| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Thứ Sáu 29/05/2020 , 11:12 (GMT+7)

Ngày 29/5, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp".

Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hưng Giang.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hưng Giang.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009, đến nay, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề.

Có thể nói chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao.

Bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy còn nhiều điểm bất cập.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hưng Giang.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hưng Giang.

Bộ máy hoạt động còn giới hạn trong phạm vi địa phương nên tính liên kết còn yếu, hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) còn chưa phù hợp với chức năng là định chế trung gian tài chính trên thị trường lao động, còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động.

Nhân sự được cấu thành từ nguồn biên chế, định biên, ký hợp đồng lao động. Do chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp; nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng nên chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, số định suất lao động chưa được bổ sung cũng là khó khăn đối với các địa phương có số lượng người thất nghiệp lớn.

Cơ chế tài chính từ nguồn ngân sách từ chính quyền địa phương, nguồn hỗ trợ từ Quỹ BHTN, nguồn thu từ các dịch vụ tại Trung tâm. Quỹ BHTN chưa hỗ trợ đầy đủ các chế độ BHTN và việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong khi tất cả hoạt động của trung tâm như điều tra cung – cầu lao động, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống, kết nối việc làm,… đều phục vụ cho người thất nghiệp.

Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng BHTN; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi BHTN…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng tổ chức thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp và đề xuất với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Đề án đặt ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, mức độ hài lòng của người lao động và đưa ra 11 giải pháp cũng như giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành.

Cũng tại hội thảo,  Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho rằng, BHTN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống BHTN đã đóng vai trò nổi bật. Có thể nói, rủi ro về thị trường lao động đột biến và chưa từng xảy ra. Riêng trong tháng 4, tháng 5 tại nhiều tỉnh thành lớn, số người thất nghiệp đã tăng lên. BHTN đến 30/5 dự kiến đã chi hơn 4.000 tỷ đồng cho người lao động và bằng cơ chế thị trường. Dự kiến hết năm 2020 có thể chi hơn chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động và hàng triệu người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm sẽ quay trở lại thị trường lao động.

Với thị trường lao động thì Quỹ BHTN chính là công cụ của Nhà nước để quản trị thị trường lao động, không thể xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nếu không có một thị trường lao động định hướng XHCN và Quỹ BHTN là công cụ chính để Nhà nước quản trị thị trường lao động.

Do đó, việc cải cách, đổi mới Quỹ BHTN chính là thực hiện chỉ đạo chủ trương của Đảng về phát triển thị trường định hướng XHCN mà trong đó Quỹ BHTN là công cụ của Đảng, Nhà nước quản trị thị trường thông qua cơ chế thị trường. Thông qua các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo lần này cùng các ý kiến của 02 cuộc hội thảo tại Quảng Ninh và Bình Dương, Cục Việc làm sẽ tiếp thu, hoàn thiện Đề án để trình Bộ trong thời gian tới.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn PAN cán mốc nghìn tỷ

Tập đoàn PAN công bố kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất