Ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Nam Định, cho biết, trong 2 năm qua, địa phương đã ban hành hàng chục văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU trong lĩnh vực thủy sản.
Về tổ chức, bộ máy tham gia chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
UBND tỉnh Nam Định và UBND tỉnh Kiên Giang ký kết Quy chế phối hợp giữa về kiểm soát hoạt động của tàu cá, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; Tổ chức kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các địa phương ven biển để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, đưa ra các chỉ đạo để khắc phục và nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU.
Công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về IUU, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện và các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có các quy định về chống khai thác IUU, những điểm mới của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP; các chủ tàu thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong năm 2024, đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 815 ngư dân và cán bộ làm công tác chống khai thác IUU các huyện ven biển tham gia, phát 815 bộ tài liệu tuyên truyền gồm: Sổ tay đi biển cho ngư dân; Sổ tay một số điều ngư dân cần biết trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tờ rơi nhóm hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP); tờ rơi hướng dẫn phân vùng khai thác thủy sản, hướng dẫn người dân nộp Nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản...
Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, Sở NN-PTNT tổ chức cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá của tỉnh theo hạn ngạch được công bố tại Quyết định số 1037 ngày 11/4/2024 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc công bố, điều chỉnh giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Quyết định công bố hạn ngạch vùng ven bờ, vùng lộng của tỉnh;
Đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, Cấp giấy chứng nhận ATTP và cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (Vnfishbase).
Số liệu mới nhất đến ngày 23/10/2024, công tác gỡ thẻ vàng IUU của Nam Định đã đăng ký được 1.198/1.198 tàu cá. Số tàu còn hạn đăng kiểm là 752/847 tàu; 95 tàu hết hạn đăng kiểm chưa làm thủ tục do tàu hư hỏng không hoạt động được hoặc tàu chưa đủ điều kiện đăng kiểm. Hiện, 95 tàu này đều đang nằm bờ không đi hoạt động khai thác trên biển. Thực hiện đánh dấu 1.188/1.198 tàu cá đang hoạt động. 10 tàu không đánh dấu do bị hư hỏng không hoạt động và hiện đều nằm bờ.
Cập nhật thông tin 1.198/1.198 tàu có chiều dài lớn nhất từ 06m trở lên vào cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (Vnfishbase), đạt 100%.
Số tàu còn hạn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 528 tàu cá; 32 tàu còn lại chưa đủ điều kiện cấp chứng nhận nên cũng đang nằm bờ, không đi hoạt động.
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 1.746 tàu cá, trong đó loại tàu có chiều dài lớn nhất dưới 6m là 548 tàu do UBND cấp xã quản lý (chiếm 31,4%); tàu từ 6m- <12m: 351 tàu (chiếm 20,1%); tàu từ 12m- <15m: 287 tàu (chiếm 16,4%); tàu từ 15m trở lên: 560 tàu (chiếm 32,1%). Tổng số lao động khai thủy sản trực tiếp trên biển là 5.388 người.
Đến 23/10/2024, tổng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt gần 51 ngàn tấn, trong đó khai thác biển đạt 48.480 tấn, khai thác nội địa đạt 2.342 tấn.