| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu

Thứ Sáu 02/08/2024 , 07:45 (GMT+7)

TP.HCM Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP.

 

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại TP.HCM, trực tuyến tại điểm cầu Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố và trụ sở Báo Nông nghiệp Việt Nam vào sáng 2/8.

Tại điểm cầu chính, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Cục BVTV, Văn phòng SPS Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Chính sách công và PTNT, Cục Xuất nhập khẩu, Sở An toàn thực phẩm TPHCM cùng một số đơn vị liên quan tham dự.

Ngoài ra, các hiệp hội như: Rau quả Việt Nam, Hồ tiêu và Cây gia vị, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điều, Cà phê và Ca cao, Chè cũng quan tâm, cử đại diện dự và phát biểu ý kiến. 

Đây là hội nghị thứ 4 trong năm 2024 mà Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tại địa phương, sau 3 chương trình đã thực hiện tại Lạng Sơn, Phú Yên và Thái Bình.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, hội nghị được triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, theo công văn ban hành ngày 18/7.

Mục đích nhằm tăng cường phổ biến, cập nhật các quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) để giúp doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và thủy sản nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.

Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ 1/8/2020, được dự báo giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng hơn 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030. Nhiều chuyên gia cho rằng, EVFTA góp phần làm GDP Việt Nam trở lại mức tăng trưởng 7% giai đoạn 2029 - 2033.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 2.300 tỷ USD. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này hiện khoảng 2%.

Hiệp định RCEP, có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm. 10 quốc gia ASEAN, thành viên chính trong RCEP, tin rằng với sự lớn mạnh của các thành viên, EU và Hoa Kỳ sẽ tăng cường đàm phán và mở cửa thị trường hơn trong tương lai với nhóm RCEP.

Nhóm RCEP hiện chiếm 1/3 dân số toàn cầu. Khu vực có dư địa và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới.

Tất cảTổng thuật

12 giờ 00 phút

Doanh nghiệp có thể mắc sai sót mà không biết

Nhập chú thích ảnh

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, phát biểu tổng kết hội nghị.

Tổng kết hội nghị, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhìn nhận, trong gần 4 tiếng diễn ra chương trình, nhiều vấn đề nóng về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật… đã được nêu. Qua đó, ông Hòa đánh giá, nhận thức về xuất khẩu của doanh nghiệp đôi lúc còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài ra, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, người dân còn nhiều khâu chưa kiểm soát được 100%. Ông Hòa lấy ví dụ, nguồn nước tưới, đất, bình tưới… tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm, tồn dư thuốc BVTV.

Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, ông Hòa thừa nhận, không ít cơ sở định lấy chứng nhận HACCP nhưng nhà xưởng chưa thiết kế theo kiểu một cửa, hoặc để chó, mèo xuất hiện xung quanh khu vực nhà máy.

Chính vì những nhận thức chưa sâu sắc này đã góp phần khiến số lượng cảnh báo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng bất thường.

Thời gian tới, ông Hòa đề xuất các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tìm hiểu thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý.

“Văn phòng SPS Việt Nam cam kết hỗ trợ vấn đề thông tin về kiểm dịch, an toàn thực vật, giúp doanh nghiệp đáp ứng một cách tốt nhất các quy định trong các FTA thế hệ mới, trong đó có RCEP và EVFTA", Giám đốc Lê Thanh Hòa khẳng định.

11 giờ 50 phút

3 vấn đề ngành hàng gia vị đang gặp phải khi xuất khẩu sang châu Âu

z5691742084619_c0f23e6fab6c05f9da443a0e51c97a29

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, đánh giá cao hội nghị và ý tưởng của Bộ NN-PTNT trong hợp tác chặt chẽ với Báo Nông nghiệp Việt Nam nhằm lan tỏa quy định SPS từ phía đầu các nước nhập khẩu cũng như cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định 534 về Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do.

Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai định hướng đến năm 2030, kiện toàn quy định, chính sách, đưa toàn bộ quy định SPS đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo bà Liên, ngành hàng hồ tiêu nói riêng và gia vị nói chung còn tồn tại một số hạn chế, bà kiến nghị doanh nghiệp trong lĩnh vực, bên cạnh việc theo dõi, cập nhật thông tin trên các website của cơ quan quản lý dữ liệu Nhà nước cũng cần quan tâm đến website của SPS từ EU để cập nhật thông tin về mọi mặt hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể tham khảo các lô hàng có cùng lợi thế cạnh tranh từ các nước bị cảnh báo để rút kinh nghiệm.

Với số liệu về những lô hàng bị cảnh báo trong ngành hàng gia vị, bà Liên chỉ ra 3 vấn đề mà ngành hàng này đang gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu như chỉ số chỉ tiêu MIL, dư lượng thuốc, vi sinh vật, kim loại nặng…

Bà đề xuất cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa cơ quan quản lý đầu mối, doanh nghiệp, hiệp hội để xử lý các vấn đề như lô hàng bị trả lại, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến SPS….

11 giờ 45 phút

Chuyển dần tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang Đông Bắc Á

z5691759861932_07a8106ff4e09bb3579b071dbfd191c1

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Qua theo dõi những năm vừa qua, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận xét, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng.

Theo ông Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành rau quả nói riêng và nông sản Việt nói chung cần đa dạng hơn nữa thị trường, trong đó có khối Đông Bắc Á.

Đại diện Hiệp hội Rau quả cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng là thành viên của Hiệp định RCEP. Doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ.

Dự báo về tình hình đến cuối năm 2024, ông Nguyên kỳ vọng ngành hàng rau quả có thể xuất khẩu đạt 7 tỷ USD. Trong thành công chung đó, ông nhấn mạnh: “Mỗi khi mở cửa một thị trường mới, doanh nghiệp đa phần lúng túng và cần một đầu mối để thông tin, hướng dẫn. Văn phòng SPS Việt Nam đã làm rất tốt, giống như người dẫn đường cho nông sản Việt ra nước ngoài”.

11 giờ 35 phút

ong vo van hoai

Theo ông Võ Văn Hoài (ảnh), đại diện Công ty Acecook Việt Nam, công ty là doanh nghiệp có vốn Nhật Bản và chuyên kinh doanh các sản phẩm ăn liền.

“Thời gian qua, Bộ NN-PTNT, trong đó có Văn phòng SPS Việt Nam đã hỗ trợ Công ty Acecook và các doanh nghiệp trong lĩnh vực ăn liền để tìm hiểu và đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường”, ông Võ Văn Hoài chia sẻ.

Theo đại diện của Acecook Việt Nam, doanh nghiệp của ông, cũng như các đối tác trong ngành rất am tâm khi nhận được hỗ trợ, hướng dẫn của Văn phòng SPS để giúp giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường quốc tế.

11 giờ 30 phút

Công ty Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ sẵn sàng hỗ trợ công tác kiểm định

z5691712194039_87656858be6896d58617c5edd5e79385

Theo ông Henry Bùi (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ, công ty ra đời từ 2007, có thể xem là đơn vị duy nhất thực hiện được quy trình cho mật ong xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu với những thiết bị, công nghệ hàng đầu để truy xuất nguồn gốc và tìm vết trên sản phẩm.

“Thời gian gần đây, hằng năm, Công ty Hoàn Vũ xuất khẩu mật ong đi nhiều thị trường trên thế giới và hoàn toàn thành công”, ông Hoàng chia sẻ.

Khi đi vào những thị trường khó tính, để tránh bị cảnh báo, các doanh nghiệp cần có những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có quy trình quản lý, kiểm tra rất kỹ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm được đối tác có năng lực kiểm định để đưa hàng xuất khẩu một cách thành công.

“Công ty Hoàn Vũ sẵn sàng hỗ trợ công tác kiểm định cho các ngành hàng Việt Nam khi muốn hợp tác”, giám đốc Bùi Xuân Hoàng khẳng định thêm.

11 giờ 15 phút

Giới thiệu nhiều công nghệ sơ chế, bảo quản quả tươi phục vụ xuất khẩu

z5691632151022_53be2d9dccd50d7631845464f547126a

TS Lê Hà Hải, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT, giới thiệu nhiều công nghệ sơ chế, bảo quản quả tươi phục vụ xuất khẩu.

