| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao nhận thức của lực lượng chống nhập lậu gia súc, gia cầm

Thứ Ba 10/10/2023 , 07:40 (GMT+7)

‘Nếu lực lượng chức năng đánh giá con gà, con lợn nhập lậu vào Việt Nam là chuyện đơn giản thì họ sẽ không chú trọng và không làm một cách quyết liệt’.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Như So - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đã trải lòng với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những trăn trở trước hiện tượng nhập lậu gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam diễn biến phức tạp trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Như So - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Nguyễn Như So - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Trong các giải pháp để ngăn chặn triệt để vấn nạn này, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trước hết cần phải nâng cao nhận thức, ý thức của lực lượng thực thi nhiệm vụ chống nhập lậu gia súc, gia cầm. Bởi, nếu lực lượng chức năng đánh giá con gà, con lợn nhập lậu vào Việt Nam là chuyện đơn giản thì họ sẽ không chú trọng và không làm một cách quyết liệt.

Nhập lậu con giống đã kéo dài nhiều năm

Thưa ông thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNN cũng như các cơ quan, ban, ngành đều đánh giá tình hình buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu diễn ra rất phức tạp trên địa bàn cả nước. Vậy theo ông, vấn đề này tác động như thế nào đối với ngành chăn nuôi trong nước?

Trong thực tế, việc nhập lậu gia súc, gia cầm ở Việt Nam đã kéo dài nhiều năm, chứ không phải chỉ trong thời gian vừa qua. Đặc thù của chúng ta là có chung biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, trải rất dài và rất rộng.

Như chúng ta đã thấy là trong những năm vừa qua, nhất là năm 2022 trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp. Có thời kỳ chúng ta phòng chống dịch tả lợn Châu Phi rất tốt nhưng nay lại bùng phát ở hầu hết các tỉnh. Tương tự, trên đàn gà cũng xuất hiện nhiều loại bệnh mới, chưa kể các chủng virus từ nước ngoài theo gà, vịt nhập lậu về kết hợp với các chủng virus trong nước tạo ra chủng virus mới, làm giảm hiệu lực của các loại thuốc, vacxin phòng, điều trị bệnh. Do đó, người chăn nuôi khó khăn chồng chất khó khăn.

Những con gà chíp Tàu được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, được tập kết tại nhà kho của một hộ gia đình tại thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Minh Phúc.

Những con gà chíp Tàu được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, được tập kết tại nhà kho của một hộ gia đình tại thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Minh Phúc.

Thưa ông, các chuyên gia cho rằng công nghệ sản xuất giống gia cầm của Trung Quốc và Việt Nam gần như không có sự chênh lệch đáng kể, từ chất lượng cho đến giá thành. Vậy tại sao những con giống gà, vịt từ nước ngoài vẫn ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ như cho như vậy?

Hiện nay, năng lực sản xuất con giống gia cầm của Việt Nam với các nước trên thế giới gần như tương đồng. Tôi tính chi phí sản xuất 1 con gà giống của Việt Nam và Trung Quốc cũng “một chín một mười”. Tuy nhiên có những thời điểm giống gà, vịt nhập lậu vào Việt Nam giá rẻ hơn và lại được một số người chăn nuôi chấp nhận.

Phải nói thẳng thắn rằng, các nước xung quanh chúng ta sản xuất ra con giống cũng không phải rẻ đâu. Nhưng có những thời điểm ngành chăn nuôi của nước bạn cũng gặp khó khăn, con giống ế thừa, không tiêu thụ được, buộc phải bán dưới giá thành để đưa vào Việt Nam. Mặt khác, người dân Trung Quốc thích ăn gà mái chứ không thích ăn gà trống như Việt Nam. Các trang trại cũng phải ưu tiên nuôi gà mái cho nên giá gà giống mái luôn đắt hơn so với con trống.

Bên cạnh đó, chi tiêu dùng của người dân Trung Quốc cũng giảm mạnh trong những năm gần đây; trong khi sản xuất con giống là cả một quá trình từ chuẩn bị chuồng trại, nhân giống, nuôi, ấp, không phải hôm nay giá con giống cao thì làm, ngày mai giá giảm thì nghỉ. Do đó, có những thời điểm lỗ cũng phải bán, giá nào cũng bán để vớt vát chi phí. Những lý do đó dẫn đến tình trạng nhập lậu con giống khi giá gà, vịt trong nước cao hơn so với các nước láng giềng.

Chặn gia súc, gia cầm nhập lậu để bảo vệ sức khỏe giống nòi

Như ông nói, hiện nay đã xuất hiện một số bệnh mới trên gia súc, gia cầm, và thực tế đã được ghi nhận ở Việt Nam rồi. Ông có thể nói cụ thể đó là bệnh gì?

Chúng ta vẫn rất trăn trở về dịch tả lợn Châu Phi. Các nhà khoa học, các chuyên gia và những đơn vị chăn nuôi trực tiếp cũng đang phải lấy con virus thực địa, để xem có biến chủng hay không. Ngoài ra còn bệnh tai xanh, lở mồm long móng, tiêu chảy... Chúng ta cũng có một số vacxin có thể khống chế được dịch bệnh, nhưng với tình hình biến chủng virus trên vật nuôi như hiện nay thì khoa học công nghệ khó có thể theo kịp để hỗ trợ phòng, chống dịch hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Như So, không kiểm soát được gia súc, gia cầm nhập lậu thì chúng ta có tốn kém chi phí đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: Hùng Khang.

Theo ông Nguyễn Như So, không kiểm soát được gia súc, gia cầm nhập lậu thì chúng ta có tốn kém chi phí đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: Hùng Khang.

Hiện nay, cúm gia cầm H5N9, H5N6 cũng đã xuất hiện và biến chủng liên tục. Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT, Thủ tướng cũng đã nhìn nhận ra, có những chỉ đạo rất quyết liệt đối với các địa phương.

Nếu lực lượng chức năng đánh giá con gà, con lợn nhập lậu vào Việt Nam là chuyện đơn giản thì họ sẽ không chú trọng và không làm một cách quyết liệt. Gà lậu không chỉ đi đường bộ thông qua các tỉnh biên giới trên đất liền, mà còn đi bằng đường biển qua khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) về tận Thái Bình. Nếu chúng ta không nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện thì làm ở chỗ này lại trống chỗ kia.

Nhưng tôi cho rằng, nhận thức của một số người làm nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu gia súc, gia cầm chưa được tốt lắm. Tư duy, suy nghĩ họ còn đơn giản, dẫn đến thực thi nhiệm vụ không triệt để. Chúng ta có rất nhiều lực lượng cùng kiểm soát nhập lậu con giống, từ bộ đội biên phòng, công an, hải quan, quản lý thị trường, thú y…, cho nên việc buôn lậu gia súc, gia cầm vào Việt Nam thì họ đều biết cả.

Không chỉ nhập lậu động vật sống, việc tạm nhập tái xuất sản phẩm chăn nuôi cũng là nguyên nhân lây truyền dịch bệnh từ nước ngoài vào trong nước.

Tôi lấy ví dụ, Việt Nam làm sao có nhiều chân gà như vậy. Phải chăng các lô hàng tạm nhập, tái xuất đã quay đầu để bán trong nước? Và tại sao một số sản phẩm thịt lợn của châu Âu nhập vào Việt Nam lại có giá rẻ như vậy?

Theo tôi được biết, trong Luật Chăn nuôi của nhiều quốc gia đều có chính sách dự trữ thực phẩm, giống như Việt Nam dự trữ lúa gạo.

Cứ đến một chu kỳ, hàng năm người ta đều phải đổi các sản phẩm gần hết hạn để thay thế bằng sản phẩm mới. Những hàng hóa cũ sẽ được thanh lý với giá rẻ. Nếu đi khảo sát, đánh giá tại các siêu thịt bán thịt ở châu Âu, ở các nước mà chúng đang nhập khẩu, thì giá các sản phẩm thịt lợn cao hơn ta rất nhiều.

Bởi vậy, cần phải có quy chuẩn hàng đông lạnh chỉ được bảo quản tối đa bao nhiêu ngày? Thế nào là thịt tươi? Thịt tươi phải có độ đạm như thế nào? Quá trình chăn nuôi sử dụng thức ăn, vật tư gì?... Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm rất quan trọng, vì nó liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng, tầm vóc của giống nòi, chứ không đơn giản chỉ là bữa ăn.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ hơn 1.800 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc vào chiều ngày 3/10/2023. Ảnh: Minh Phúc.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ hơn 1.800 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc vào chiều ngày 3/10/2023. Ảnh: Minh Phúc.

Không chặn được con giống nhập lậu, không có chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Rõ ràng, chính các lực lượng chức năng cũng cần phải hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thực phẩm đối với đời sống con người, từ đó mạnh tay hơn đối với sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định chất lượng?

Như tôi vừa chia sẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm là đảm bảo đời sống, sức khỏe của con người và nó liên quan đến tồn vong của nòi giống. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ để kiểm soát. Thậm chí phải đề nghị đưa vào Bộ Luật Hình sự để có chế tài đủ mạnh răn đe.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng phải chủ động tiếp cận, ứng dụng học công nghệ chọn tạo giống, sản xuất giống tiên tiến trên thế giới, chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, tôi nghĩ việc phòng chống gia súc, gia cầm nhập lậu mới được giải quyết tốt.

Hiện nay, theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), sản phẩm chăn nuôi muốn xuất khẩu được thì bắt buộc phải xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh. Bộ NN-PTNT và Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ vacxin và vật tư nông nghiệp xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, với việc biến chủng của các loại virus trên đàn ra súc, gia cầm như lở mồm long móng, dịch tai xanh… thì nếu Việt Nam không ngăn chặn được nhập lậu gia súc, gia cầm, chắc chắn là sẽ vô cùng khó để xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Theo ông quan điểm này có đúng không ạ?

Quan điểm đó hoàn toàn chính xác. Thực tế đã có một số vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận. Tuy nhiên, nếu cứ để hiện tượng nhập lậu, không kiểm soát được thì chúng ta có tốn kém chi phí đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Một điều nữa cũng rất quan trọng, là con giống phải truy xuất được nguồn gốc. Mà đã là con giống nhập lậu thì không thể truy xuất được nguồn gốc, điều này rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.