| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng có cần thiết xây bảo tàng gần 400 tỷ?

Thứ Tư 18/08/2021 , 16:27 (GMT+7)

Trong khi nhiều bảo tàng lớn ở Việt Nam rơi vào tình trạng vắng khách tham quan, thì tỉnh nghèo Cao Bằng lại chuẩn bị xây dựng bảo tàng hoành tráng gần 400 tỷ.

Có dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu

Dự án Bảo tàng tỉnh Cao Bằng được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt tại Quyết định số 1926/QĐ-UBND (ngày 31/10/2019), với tổng mức đầu tư 376 tỷ đồng. Đây là dự án xây dựng mới, nhóm B, thuộc loại công trình dân dụng cấp II, quy mô xây dựng gồm 3 tầng nổi và 1 tầng bán hầm.

Tổng diện tích sàn 13.745 m2; diện tích đường giao thông nội bộ, sân, đường dạo, quảng trường, khu vực trưng bày ngoài trời 8.082 m2; diện tích cây xanh, mặt nước 7.130 m2; diện tích bãi xe ngoài trời 1.600 m2; các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà; trang thiết bị công trình, nội thất văn phòng và nội thất khu trưng bày.

Mô hình bảo tàng gần 400 tỷ của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tư liệu.

Mô hình bảo tàng gần 400 tỷ của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tư liệu.

Tuy nhiên, dự án này lại có vấn đề thiếu minh bạch ngay từ khi đấu thầu. Theo phản ánh của Tổng công ty Thái Sơn (chi nhánh Hà Nội), chủ đầu tư đóng gói thầu vào 7h00 sáng thứ Hai, ngày 12/7/2021 là không đúng với quy định hướng dẫn tại mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó thời điểm đóng thầu phải đảm bảo quy định thời gian từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời thầu đến thời điểm đóng thầu tối thiểu là 20 ngày và không đóng thầu vào đầu giờ làm việc của một ngày để không làm hạn chế nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Trước kiến nghị của Tổng công ty Thái Sơn, ngày 15/7/2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiểm tra quá trình thực hiện đấu thầu gói thầu thi công xây dựng Bảo tàng tỉnh Cao Bằng. Hiện đang trong quá trình xem xét, xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Trụ sở hiện nay của Bảo tàng tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Trụ sở hiện nay của Bảo tàng tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Công trình bảo tàng gần 400 tỷ có cần thiết?

Công trình xây dựng Bảo tàng tỉnh Cao Bằng triển khai với mục tiêu kết hợp giữa các chức năng thư viện, chiếu phim, trưng bày các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về lịch sử hình thành, các thành tựu trong quá trình đổi mới của tỉnh Cao Bằng. Quảng bá các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là quảng bá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Theo thông tin tìm hiểu của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng hiện đang lưu giữ hơn 16.000 hiện vật lịch sử, hiện vật khảo cổ. Trong đó, sưu tập hơn 2.000 viên đạn đá (dùng để bắn súng thần công), sưu tập được tại khu vực Ðền Vua Lê, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An và khu vực huyện Quảng Hòa; bộ rìu đá, bôn đá (công cụ chặt), chày đá, xẻng đá, chày nghiền, bàn nghiền... của người nguyên thủy.

Nhiều năm qua, do cơ sở vật chất còn chật hẹp, chưa có không gian trưng bày, tất cả các hiện vật phải lưu giữ, bảo quản trong kho của Bảo tàng. Khi khách có nhu cầu tham quan, Bảo tàng sẽ tạo điều kiện cho các đoàn khách (chủ yếu là học sinh) đến tham quan tại kho. Việc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng hiện nay chật chội, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu lưu giữ các hiện vật, cần sớm được đầu tư xây dựng là cần thiết.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn hàng trăm xóm, bản chưa có đường giao thông kiên cố, trời mưa phải đi bộ. Ảnh: Công Hải.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn hàng trăm xóm, bản chưa có đường giao thông kiên cố, trời mưa phải đi bộ. Ảnh: Công Hải.

Nhưng đối với một tỉnh như Cao Bằng, nằm trong tốp nghèo nhất cả nước (thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 62/63, chỉ hơn tỉnh Hà Giang), tỷ lệ hộ nghèo là 26,7% và cận nghèo là 14,53%, thì việc xây dựng bảo tàng hoành tráng tới gần 400 tỷ đồng liệu có phù hợp?

Đặc biệt, tại những xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt các xã biên giới, cơ sơ hạ tầng như: đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, điện lưới còn thiếu thốn, chưa được đầu tư. Nếu làm phép tính so sánh, số tiền đó sẽ giúp Cao Bằng đầu tư được hàng trăm km đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch góp phần thay đổi cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nghèo ở những vùng khó khăn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.