Giới thiệu công nghệ sơ chế, bảo quản một số sản phẩm nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường, TS. Lê Hà Hải - Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT cho biết, các công nghệ được Viện nghiên cứu phát triển và ứng dụng thành công tại một số mô hình sản xuất doanh nghiệp. Công nghệ sơ chế nông sản trước khi bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản, giảm thiểu thất thoát và tăng giá trị gia tang của sản phẩm…

Một số dây chuyền được ứng dụng như dâu chuyền thiết bị sơ chế, bảo quản nông sản gồm máy rửa, máy phân loại, máy làm khô… đã ứng dụng tại tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Đồng Tháp… có thể xử lý 10-15 tấn/ngày. Dây chuyền sơ chế bảo quản quả bưởi tươi như Công nghệ bảo quản bằng màng phủ thay thế màng PVC kết hợp xử lý bảo vệ thực vật. Thời gian bảo quản trái bưởi tươi được 120 ngày. Trái bưởi tươi được xuất khẩu bằng đường biển sang thị trường Mỹ và EU. Dây chuyền đươc ứng dụng tại Công ty Cổ phần tập đoàn xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu.

Đối với bảo quản rau quả, ông Hải giới thiệu một số công nghệ như bảo quản bằng điều biến khí quyển (CA), bao gói khí điều biến MAP, rấm chín bằng khí Ethylene. Trong đó, về cơ chế bảo quản dựa trên nguyên tắc sử dụng một chất có khả năng hấp thụ được khí Ethylene nhằm hạn chế tác động ảnh hưởng của nó đến quá trình biến đổi về sinh lý và sinh hoá của rau quả theo xu hướng già hoá. Công nghệ được áp dụng rộng rãi với các đối tượng như quả hồng, quả na, sầu riêng, chuối...

Với công nghệ bảo quản bằng điều khí quyển CA, hoa quả có thể được bảo quản lâu gấp 2 - 4 lần tùy theo đặc tính sinh lý của mỗi loại rau quả.

Công nghệ bao gói MAP hay còn gọi là bao gói thông minh, bảo quản nhờ khả năng bán thấm khí và ẩm của vật liệu bao gói trong điều kiện bảo quản rau quả tươi ở nhiệt độ cố định (thường trong kho mát).

Bên cạnh đó, đại diện Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cũng giới thiệu một số dây chuyền điển hình như thiết bị và công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản nho, táo, năng suất 500kg/h; dây chuyền thiết bị công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản vải thiều, năng suất 1 tấn/h; dây chuyền thiết bị công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản thanh long, năng suất 2 tấn/h; công nghệ bảo quản xoài, chuối, sầu riêng, bơ… giúp doanh nghiệp bảo quản sản phẩm phục vụ xuất khẩu hiệu quả.

10 giờ 45 phút

Liên kết chuỗi, đồng quản lý an toàn thực phẩm ngay từ nguồn nguyên liệu

z5691519336396_79377b4cca314608870dec627f5e6827

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp SPS của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Ngược lại, một số thị trường như Trung Quốc gần như không có thông báo nào.Tính từ năm 2000, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng tăng thông báo, từ chưa đến 250 thông báo (năm 2000) đã tăng lên hơn 1.100 thông báo (năm 2022).

Ngoài ra, các đối tác chính về thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là nơi có nhiều thông báo nhất, chiếm hơn 60%.

Điều đáng ngại, theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm là số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

Việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%). “Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, ông Nam chia sẻ.

Trong khi EU định kỳ 6 tháng 1 lần rà soát về áp dụng các biện pháp tăng cường, kiểm tra bổ sung, quản lý nhập khẩu, thì việc góp ý cho thông báo dự thảo về biện pháp SPS của Việt Nam còn hạn chế, theo ông Nam. Chỉ một số ít địa phương, như Hải Dương, thực sự quan tâm và có những phản hồi đầy đủ, kịp thời.

Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thương số lượng cảnh báo, Phó giám đốc Ngô Xuân Nam cho rằng, có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, ông Nam nhìn nhận, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.

Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Lấy ví dụ về khảo sát tại Thừa Thiên - Huế năm 2020, 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh.

Trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng. Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói.

“Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm”, ông Nam bày tỏ.

Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt đề án nâng cao hiệu thực thi SPS. Song song với hoạt động triển khai đề án, ông Nam kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi; doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến; hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý và địa phương.

“Không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu”, ông Nam nhấn mạnh.

10 giờ 25 phút

Những vấn đề cần quan tâm với thị trường RCEP

z5691442007217_17d54c423d83bb87a7f857470b8d444e

Bà Phạm Thị Lâm Phương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, thông tin những vấn đề cần quan tâm với thị trường RCEP.

RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Theo bà Phạm Thị Lâm Phương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, RCEP được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác (FTA ASEAN+).

Do đó, RCEP là một FTA bao trùm với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+ và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới (như Thương mại điện tử, Mua sắm công, Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ…).

Mặc dù vậy, so với các FTA thế hệ mới khác mà Việt Nam đang thực thi (như CPTPP hay EVFTA), mức độ mở cửa thị trường và tiêu chuẩn cam kết quy tắc trong RCEP cơ bản bằng hoặc thấp hơn.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, RCEP có thị trường 2,2 tỷ dân, GDP trên 26 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu.

6/14 quốc gia nằm trong khối RCEP (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan) thuộc Top 10 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (chiếm 61%). Và các nước RCEP là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam (Trung Quốc, ASEAN…) đặc biệt là các nguyên phụ liệu và thiết bị sản xuất, xuất khẩu.

Bà Phạm Thị Lâm Phương cho biết thêm, khi giao thương, doanh nghiệp cần xác định xem hàng xuất khẩu/nhập khẩu với nước thành viên nào của RCEP để tìm Biểu thuế ưu đãi RCEP của nước đó áp dụng cho Việt Nam và ngược lại.

Cụ thể, mức cam kết về ưu đãi thuế quan của Việt Nam trong RCEP cho hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác không cao hơn so với mức ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đang dành cho hàng hóa từ các nước này theo các FTA ASEAN+ đã có.

Để hưởng ưu đãi thuế quan, các sản phẩm cần có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên, hoặc được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên.

Ngoài ra, các sản phẩm sản xuất tại một nước thành viên có sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng (Phụ lục 3A Chương XXHH của Hiệp định) cũng được hưởng ưu đãi thuế quan.

Về kết quả xuất khẩu nông sản sang các quốc gia RCEP, năm 2022 (năm đầu tiên thực thi Hiệp định) đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021 (Australia tăng 49,2%; Nhật Bản tăng 27,5%; ASEAN tăng 20,4%...).

Đến năm 2023, Indonesia tăng 4,5 lần so với năm 2022; Philippines tăng 15,7%; Trung Quốc tăng 15,8%...

Và sau 6 tháng đầu năm 2024, ngoại trừ 3 nước trong ASEAN (Lào, Myanmar, Brunei), kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường còn lại trong khối đều ghi nhận kết quả tích cực.

Những điểm cần lưu ý

Tại hội nghị, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra một số khuyến nghị khi giao thương với thị trường RCEP.

Với các cơ quan quản lý nhà nước, bà Phương cho rằng cần tiếp tục cập nhật, tuyên truyền, phổ biến các thông tin về thị trường, chính sách, đặc biệt là các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam như RCEP tới doanh nghiệp để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương và Hiệp hội ngành hàng trong công tác đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến xuất khẩu, khai thác các thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, tận dụng lợi thế của các mặt hàng chủ lực mỗi địa phương.

Một lưu ý nữa là phối hợp với Tham tán thương mại và nông nghiệp của Việt Nam ở các quốc gia, khu vực thị trường đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác thị trường và xúc tiến thương mại, quảng cáo đa kênh; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối tại thị trường.

Đối với doanh nghiệp, hiệp hội, bà Phạm Thị Lâm Phương cho rằng trước tiên cần phát triển sản xuất, nuôi trồng, chế biến trong nước, nâng cao chất lượng và trị giá sản phẩm; hình thành các chuỗi giátrị xuất khẩu quy mô lớn.

Sau đó tăng cường cập nhật thông tin thị trường, chính sách, thông tin về FTA và các cam kết liên quan để tận dụng triệt để các cơ hội. Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh theo từng thị trường, linh hoạt thích nghi với bối cảnh.

Đặc biệt, phải phối hợp với các cơ quan, các Tham tán thương mại và nông nghiệp của Việt Nam ở các quốc gia, khu vực thị trường trong tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; marketing, xúc tiến xuất khẩu; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối hàng hóa tại thị trường; bảo vệ uy tín và quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

10 giờ 00 phút

Nhiều quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu thủy sản vào các thị trường trọng điểm

z5691260967489_1e207399ef4ddde864925253e927bde2

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM), cung cấp một số quy định mới của các thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) cung cấp một số quy định mới của các thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản của EU và trong khối RCEF.

Ở thị trường EU, thủy sản nuôi phải được xây dựng, triển khai và công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh (HCKS). Sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh phải có Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch và được công nhận.

Hằng năm, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải báo cáo EU về kết quả triển khai chương trình và định kỳ bị thanh tra. EU yêu cầu lập danh sách riêng cho các cơ sở sản xuất đùi ếch, ốc, và gelatin/collagen từ nguyên liệu thủy sản, và các cơ sở trong chuỗi sản xuất từ thu mua, sơ chế, kho lạnh, chế biến, tàu cấp đông đến tàu chế biến phải có trong danh sách này. Các quy định về chống khai thác IUU cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

Bà Hoa khuyến cáo doanh nghiệp về các quy định mới của EU liên quan đến kiểm soát Nhà nước, đảm bảo thực hiện luật thực phẩm và chăn nuôi, hệ thống thông tin IMSOC, và sản phẩm chế biến tổng hợp.

Về khó khăn tại thị trường này, bà Hoa cho biết, các lô hàng thủy sản của Việt Nam thường bị EU cảnh báo về việc tăng hóa chất kháng sinh và Việt Nam vẫn chưa khắc phục được “thẻ vàng” trong quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). EU có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, bao gồm cả thủy sản nhập khẩu, và đòi hỏi chứng thư và kiểm soát theo cả chuỗi sản xuất. Sản phẩm cá ngừ ngâm trong nước muối chỉ được sử dụng cho công nghiệp đồ hộp.

Đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, bao gồm 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài động vật thủy sản sống. Riêng các cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi tôm phải được cơ quan quản lý địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP/vệ sinh thú y và cấp mã số. Đồng thời, cơ quan thú y địa phương phải giám sát các bệnh TSV, MBV, WSSV, IHHNV trong ba giai đoạn nuôi.

Bên cạnh đó, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này vẫn phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn của FAO, WHO và yêu cầu của Trung Quốc theo Lệnh 248, 249.Với thị trường này, bà Hoa nêu một số khó khăn, hạn chế như việc xử lý và phê duyệt hồ sơ trên CIFER từ phía Trung Quốc thường chậm.

Sản phẩm đăng ký phải thuộc danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết hạn để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tránh ách tắc thương mại.

Đối với thị trường Mỹ, yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cá Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm những điểm chính sau: Ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố quyết định công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ.

Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/8/2020 về “Chương trình kiểm soát ATTP cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, quy định các điều kiện sản xuất phải tuân thủ, tích hợp các yêu cầu của FSIS: Code of Federal Regulations (CFR)-Title 9 Animals and Animal Products và Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

Sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục giám sát và định kỳ thanh tra lại hệ thống kiểm soát ATTP trong chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra của Việt Nam.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản (NFQS) quản lý các cơ sở không sử dụng phụ gia, trong khi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) quản lý các cơ sở sử dụng phụ gia. NFQS sẽ đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm bị cảnh báo khi thuộc nhóm có hại chung (vi sinh vật tổng số, kháng sinh hạn chế sử dụng,…).

Nếu sản phẩm thuộc nhóm đặc biệt có hại (kháng sinh cấm, vi sinh vật gây bệnh,…), NFQS sẽ đình chỉ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm của cơ sở đó. NFQS cũng quy định chế độ xử lý nhiệt cụ thể đối với tôm nấu chín xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà không yêu cầu xét nghiệm bệnh.

Đối với thị trường Nhật Bản, bà Hoa lưu ý về quy định ngăn chặn các sản phẩm khai thác IUU nhập khẩu được áp dụng từ 01/12/2022, áp dụng cho các loại mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích.

9 giờ 15 phút

Trung Quốc đứng đầu số sản phẩm được xuất chính ngạch trong nhóm RCEP

z5691050192211_bd543a91c79ad2517471dcc30aa7d8c2

ThS Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN-PTNT.

ThS Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN-PTNT cho biết, các quy định SPS trong Hiệp định RCEP dựa trên 6 tiêu chí, gồm: tuân thủ quy định quốc tế, đánh giá rủi ro dựa trên khoa học, minh bạch, khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau, hợp tác và ứng dụng công nghệ trong chứng nhận.

Các biện pháp kiểm dịch được quốc gia đưa ra nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan.

“Mỗi quốc gia có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo, hoặc hạn chế nhập khẩu”, ông Quang nói.

Với lĩnh vực BVTV, việc tuân thủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là quan trọng nhất. Đây là yêu cầu bắt buộc khi đưa hàng hóa xuất khẩu nhưng không bắt buộc với sản phẩm nội tiêu.

Theo ông Quang, việc cấp mã số dựa trên cơ sở tự nguyện của cơ sở và phải được quốc gia nhập khẩu chấp thuận. Ngoài ra, định kỳ Cục BVTV và địa phương sẽ kiểm tra đánh giá, giám sát và duy trì theo định kỳ.

Từ năm 2023, Bộ NN-PTNT và Cục BVTV định hướng phân cấp, phân quyền quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói về địa phương. Cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện kiểm tra thực tế, trước khi tổng hợp gửi Cục BVTV.

Trong thị trường RCEP, số lượng sản phẩm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm, thêm vào đó là dừa, chanh leo và ớt được xuất tạm thời. Xếp kế tiếp là New Zealand có 5 sản phẩm. Mới nhất, Hàn Quốc chính thức cấp phép cho mặt hàng bưởi tươi.

“Cục BVTV tiếp tục mở cửa thị trường cho quả có múi, cây dược liệu và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ngoài ra, chanh leo cũng đang hoàn tất thủ tục để xuất sang Australia, New Zealand”, ông Quang chia sẻ.

Dựa trên phân tích dịch hại, từng nước nhập khẩu sẽ áp dụng xử lý kiểm dịch thực vật riêng. Các phương pháp chính gồm hơi nước nóng, xử lý lạnh, hoặc chiếu xạ.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong RCEP, yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm và ký kết nghị định thư. Doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đăng ký theo Lệnh 248, 249, đồng thời khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Trong khi EU, dù được giảm thuế quan theo EVFTA, đặc biệt quan tâm đến mức dư lượng. Nếu một thuốc BVTV chưa được EU thiết lập MRL và không có trong cơ sở dữ liệu thì sẽ được áp dụng mức mặc định là 0,01 mg/kg.

8 giờ 50 phút

Văn phòng SPS Việt Nam điểm lại 13 thông báo quan trọng

z5691012844203_f67890347e4ac659a281631420d60194

TS Đào Văn Cường, Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT.

Theo TS. Đào Văn Cường, Chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, có 551 thông báo và thông báo dự thảo biện pháp SPS được gửi đến Việt Nam, so với 6 tháng đầu năm 2023 là 566 thông báo. Về số lượng, các thị trường có số thông báo nhiều nhất lần lượt là Canada, Nhật Bản, Brazil, sau đó là nhiều quốc gia, nhóm quốc gia khác.

Trong số 551 thông báo của nửa đầu năm 2024, số lượng lớn nhất thuộc về dư lượng (115 thông báo), sau đó là sức khỏe động vật, sức khỏe thực vật, thức ăn chăn nuôi....

Tương đương với đó, các cơ quan của Việt Nam nhận được nhiều thông báo nhất lần lượt là Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), Cục ATTP (Bộ Y tế), Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)...

Thị trường EU

Với thị trường châu Âu, Quy định (EU) số 178/2002 (được coi là Luật thực phẩm chung của EU) là văn bản luật quan trọng nhất đưa ra nguyên tắc và quy tắc chung về an toàn thực phẩm ở EU. Quy định này áp dụng cho tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn).

Sau đó là Quy định chống phá rừng (EUDR), EUDR được áp dụng từ tháng 01/2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2025. Theo đó sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.

Ngoài ra còn quy định về chống Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; quy định về áp dụng các biện pháp tạm thời kiểm soát chính thức và biện pháp khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU; quy định về các sản phẩm thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật.

Thị trường Trung Quốc

Với thị trường láng giềng, Trung Quốc không có chính sách MRL mặc định và Trung Quốc duy trì Danh sách MRL quốc gia và không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX

Theo đó, tiêu chuẩn MRL của Trung Quốc được cập nhật hai năm một lần và các thay đổi chủ yếu bao gồm việc bổ sung các MRL mới. Các đề xuất MRL được thông báo cho WTO trong suốt cả năm, nhưng có thể mất một đến hai năm để các điều khoản dự thảo được thông qua.

Đối với thị trường này, các tiêu chuẩn đáng chú ý bao gồm: GB 2763 Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia - Giới hạn Dư lượng Tối đa đối với Thuốc trừ sâu trong Thực phẩm; GB 23200.116 Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia - Xác định 90 Thuốc trừ sâu và các chất chuyển hóa hữu cơ tồn dư trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật - Phương pháp sắc ký khí; GB 23200.117 Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia - Xác định Dư lượng Oxine-Đồng trong Thực phẩm có Nguồn gốc Thực vật - Phương pháp Sắc ký lỏng Hiệu suất Cao.

Những thông báo đáng chú ý

Trong số 551 thông báo trong 6 tháng đầu năm, Văn phòng SPS Việt Nam điểm lại một số thông báo quan trọng như sau:

1. Thông báo số G/SPS/N/AUS/586 ngày 12/4/2024 của Australia

2. Thông báo số G/SPS/N/AUS/570/Add.1 ngày 07/03/2024 của Australia

3. Thông báo số G/SPS/N/AUS/583 ngày 19/03/2024 của Australia

4. Thông báo số G/SPS/N/NZL/742/Add.1 ngày 31/01/2024 của NEw Zealand

5. Thông báo số G/SPS/N/KOR/798 ngày 13/03/2024 của Hàn Quốc

6. Thông báo số G/SPS/N/KOR/797 ngày 05/03/2024 của Hàn Quốc

7. Thông báo số G/SPS/N/JPN/1258 01/03/2024 của Nhật Bản

8. Thông báo số G/SPS/N/CHN/1298 ngày 12/02/2024 của Trung Quốc

9. Thông báo số G/SPS/N/CHN/1297 ngày 12/02/2024 của Trung Quốc

10. Thông báo số G/SPS/N/CHN/1296 ngày 12/02/2024 của Trung Quốc

11. Thông báo số G/SPS/N/CHN/1295 09/02/2024 của Trung Quốc

12. Thông báo số G/SPS/N/CHN/1301 ngày 28/6/2024 của Trung Quốc

13. Thông báo số G/SPS/N/CHN/1311 ngày 11/7/2024 của Ủy ban Y tế quốc gia - Trung Quốc

8 giờ 30 phút

Tạo sân chơi rộng lớn cho nông sản, thực phẩm chế biến sâu

z5690963040761_e5f0717442ddf5371fbe6a867e67eb2c

TS. Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, với các quy định SPS thay đổi liên tục, Văn phòng SPS Việt Nam đóng vai trò là đầu mối, cung cấp thông tin để xuất khẩu đáp ứng các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật.

Theo ông Hòa, việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEF… cơ bản đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn trước đó với các đối tác lớn như Đông Á và các nước châu Âu. Các hiệp định thương mại tự do tạo ra thuận lợi về thuế, đặc biệt là giảm dòng thuế về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt phù hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông sản thực phẩm chế biến sâu.

Văn phòng SPS phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và một số cơ quan khác mong muốn thông qua hội nghị, có thể phổi biến, cập nhật các quy định, thay đổi gần đây liên quan đến SPS tại các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản… các thị trường quan trọng xuất khẩu nông sản thực phẩm…

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.