành NN-PTNT tỉnh, Liên đoàn Lao động huyện tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ được ý nghĩa chính trị quan trọng của việc thành lập Nghiệp đoàn.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, Hải Hậu sẽ thành lập thêm Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Cồn để các ngư dân, người lao động nghề cá có tổ chức để hoạt động, sinh hoạt.

Tại Lễ công bố, ngành chức năng tỉnh Nam Định đã trao tặng 55 lá cờ Tổ quốc cho 55 chủ tàu; trao tặng số tiền 10 triệu đồng vào kinh phí hoạt động của nghiệp đoàn.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 1.746 tàu cá, trong đó loại tàu có chiều dài lớn nhất dưới 6m là 548 tàu do UBND cấp xã quản lý (chiếm 31,4%); tàu từ 6m đến dưới 12m: 351 tàu (chiếm 20,1%); tàu từ 12m đến dưới 15m: 287 tàu (chiếm 16,4%); tàu từ 15m trở lên: 560 tàu (chiếm 32,1%). Tổng số lao động khai thủy sản trực tiếp trên biển là 5.388 người.

Đến 23/10/2024, tổng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt gần 51 ngàn tấn, trong đó khai thác biển đạt 48.480 tấn, khai thác nội địa đạt 2.342 tấn. 100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên vào cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFishbase).

Xem thêm
Tăng tốc sản xuất thủy sản, đảm bảo không thiếu nguồn cung

Ninh Bình Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kim Sơn đang tranh thủ các yếu tố thuận lợi, xuống giống vụ tôm đông, nhân nuôi hàu giống để kịp thời có nguồn cung.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất