| Hotline: 0983.970.780

Quy định SPS như chìa khóa, làm xuất khẩu phải biết 'tra đúng ổ'

Thứ Sáu 14/06/2024 , 17:07 (GMT+7)

Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam coi việc hiểu biết và thực hiện tốt những nội dung về SPS là một cách để sản phẩm nông nghiệp mở cửa thị trường xuất khẩu.

Ông Ngô Xuân Nam: EU không khó tính nhưng quy định của họ chặt chẽ, phức tạp. 

Ông Ngô Xuân Nam: EU không khó tính nhưng quy định của họ chặt chẽ, phức tạp. 

Từ câu chuyện mì ăn liền

Chia sẻ tại Hội nghị Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, ông Ngô Xuân Nam thông báo EU vừa tặng một "món quà" cho Việt Nam, đó là đưa mì ăn liền khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm.

Phân tích nguyên nhân, ông Nam cho biết, phía EU đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, bao gồm sự vào cuộc của doanh nghiệp, cơ quan quản lý, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm... Điều ấy thể hiện ở việc 6 tháng vừa qua, sản phẩm mì ăn liền không có bất cứ lô hàng vi phạm nào.

"Lâu nay, chúng ta luôn coi thị trường EU là khó tính. Thực tế, là quy định của EU rất chặt chẽ, chi tiết. Sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng hàng trăm quy định, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận chuyên môn chuyên trách nhiệm vụ này", ông Nam nói.

Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam nhận xét, việc EU bỏ kiểm soát an toàn thực phẩm chứng tỏ thị trường này không "khó" như suy nghĩ lâu nay. Cũng theo ông Nam, việc hàng hóa nông sản bị cảnh báo là điều mà nhiều quốc gia xuất khẩu trên thế giới gặp phải. Vấn đề, là mỗi nước phải tự kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống giám sát, phù hợp với thông lệ WTO và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Ông Phạm Trung Thành, Trưởng bộ phận đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam, đồng tình quan điểm này. Theo ông Thành, việc EU bỏ kiểm soát đối với sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam là một thông tin cực kỳ tốt cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mì ăn liền của Việt Nam.

"Điều này cho thấy nỗ lực của các nhà sản xuất Việt Nam, cùng sự đồng hành, hướng dẫn sát sao, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN-PTNT, mà đại diện là Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tôi cho rằng niềm tin của các nhà nhập khẩu EU với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng tăng thêm", ông Thành bày tỏ. 

Trong quá trình đáp ứng các yêu cầu của EU, phía Acecook đã tăng cường và duy trì kiểm soát chặt chẽ nhóm nguyên liệu đầu vào, đưa các công cụ quản lý hiện đại tiêu chuẩn quốc tế áp dụng vào dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, công ty nâng cao chất lượng các chuỗi cung ứng đầu vào, sản phẩm làm ra sao cho đúng các tiêu chuẩn. 

"Từ kinh nghiệm của Acecook, doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm sang EU phải bám sát yêu cầu thị trường. Bởi khi tham gia EVFTA các hàng rào thuế quan gần như không còn, nhưng chúng ta phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật. Doanh nghiệp phải hiểu đúng, hiểu rõ bởi chỉ cần một lỗi nhỏ cũng khiến cả ngành hàng đối mặt với khó khăn", ông Thành nói tiếp.

Địa phương còn lúng túng về SPS

Là địa phương xuất khẩu nông nghiệp lớn trên cả nước, tỉnh Phú Yên có thế mạnh là sản phẩm cá ngừ, tôm hùm. Thông tin tại hội nghị sáng 14/6, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, bà Đặng Thị Thủy đánh giá, địa phương có chiều dài bờ biển 189km, cùng nguồn lợi thủy sản phong phú với hơn 50 con sông trên địa bàn.

"Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao, nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn khai thác IUU", bà cho biết.

