| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao danh tiếng, giá trị đặc sản Nam Trung bộ

Thứ Năm 30/12/2021 , 06:02 (GMT+7)

Việc tôm hùm bông được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ giúp sản phẩm nâng cao danh tiếng, uy tín và khẳng định giá trị, chất lượng.

Tôm hùm bông Phú Yên

Mới đây, tại TP Tuy Hòa, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố Quyết định về việc cấp văn bằng Chỉ dẫn địa lý “Phú Yên” cho sản phẩm tôm hùm bông tỉnh Phú Yên.

Những năm gần đây nghề nuôi tôm hùm bông ở Phú Yên phát triển mạnh. Ảnh: KS.

Những năm gần đây nghề nuôi tôm hùm bông ở Phú Yên phát triển mạnh. Ảnh: KS.

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bắt đầu từ trước năm 1990. Hiện toàn tỉnh Phú Yên có 2.200 hộ nuôi tôm hùm bông với 35.000 lồng, sản phẩm mỗi năm đạt 150 tấn, doanh thu 3.000 tỷ/năm. Tôm hùm bông ở Phú Yên có màu xanh dương pha lá cây, các gai trên vỏ, đầu, ngực màu cam, riêng hai gai má có màu trắng, giữa vỏ lưng mỗi đốt bụng có một dải ngang màu đen. Các chân bò của tôm màu đen với những đốm dị hình vàng nhạt.

Tôm hùm bông Phú Yên có trạng thái tự nhiên nguyên vẹn, không mềm vỏ, đầu dính chặt vào thân, thịt săn chắc đàn hồi, bám chắc vào vỏ. Khu vực địa lý tôm hùm bông Chỉ dẫn địa lý Phú Yên bao gồm đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết việc cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Phú Yên cho sản phẩm tôm hùm bông nhằm khẳng định giá trị, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên Chỉ dẫn địa lý mới là chỉ dẫn thương mại, vì vậy để phát triển mạnh sản phẩm Phú Yên cần đầu tư toàn diện để hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm tôm hùm bông từ con giống, chế độ thức ăn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh cần có giải pháp, chiến lược phát triển thương hiệu tôm hùm bông, đưa sản phẩm trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Tôm hùm bông ở Phú Yên được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Ảnh: KS.

Tôm hùm bông ở Phú Yên được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Ảnh: KS.

Còn ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, hiện xu hướng của thị trường luôn đòi hỏi những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Việc tôm hùm bông Phú Yên được cấp chỉ dẫn địa lý sẽ giúp địa phương thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, số hóa ngành nuôi và thương mại điện tử ngành hàng tôm hùm. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm tôm hùm, phát triển thị trường cũng như giúp bà con nuôi tôm ổn định.

Về định hướng phát triển tôm hùm trong thời gian tới, theo ông Phương, tỉnh Phú Yên đang tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch và khả năng năm 2022, khi quy hoạch tỉnh được duyệt thì những nội dung về quy hoạch nuôi trồng, kể cả nuôi tôm hùm sẽ được tích hợp vào đó.

Từ đó, địa phương sẽ căn cứ sắp xếp lại lồng bè nuôi và áp dụng các mô hình vật liệu mới để thay thế các lồng nuôi thủ công để vừa giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, đẩy ra xa bờ nuôi biển hở khi mà nuôi trong đầm, vịnh cũng có ngưỡng nhất định, lại gây ô nhiễm và rủi ro nhiều. Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng câu lạc bộ, thành lập hiệp hội nuôi tôm hùm để xây dựng chuỗi giá trị và nếu thuận lợi sẽ tiến tới xây dựng hợp tác xã nuôi tôm hùm nhằm mục đích giúp sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

“Đó là những công việc mà chúng tôi sẽ làm trong thời gian tới để xây dựng thương hiệu và phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững”, ông Phương chia sẻ.

Ốc hương Khánh Hòa

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã ban hành Quyết định số 5160 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ốc hương Khánh Hòa.

Nuôi ốc hương ở xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh. Ảnh: KS.

Nuôi ốc hương ở xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh. Ảnh: KS.

