| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao đời sống người Lô Lô

Chủ Nhật 10/10/2021 , 12:45 (GMT+7)

Cao Bằng triển khai nhiều giải pháp, đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc Lô Lô trên địa bàn tỉnh.

Một bản làng của người Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Nguyễn Toán.

Một bản làng của người Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Nguyễn Toán.

Tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 55%

Đồng bào dân tộc Lô Lô ở tỉnh Cao Bằng có 536 hộ, 2.773 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm thuộc 4 xã vùng đặc biệt khó khăn của 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm. Người Lô Lô ở Cao Bằng có hai nhóm Lô Lô đen và Lô Lô hoa nhưng số lượng người Lô Lô hoa rất ít, chủ yếu di cư từ Hà Giang sang để làm dâu, rể...

Trong khi tỉ lệ hộ nghèo chung của Cao Bằng năm 2020 là 26,7%, người Lô Lô vẫn còn tới hơn 55%. Tình trạng suy dinh dưỡng, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến ở hầu hết các xóm, bản người Lô Lô.

Dân tộc Lô Lô sinh sống ở lưng chừng triền núi, đồi, độ dốc lớn, vào mùa mưa thì lũ quét, mùa khô không có nước nên nhiều xóm rất khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất, đường giao thông, điện.

Người Lô Lô có diện tích đất canh tác nông, lâm nghiệp ít, bạc màu, nghèo kiệt về dinh dưỡng, chỉ có hơn 240 ha (bình quân 750 m2/người). Trong đó, diện tích trồng lúa hơn 53 ha, diện tích nương rẫy hơn 190 ha, chủ yếu chỉ trồng ngô, lúa.

Người Lô Lô ở Cao Bằng gìn giữ nghề thêu, dệt vải truyền thống. Ảnh: Nguyễn Toán.

Người Lô Lô ở Cao Bằng gìn giữ nghề thêu, dệt vải truyền thống. Ảnh: Nguyễn Toán.

Nhiều chính sách hỗ trợ người Lô Lô

Khi Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng lập danh sách, đưa 536 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô vào diện hỗ trợ theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, cuộc sống của đồng bào Lô Lô ở Cao Bằng dần đổi thay.

Từ nguồn vốn Trung ương cấp, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là xóm Khau Cà, xã Hồng Trị và xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc); xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm). Mỗi xóm được nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng để đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu; cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Năm 2019 xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc được nhà nước hỗ trợ sợi bông để phát triển nghề dệt vải. Mấy năm gần đây, Khuổi Khon trở thành một trong những địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của huyện Bảo Lạc cũng như tỉnh Cao Bằng.

Chị Chi Thị Duyên, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc chia sẻ: Năm 2019, nhiều chị em trong xóm được Nhà nước hỗ trợ dạy nghề dệt hoa văn trên khăn, áo. Từ khi được hỗ trợ sợi bông để dệt vả, chúng tôi vừa có thể sử dụng sản phẩm truyền thống do chính mình làm ra, vừa có thể bán được sản phẩm làm quà lưu niệm cho du khách.

Ông Chi Viết Hải, người có uy tín ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc cho biết: Sau khi chính sách hỗ trợ người Lô Lô được triển khai, đời sống của người Lô Lô trong xóm đã được nâng lên rõ rệt. Số hộ nghèo giảm mạnh, xóm có 110 hộ thì chỉ còn 21 nghèo, chiếm 19,1%. Thu nhập của người dân được nâng lên nhờ dịch vụ du lịch cộng đồng và kinh doanh các sản phẩm dệt thổ truyền thống của người Lô Lô.

Xóm Ngoàm Lồm, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc có 22 hộ người Lô Lô, với trên 105 nhân khẩu sinh sống, trong đó gần 80% là hộ nghèo. Người Lô Lô trong xóm thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Thiếu tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Ba, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cho biết: Người Lô Lô ở xã Cô Ba sản xuất chủ yếu là thuần nông, mang tính tự cung, tự cấp; chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vẫn còn tình trạng chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở.

Thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Cô Ba đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân thay đổi các hủ tục lạc hậu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên do thiếu nguồn vốn, nhiều tập quán quen thuộc khó từ bỏ nên cuộc sống người Lô Lô vẫn còn nhiều khó khăn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cô Ba, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tuyên truyền cho đồng bào Lô Lô từ bỏ các hủ tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Toán.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cô Ba, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tuyên truyền cho đồng bào Lô Lô từ bỏ các hủ tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Toán.

Qua khảo sát, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ để người Lô Lô ở xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm trồng cây sa mộc, cây hồi. Hiện nay, các cây sa mộc, cây hồi đã cho thu hoạch. Cuộc sống của người dân Cà Đổng đang thay đổi theo hướng tích cực.

Anh Hoàng Văn Hải, xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh bộc bạch: Được nhà nước hỗ trợ đầu tư cây lâm nghiệp, gia đình tôi có cơ hội mở rộng sản xuất. Từ cây hồi, cây quế và các loại cây trồng khác, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 50 triệu đồng, từ đó giúp giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Hà Văn Thài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm thông tin: Xã hiện nay có hơn 200 hộ người Lô Lô với 1.200 nhân khẩu. Thực hiện quyết định của Chính phủ, các cấp, ngành đã đầu tư gần 10 km đường giao thông tại các xóm Cà Đổng, Cà Mèng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B; xây dựng 1 nhà công vụ cho giáo viên, 2 nhà văn hóa cộng đồng.

Nhờ được đầu tư đường xá, người dân đi lại dễ dàng, ổn định và yên tâm sinh sống, sản xuất. Tuy nhiên, 40% số hộ đồng bào Lô Lô ở Đức Hạnh thuộc hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào Lô Lô là thử thách lớn đối với một xã nghèo như xã Đức Hạnh.

Thời gian qua, Ban dân tộc tỉnh Cao Bằng đã vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc Lô Lô.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đầu tư trên 40 tỷ đồng cho vùng đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống. Số vốn này đã hỗ trợ trên một triệu cây quế, hồi, sở; 354 con bò cái sinh sản; 167 chuồng trại cho đồng bào Lô Lô phát triển kinh tế; đầu tư trên 28 tỷ đồng để triển khai đầu tư các công trình giao thông nông thôn, nước sinh hoạt tập trung, nhà công vụ giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Thực hiện các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào như: mua tăng âm, loa truyền thanh, thành lập và duy trì các đội văn nghệ, khôi phục nhạc cụ, trang phục dân tộc, tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô, mở  lớp dạy tiếng dân tộc…

Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc là điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách. Ảnh: Nguyễn Toán.

Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc là điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách. Ảnh: Nguyễn Toán.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng khẳng định: Mặc dù, cuộc sống người Lô Lô đã có nhiều thay đổi tích cực từ khi Quyết định 2068 của Chính phủ ra đời.

Tuy nhiên số hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại. Đây là những vấn đề đòi hỏi các cấp, ngành tỉnh Cao Bằng cần có nhiều chính sách để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào Lô Lô.

Thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục tập trung hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Lô Lô. Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng các mô hình kinh tế điểm dựa vào thế mạnh của địa phương, sau đó sẽ nhân rộng thành nhiều mô hình. Từ đó, giúp đồng bào dân tộc Lô Lô từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ban Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng ban hành các chính sách ưu tiên đào tạo và tuyển dụng cán bộ đặc thù là người dân tộc Lô Lô; có chính sách thu hút, đãi ngộ cho cán bộ công tác trong vùng đồng bào dân tộc Lô Lô để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tỉnh Cao Bằng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục bố trí nguồn vốn để địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; cho phép địa phương được linh hoạt vận dụng triển khai các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Xem thêm
Thủ tướng thăm Lào, chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 4%

Năm 2024, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản của tỉnh Tuyên Quang ước đạt trên 11.252 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!