Dù xuất khẩu lớn, một số doanh nghiệp tỉnh Phú Yên còn chưa nắm rõ quy định SPS, theo bà Thủy. Lãnh đạo Sở NN-PTNT thừa nhận, việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, kiểm soát mức dư lượng thuốc BVTV còn khiến cơ sở sản xuất lúng túng.

Ông Lương Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, minh bạch về thông tin, chất lượng là một trong những yêu cầu quan trọng nhất khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường EU. 

Đối với thị trường EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng được yêu cầu sản phẩm không được nằm trong danh mục, sản phẩm bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và không nhiễm các loài dịch hại khác.

Ngoài ra, cần có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cùng với đó, vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).

"EU đặc biệt quan tâm đến nhóm ruồi đục quả trên các sản phẩm rau quả. Ngoài ra, các sản phẩm trái cây tươi, hạt điều, cà phê,... khi xuất khẩu sang EU đều cần đáp ứng tiêu chuẩn về giống hoặc tương đương đang áp dụng ở EU", ông Quang nói.

Về xuất khẩu thủy sản, ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 thông báo, EU công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường là cơ quan thẩm quyền kiểm soát thủy sản xuất khẩu vào EU.

Bên cạnh những yêu cầu chung, EU còn yêu cầu thêm một số vấn đề, như nước xuất khẩu phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi. Hoặc nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phải được xây dựng và EU công nhận chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch.

Phú Yên là 1 trong 3 tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất Việt Nam.

Phú Yên là 1 trong 3 tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất Việt Nam.

Cần thêm những hướng dẫn cụ thể, chi tiết

Cuối năm 2023, Việt Nam xuất khẩu lô yến chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Thông qua sự kiện này, ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, biểu mẫu xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước ta đi những thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, ông Khiêm nhìn nhận, hiện số lượng sản phẩm đi kèm các tiêu chuẩn đánh giá để hoàn thành quy trình xuất khẩu tương đối đa dạng và phức tạp. Nhiều hướng dẫn, hiệp hội và địa phương khó có điều kiện triển khai. Vì vậy, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ rõ những tiêu chuẩn chính mà một sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng khi xuất sang Trung Quốc, EU hay một thị trường nào khác.

Lãnh đạo Hiệp hội Yến sào Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, biểu mẫu xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước ta đi những thị trường trọng điểm.

Lãnh đạo Hiệp hội Yến sào Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, biểu mẫu xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước ta đi những thị trường trọng điểm.

Ông Ngô Xuân Nam đánh giá cao sự quan tâm của các hiệp hội, doanh nghiệp trong hội nghị sáng 14/6, và chia sẻ với ý kiến của ông Khiêm. Do Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó nhiều cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) mà chúng ta phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trong thời gian gần đây, việc cập nhật và phổ biển thông tin quy định các thị trường về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) là rất quan trọng bởi vì hằng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam đều nhận được khoảng một trăm thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS bao gồm các dự thảo về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm…

Đối với Hiệp định EVFTA, ông Nam cho rằng, việc cập nhật và phổ biến các quy định về SPS là rất quan trọng bởi nếu vi phạm, sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm. Việc này, sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thêm vào đó, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam giờ không còn đơn thuần là củ sắn, cây mía trong vườn, hay cá ngừ khai thác từ đại dương. Đó có thể là bát bún cá hương vị Phú Yên, theo ông Nam. 

"Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nhiều lần trăn trở về câu chuyện phát triển ngành theo hướng tích hợp đa giá trị, chuyển dịch từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp. Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng cao hơn nữa hàm lượng chế biến, nhất là chế biến sâu trong các sản phẩm và hiểu biết rõ ràng về thị trường xuất khẩu", ông Nam chia sẻ.

Xem quy định SPS như "chiếc chìa khóa" để mở cửa thị trường, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp, người dân hãy "tra chìa đúng ổ", còn cơ quan quản lý hãy "trao đúng, trao sớm chìa khóa" cho đơn vị sản xuất. 

  • Tags:
Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.