| Hotline: 0983.970.780

Nghèo khó bủa vây vùng biên Cao Bằng

Thứ Hai 09/08/2021 , 09:16 (GMT+7)

Đi dọc hơn 300km biên giới Cao Bằng, dễ thấy cái nghèo đến khó tin, không ít người dân muốn được ăn cơm thì phải chờ đến dịp nhận gạo cứu đói.

Quanh năm chỉ ngô, vẫn thiếu ăn 1 - 2 tháng

Cao Bằng có 333km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, với tổng cộng 37 xã thuộc 7 huyện Thạch An, Hạ Lang, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Bảo Lạc và Bảo Lâm.

Trong quá trình đi tìm hiểu về đời sống của người dân biên giới Cao Bằng, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến xã Khánh Xuân, là một xã biên giới của huyện Bảo Lạc.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Khánh, Khánh Xuân là xã nghèo nhất, giao thông khó khăn nhất huyện. Tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 49%, 5/13 xóm có đường ô tô đến nhưng chủ yếu là đường đất, các xóm vùng cao thì chủ yếu là đường mòn, dốc đá cheo leo phải đi xe máy, thậm chí đi bộ nhiều giờ mới đến nơi. Xã còn tới 8/13 xóm vùng cao chưa có điện lưới quốc gia. Người dân chủ yếu trồng độc canh cây ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống nói chung còn rất nhiều khó khăn.

Để mục sở thị những khó khăn nói trên, chúng tôi đến Lũng Rì, là xóm gần nhất, dễ đi nhất vì còn đi được bằng xe máy. Lũng Rì cũng nằm trên tuyến đường đi từ trung tâm xã Khánh Xuân đến 4 xóm biên giới khác.

Người dân ở các xóm vùng cao của xã Khánh Xuân ăn ngô thay gạo quanh năm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân ở các xóm vùng cao của xã Khánh Xuân ăn ngô thay gạo quanh năm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Con đường đến khu dân cư đầu tiên của xóm chỉ hơn 5km, bao gồm 2km là đường nhựa chạy dọc trục quốc lộ 4, hơn 3km còn lại là đường dốc đá, đường mòn rất khó đi men theo vách núi, một bên là vực sâu. Đường rất khó đi nên không thể đèo nhau được mà mỗi người phải tự lái 1 xe máy và nếu tay lái không cứng thì cũng không đi được. Do không đi quen, nên phải mất hơn 30 phút thì chúng tôi mới vượt qua được hơn 3km đường nói trên đến được với xóm Lũng Rì.

Cán bộ xã Khánh Xuân nói, Lũng Rì là xóm trung bình ở xã, nhiều xóm khác còn khó khăn hơn nhiều, còn không có đường đi được xe máy, phải đi bộ. Cảm nhận của chúng tôi, cuộc sống người dân Lũng Rì quá khổ, quá nghèo, thiếu điện lưới quốc gia, thiếu nước sinh hoạt và thiếu ăn.

Để vào được nhà của người dân, chúng tôi phải để xe máy ở sân của một lớp học phân trường mầm non, rồi đi bộ khoảng hơn 10 phút để đến khu dân cư gần nhất. Chủ một ngôi nhà dọc đường là anh Chảo A Khé (34 tuổi), người dân tộc Dao đỏ, là gia đình kinh tế trung bình ở xóm. Bên trong căn nhà sàn xiêu vẹo của Khé chẳng có tài sản gì đáng giá, ngoài ít ngô treo trên gác bếp để ăn. Thứ giá trị nhất của gia đình là con bò để cày ruộng, cùng vài con lợn nuôi nhốt dưới gầm sàn, mấy còn gà chạy loanh quanh trong vườn và một chiếc xe máy cũ là phương tiện đi lại hàng ngày.

Rít dài một điếu thuốc lào, anh Khé chia sẻ: Nhà em có 5 người, quanh năm chỉ trồng ngô thôi, chứ không trồng được lúa. Không có tiền mua gạo, nên hàng ngày cả gia đình ăn là ngô chính (ngô đem nghiền ra để nấu cháo ăn hoặc nấu mèn mén). Cả nhà chỉ được ăn gạo khi vào dịp cứu đói do Nhà nước hỗ trợ mỗi năm 2 lần là 15 kg/người (dịp Tết nguyên đán hoặc giáp hạt). Lâu lâu thèm cơm lắm rồi, cả nhà mới dám bỏ gạo cứu đói nấu ăn một bữa chứ không dám nấu liên tục.

Khé nói mỗi năm gia đình thiếu ăn hơn 2 tháng, lúc nào hết ngô ăn thì lại đem gà, lợn ra chợ bán lấy tiền mua. Tổng số tiền từ việc bán gà, bán lợn và bán sản vật kiếm được trên rừng của cả nhà cũng chỉ được khoảng hơn 5 triệu đồng.

Đường lên xóm Lũng Rì tuy khó khăn, nhưng vẫn hơn một số xóm, bản khác ở xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc vì vẫn còn đi được xe máy. Ảnh: Công Hải.

Đường lên xóm Lũng Rì tuy khó khăn, nhưng vẫn hơn một số xóm, bản khác ở xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc vì vẫn còn đi được xe máy. Ảnh: Công Hải.

Những ngôi nhà tạm bợ

Tổng Cọt (huyện Hà Quảng) là xã biên giới nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng, nơi 100% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới hơn 60%.

Theo chia sẻ của ông Dương Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Tổng Cọt, thì thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt hơn 7 triệu đồng/người/năm, tức là bằng 1/7 bình quân chung của cả nước. Ngoài những người dân sống dọc theo trục đường quốc lộ 4 thuận lợi trong phát triển kinh tế, thì các xóm còn lại rất khó khăn, đặc biệt là đường giao thông.

Để chứng kiến đời sống của bà con, phóng viên đã theo chân cán bộ xã Tổng Cọt đi một vòng quanh các xóm giáp biên giới. Có thể thấy, người dân rất chịu khó làm việc, quanh năm không nghỉ để canh tác trên những thửa ruộng thiếu nước, mà chủ yếu là trồng ngô. Nhưng nhiều người dân vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm, bán kiên cố và thiếu ăn từ 1 - 2 tháng/năm.

Lương thực trong nhà chủ yếu chỉ là ngô.

Lương thực trong nhà chủ yếu chỉ là ngô.

Ghé thăm nhà bà Dương Thị Thén, một hộ dân ở xóm Lũng Gioỏng, nhìn từ bên ngoài, căn nhà sàn của bà trông xiêu vẹo, xung quanh che chắn sơ sài bằng các loại cây, que tạm bợ. Dưới sàn nhà vẫn còn nuôi nhốt gia súc nên không đảm bảo vệ sinh. Trong căn nhà của bà Thén, tài sản giá trị nhất là một chiếc tủ lạnh cũ và số ngô vừa thu hoạch.

Có lẽ do đời sống khó khăn, cái đói, cái nghèo đeo bám cả đời, bà Thén trông như bà lão 80 tuổi, già hơn nhiều so với cái tuổi thực 63. Giống như nhiều người dân ở đây, bà Thén không biết nói tiếng phổ thông nên chúng tôi phải nhờ tới cán bộ xã Tổng Cọt phiên dịch giúp.

Bà Thén nói: Do nước sản xuất không có, nên chỉ trồng được ngô và quanh năm ăn ngô, đến vụ đông có trồng thêm lạc, đỗ tương để ăn. Cả gia đình có 5 người lớn và 2 trẻ nhỏ, làm việc luôn chân tay mà năm nào cũng thiếu ăn khoảng 2 tháng.

Biên cương nghèo khó qua những con số

Trong chặng đường của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đi dọc biên giới để tìm hiểu đời sống của người dân, thật buồn khi chứng kiến sự thật: Phần lớn người dân ở các xóm giáp biên giới quá nghèo, chuyện thiếu ăn mỗi năm 2 - 3 tháng là bình thường. Nhiều nơi vẫn còn nhiều cái "không" như không có đường giao thông, không điện lưới quốc gia, không nước sạch sinh hoạt...

Cái nghèo vẫn bủa vây đa số các xã biên giới ở tỉnh Cao Bằng, đời sống người dân hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Điều đó được thể hiện qua những con số "biết nói": Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các xã còn rất cao, chiếm hơn 40%, cá biệt có những xã tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 50% và đều thuộc vùng lục khu của huyện Hà Quảng là các xã Tổng Cọt 61,4%, Cải Viên 60,8%, Nội Thôn 59,1%, Lũng Nặm 56,4%.

Một ngôi nhà dân ở xã Cần Nông xiêu vẹo như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Công Hải.

Một ngôi nhà dân ở xã Cần Nông xiêu vẹo như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Công Hải.

Đường giao thông đến các xóm chủ yếu vẫn là đường đá cấp phối, đường đất, thậm chí là đường mòn nên việc đi lại, giao lưu buôn bán bị hạn chế. Nhiều xã ngay cả nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng thiếu, chưa nói gì đến nước sản xuất.

Nghiêm trọng nhất là vùng lục khu huyện Hà Quảng không có nước khe, nước ngầm nên chủ yếu sử dụng nước mưa chứa bằng các bể lu, bể vuông gia đình. Vào mùa khô thường xuyên bị thiếu nước do ít được đầu tư các bể nước tập trung hoặc các hồ treo chứa nước.

Những khó khăn thiếu thốn này là mong mỏi mà người dân vẫn trông chờ vào sự quan tâm của nhà nước, đằng đẵng nhiều năm đã qua.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.