Để làm được điều này, địa phương tập trung quản lý tại các khu vực rừng thông, rừng đặc dụng có dân cư qua lại nhiều.
Nhiều địa phương tổ chức diễn tập PCCR. |
Quảng Ninh có trên 427.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 300.000ha được trải trải rộng khắp 14 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.
Để chủ động trong công tác PCCC rừng, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã xây dựng lịch trực bảo vệ rừng, PCCC rừng và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân.Đồng thời, củng cố các tổ xung kích chữa cháy rừng ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng, PCCC rừng tới mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Phạm Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoành Bồ cho biết, chỉ tính riêng huyện Hoành Bồ đã có hơn 10.000ha rừng thông lớn và keo mới trồng có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, tập trung ở các xã Thống Nhất, Lê Lợi, Sơn Dương, Kỳ Thượng và thị trấn Trới.
“Từ đầu năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện Hoành Bồ đã bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, không để phát sinh nguồn lửa, phát hiện sớm điểm cháy để có phương án xử lý kịp thời. Đặc biệt vào những đợt nắng nóng kéo dài, thời tiết hanh khô như thời gian vừa qua”, ông Công nói.
Ngoài ra, theo ông Công, được sự chỉ đạo từ cấp trên, Hạt luôn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các dãy rừng dễ cháy, đồng thời tuyên truyền cho bà con sống bên rừng, ven rừng đảm bảo an toàn về PCCC rừng khi sử dụng lửa.
Anh Nguyễn Văn Lâm, trưởng thôn 6, xã Quảng La, đồng thời là chủ rừng cho hay: "Mỗi năm chúng tôi làm từ 30 - 40km đường băng cản lửa và hàng năm tu sửa lại. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng, chúng tôi phải tăng cường công tác bảo vệ, yêu cầu bà con hàng xóm tham gia, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa cháy rừng".
Ông Nguyễn Thành Khương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết, các vụ cháy lớn thời gian qua đều tập trung tại các rừng thông. Nguyên nhân chủ yếu do người dân tự ý mang lửa vào rừng, đốt nương làm rẫy không tuân thủ quy trình… Ban chỉ đạo PCCC rừng các địa phương đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật bảo vệ rừng, tổ chức ký cam kết thực hiện nội quy, quy chế PCCC rừng, nâng cao nhận thức của người dân và chủ rừng.
“Để công tác PCCC rừng hiệu quả, thiết thực, rất cần sự tham gia của cả cộng đồng, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng và nhân dân. Đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trồng và kinh doanh rừng sản xuất trong việc đầu tư trang thiết bị, tổ chức các buổi diễn tập để lấy kinh nghiệm thực tế khi đối phó với sự cố cháy rừng...”, ông Khương đề nghị.
Với người dân, nhất là người dân sống bằng nghề rừng, sống gần rừng, cần nâng cao hơn nữa ý thức chăm sóc và bảo vệ rừng. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả nhất trong công tác PCCC rừng, bảo vệ màu xanh cuộc sống, phục vụ cho nhu cầu sống của chính người xung quanh. |