| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để vùng biên Cao Bằng vươn lên?

Thứ Sáu 27/08/2021 , 05:29 (GMT+7)

Đọc loạt bài 'Nghèo khó bủa vây vùng biên Cao Bằng' trên Báo NNVN của nhóm tác giả Toán Nguyễn - Công Hải, chúng ta thấy quá xót xa.

Trồng hạt dẻ có thể giúp người dân thoát nghèo. Ảnh minh họa.

Trồng hạt dẻ có thể giúp người dân thoát nghèo. Ảnh minh họa.

Đất nước đã hoàn toàn giải phóng hơn 45 năm rồi mà sao vẫn còn những vùng khó khăn đến thế. Bác Hồ dạy: Phải phấn đấu để cho dân có cơm ăn, áo mặc… Thế nhưng ở đây không có cơm để ăn mà chỉ ăn toàn ngô. Ngay ngô cũng không đủ, mỗi năm vẫn thiếu đói tới 2 tháng… Điều này khiến chúng ta xót xa. Trách nhiệm này thuộc về ai? Không lý, cuộc sống của bà con nơi đây sẽ tiếp tục khốn khó thêm vài chục năm nữa ư?!

Trong các hội nghị, các tỉnh thường có các báo cáo hay nhưng ít  ai nói tới những hoàn cảnh nghiệt ngã như ở vùng biên Cao Bằng này. Ta còn có bao nhiêu vùng như thế nữa? Quốc hội nên thống kê và nêu lên sự thật. Từ đó, ta phải có những giải pháp thật cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Từ lâu, các Bộ, các ngành vẫn có các đề tài và dự án cho những vùng núi non khó khăn đó. Nhiều dự án hoàn thành tốt. Tuy nhiên, cũng có không ít các dự án không đạt yêu cầu. Báo cáo thì hay nhưng khi dự án rút đi thì đâu lại hoàn đấy, dân vẫn đói, khổ.

Việc xét duyệt các đề án nên làm kỹ càng hơn. Trách nhiệm của cơ quan cung cấp kinh phí phải rất lớn. Nếu kết quả không tốt thì đơn vị cung cấp kinh phí phải chịu trách nhiệm chính! Làm vậy thì mới chấm dứt được nạn “xin - cho” thông qua các mối quen biết, bạn bè, đồng hương… và cả các thỏa thuận ngầm tai hại. Nhà nước đã chi ra rất nhiều tiền thì hiệu quả cũng phải được tương xứng. Việc này, mong Quốc hội giám sát và chỉ đạo cặn kẽ. Làm sao để những vùng khó khăn này sẽ được chuyển biến dần dần.

Theo chúng tôi, những vùng khó như Cao Bằng nếu chỉ trồng ngô và sắn thì dân làm sao vươn lên được! Dứt khoát phải tìm cách giúp cho bà con chuyển đổi sản xuất.

Lâu nay, phong trào đưa nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang được tiến hành rầm rộ. Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 được mở rộng ở khắp nơi. Nhiều vùng vươn lên trông thấy. Nông thôn biến chuyển từng ngày… Tuy nhiên, ở những nơi khó như vùng biên Cao Bằng thì việc trước hết lại là tìm cách chuyển đổi đối tượng sản xuất cho bà con. Chọn cho bà con canh tác cây gì, con gì lại là vấn đề hàng đầu trước khi nói tới khoa học kỹ thuật cao.

Trồng cây mắc mật. Ảnh minh họa.

Trồng cây mắc mật. Ảnh minh họa.

Tôi nhớ, khi ông Nguyễn Sinh Hùng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) giao cho chúng tôi lên giúp cho bà con ở xã Trường Hà (nơi có hang Pắc Bó lịch sử), chúng tôi đã chọn một cách làm riêng. Trước hết, chúng tôi phải tìm được những đối tượng sản xuất nào mà “nhanh ăn” để cho bà con sớm có thu nhập. Pắc Bó là điểm du lịch, mỗi ngày có cả nghìn người tới thăm. Thế mà bà con ở đây toàn đi mua hoa quả từ Trung Quốc về để bán.

Vì vậy, chúng tôi chọn ra 3 loại cây “nhanh ăn” là táo, ổi và chuối. Mỗi nhà dân được chọn 1 loại cây và được cấp 20 cây giống. Chỉ sau 1 năm, cả 3 loại cây này đều cho thu nhập. Tuy dân làm chưa đúng kỹ thuật, chăm bón kém nhưng bước đầu đều đã được thu. Chúng tôi giao anh em kỹ thuật tiếp tục giúp cho bà con cách thức canh tác để kết quả đạt cao hơn.

Chúng tôi còn đưa việc nuôi gà công nghiệp lên cho dân. Tập đoàn DABACO đã giúp cho xã 2.000 con gà giống. Gà được chia cho 20 hộ để nuôi. Chỉ sau 3 tháng là bà con đã được thu. Ai nuôi cũng khen là gà lớn nhanh và thịt rất ngon. Thế nhưng, họ lại ăn hết và bán hết! Bao nhiêu tiền thu được chắc lại chi hết cho uống rượu! Không ai giữ lại được vốn để tái đàn! Đây cũng là một bài học mà chúng ta phải lưu ý khi giúp bà con vùng cao.

Khí hậu ở vùng biên Cao Bằng vừa khô lại vừa lạnh. Đưa cây gì vào đây là cả một bài toán khó. Theo chúng tôi, ta nên nghĩ tới các cây lâm nghiệp, đặc biệt là các loại cây lâm nghiệp đa tác dụng. Chúng ta biết, cây lâm nghiệp chịu hạn tốt hơn nhiều loại cây nông nghiệp. Chúng tôi nghĩ rằng, ta có thể chọn một trong những loại cây nhiều triển vọng cho vùng này như trám, hồi, dẻ hạt lớn, dổi ăn hạt, mắc mật, trẩu, sở… và cả mắc ca nữa.

Tất nhiên, cây nào thì cũng cần có nước. Vì vậy, tìm cách dẫn nước tới vùng này là một vấn đề hệ trọng. Ở Hà Giang, các nhà khoa học đã có cách lấy được nguồn nước. Vậy, Cao Bằng có lấy được nước không? Ta nên đầu tư cho những đơn vị có thể làm được việc này. Nên coi đó là một trong những nhiệm vụ then chốt.

Ngoài ra, các loại cây dược liệu sẵn có ở địa phương ta nên khôi phục và tổ chức sản xuất lớn cho bà con. Việc này rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp. Ta nên đầu tư cho doanh nghiệp! Họ sẽ chọn đơn vị khoa học để hợp tác rồi tổ chức cho dân sản xuất. Doanh nghiệp sẽ lo khâu thu mua và chế biến, tiêu thụ. Vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Vấn đề là làm sao để doanh nghiệp thấy và mặn mà với công việc…

Về chăn nuôi, ngoài việc nuôi để tự túc, tự cấp, chúng ta nên chọn cho bà con những đối tượng phù hợp với khí hậu vùng này và có triển vọng sản xuất lớn. Ngoài trâu, bò, lợn, gà ra, ta nên chú ý tới cừu, ngựa, dê, thỏ và cả đà điểu nữa. Loài nào sẽ trụ vững được ở đây? Việc này nên giao cho các đơn vị chuyên ngành (chứ không nên giao cho các tổ chức quần chúng). Đơn vị thực hiện phải có hiểu biết sâu để đưa ra được các phương án hợp lý. Họ sẽ lo cho cả khâu chế biến và tiêu thụ. Nhà nước nên có các chính sách đặc thù cho những đơn vị tham gia hoạt động ở những vùng khó khăn này.

Chúng tôi tin rằng, sẽ có rất nhiều ý kiến hay từ các nhà khoa học, các chuyên gia và ngay cả của đông đảo bà con có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Chúng ta sẽ lựa chọn cho vùng biên Cao Bằng những hướng đi hợp lý để nhanh chóng cải thiện được cuộc sống của bà con nơi đây. Khẩu hiệu “không ai bị bỏ quên” nên được áp dụng cho những vùng khó khăn này. Hy vọng, mọi người sẽ đóng góp thêm nhiều ý kiến để vùng biên Cao Bằng sẽ ngày một vươn lên mạnh mẽ.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.