Theo đó, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Hội Nghề cá tỉnh. Do điều kiện thiên nhiên ưu đãi và người dân nuôi ốc hương Khánh Hòa có nhiều kinh nghiệm nên ốc hương thương phẩm Khánh Hòa thường có cỡ lớn (10 - 12 g/con). Ốc đồng đều hơn, các phiến vân trên vỏ cách đều nhau (do ốc sinh trưởng đều và không bị bệnh) so với ốc hương ở một số vùng khác. Thịt ốc hương giòn có vị ngọt, bùi và mùi thơm. Phần gan tụy của ốc hương Khánh Hòa cũng to hơn so với ốc hương ở các vùng khác. Phần này có màu nâu như socola tạo nên mùi thơm khi nấu và khi ăn có vị bùi tự nhiên.

Ruột ốc hương Khánh Hòa (phần thịt ăn được) chiếm từ 42 - 50,7% tổng khối lượng ốc. Sau khi nấu khối lượng thịt ốc giảm đi không đáng kể so với khối lượng ban đầu (2 - 4%).

Năm 2000, Khánh Hòa là tỉnh sản xuất giống ốc nhân tạo thành công đầu tiên ở Việt Nam. Toàn tỉnh có trên 500 trại sản xuất giống với quy mô từ 10 - 30 triệu con giống/năm/trại. Hiện tổng diện tích nuôi ốc hương của Việt Nam khoảng 700ha trong đó Khánh Hòa chiếm trên 75% (hơn 500ha) với sản lượng hàng năm từ 4.000 - 4.500 tấn, ước tính giá trị trên 700 tỷ đồng/năm. Hàng năm, Khánh Hòa xuất khẩu số lượng ốc hương khá lớn sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và một số nước châu Âu.

Ốc hương Khánh Hòa có kích cỡ đồng đều và thịt ốc giòn, có vị ngọt, bùi và mùi thơm. Ảnh: KS.

Ốc hương Khánh Hòa có kích cỡ đồng đều và thịt ốc giòn, có vị ngọt, bùi và mùi thơm. Ảnh: KS.

Người dân Khánh Hòa nuôi ốc hương 2 vụ/năm (vụ chính thả giống từ tháng 3 - tháng 4, vụ phụ thả giống từ tháng 9 - tháng 10), trong khi các tỉnh khác nhập giống ốc hương từ Khánh Hòa về nuôi và chỉ nuôi được 1 vụ/năm.

Khu vực chỉ dẫn địa lý gồm các xã, phường: Vạn Thọ, Vạn Phước, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Hưng, Vạn Thạnh, thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh); Ninh Phú, Ninh Phước, Ninh Thủy, Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa); Cam Thịnh Đông, Cam Bình, Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Thuận, Cam Linh (TP Cam Ranh). Chỉ dẫn địa lý này được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam kể từ ngày ký quyết định 9/11/2021.

Phú Yên và Khánh Hòa là các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, bờ biển dài nên rất có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi biển. Thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho ngư dân ven biển, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh. Vì giá trị kinh tế cao, trung bình từ 1,2 - 2 triệu đồng/kg; thời gian nuôi khoảng 18 tháng đạt trọng lượng từ 0,8 - 1,2 kg/con.

Ngày 5/11/2020, Bộ NN- PTNT phê duyệt Ðề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Theo đó, tại tỉnh Phú Yên sẽ phát triển nuôi với hai hình thức gồm nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ; tổng diện tích nuôi là 1.000ha, tập trung tại đầm Cù Mông (253ha), vịnh Xuân Ðài (747ha) với tổng số 45.000 lồng, tương ứng khoảng 405.000m3.

Ốc hương Khánh Hòa từ lâu đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Khi nói đến các món ăn ngon của biển ở Khánh Hòa người ta nghĩ ngay đến các món ăn chế biến từ “Đệ nhất ốc” đó là ốc hương. Ốc hương Khánh Hòa quyến rũ người ăn bởi thịt ốc giòn ngọt, lúc nào cũng tươi ngon và luôn có hương thơm rất tự nhiên. Ốc hương là món ăn hạng nhất của biển và dễ chế biến thành các món ăn khác nhau. Ngoài ra, vỏ ốc hương còn được làm đồ trang sức và mỹ nghệ.

Theo người nuôi ốc hương ở Khánh Hòa, trung bình 1ha nuôi ốc hương sau 6 tháng thu hoạch khoảng 15 tấn (kích cỡ 140 - 150 con/kg). Với giá ốc trung bình 170 - 180 ngàn đồng, sau khi trừ phi phí người nuôi lãi khoảng một nửa.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm