| Hotline: 0983.970.780

Nâng chất lượng cá ngừ xuất khẩu

Thứ Sáu 19/02/2016 , 07:10 (GMT+7)

Chất lượng cá ngừ được đánh bắt bằng bộ thiết bị câu do Nhật Bản chuyển giao ngày càng tăng được thể hiện rõ trong chuyến biển đầu năm 2016...

Trong những chuyến xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Nhật trước đây, qua kiểm tra nghiêm ngặt của các chuyên gia Nhật, mỗi chuyến chỉ có một vài con được chọn. Đã vậy, khi đưa lên sàn đấu giá tại Nhật Bản, cá ngừ chỉ bán được giá thấp.

Trước thực tế trên, các chuyên gia Nhật Bản đã phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Sở NN-PTNT Bình Định không ngừng nghiên cứu, cải tiến bộ thiết bị câu nhằm đáp ứng được thực tế đánh bắt của ngư dân. Nhờ đó, chất lượng và số lượng cá ngừ được chọn đi Nhật ngày càng tăng, giá bán cũng cao hơn.

Minh chứng cho thấy chất lượng cá ngừ được đánh bắt bằng bộ thiết bị câu do Nhật Bản chuyển giao ngày càng tăng được thể hiện rõ trong chuyến biển đầu năm 2016, do các tàu cá Bình Định tham gia Dự án chuỗi liên kết đánh bắt, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật thực hiện.

Trong đợt này, có đến 8 con cá ngừ đại dương (khoảng gần 400kg) được các chuyên gia lựa chọn để xuất khẩu sau khi đã kiểm tra rất kỹ lưỡng. Trong đó có 1 con nặng 39kg được bán giá cao nhất 1.600 yên/kg (khoảng 305.000 VNĐ/kg), lần đầu tiên có 1 con cá ngừ của Việt Nam bán được gần 12 triệu VNĐ tại thị trường Nhật Bản; con cá có giá thấp nhất được bán 950 yên/kg (khoảng 181.000 VNĐ/kg).

Sản lượng đánh bắt bằng bộ thiết bị câu của Nhật Bản cũng được cải thiện. Ngư dân Võ Văn Sành ở xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ-95802 TS (400 CV), 1 trong 30 tàu cá tham gia dự án, cho hay: “Chuyến biển này tàu của tui sử dụng bộ thiết bị câu do Nhật Bản chuyển giao đánh bắt được 30 con cá ngừ đại dương. Sau nhiều lần cải tiến, hiện nay bộ thiết bị câu này đã phù hợp hơn với thực tế của ngư dân nên đánh bắt đạt sản lượng hơn trước đây”.

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định giải thích, trước đây chất lượng cá ngừ đại dương bị kém do khi cá cắn câu là ngư dân mình giật ngay lên boong tàu làm con cá vùng vẫy dữ dội, khiến chất lượng thịt của cá kém đi. Bây giờ, các chuyên gia Nhật đã chuyển giao cho ngư dân mình cách làm mới là gắn bộ sốc điện vào dây câu. Khi cá cắn mồi, ngư dân thả bộ sốc điện theo dây câu chạy xuống ụp vào mõm cá, cá ngất nhanh nên khi kéo lên tàu cá không còn vùng vẫy được, do đó giữ được chất lượng thịt.

Đặc biệt, trong những chuyến cùng ngư dân Bình Định ra khơi đánh bắt, các chuyên gia Nhật quan sát thấy khi kéo cá lên tàu, con cá bị va đập vào thành tàu gây xây xước da nên không được thị trường Nhật Bản chấp nhận.

11-29-55_2
Cá ngừ đại dương được ướp đá để lên máy bay sang Nhật Bản

Do đó, họ bày cho ngư dân cách dùng vợt vớt cá lên boong để tránh xây xước. Khi cá đã được đưa lên boong tàu, trong vòng 1 phút rưỡi ngư dân phải chọc tủy và lấy tiết cá để máu bầm không lan ra làm mất chất lượng thịt. Sau đó, cá được ngâm vào hầm nước có nhiệt độ lạnh đúng theo yêu cầu một thời gian nhất định, rồi mới được đưa vào hầm bảo quản có độ lạnh đúng quy chuẩn.

Vấn đề nan giải nhất trong việc bảo đảm chất lượng cho cá ngừ đại dương hiện nay để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu là thời gian từ khi đánh bắt đến khi sang đến thị trường Nhật Bản là không quá 10 ngày. Như vậy, yêu cầu trong 7 ngày cá phải vào đến bờ, 1 ngày vận chuyển vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) và thêm 2 ngày bay sang Nhật là đúng thời hạn. Trong khi đó, chuyến biển ngắn nhất của những tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định ít nhất cũng mất 20 ngày.

“Do đó, trước khi có tàu dịch vụ của đơn vị thu mua, chúng tôi đang tính đến chuyện lập ra 1 tàu dịch vụ trong đội tàu tham gia dự án trong mỗi chuyến biển. Tàu cá làm dịch vụ này cùng đi với đội tàu chủ yếu làm nhiệm vụ thu gom cá các tàu trong đội tàu đánh bắt được để đưa về bờ. Chuyện ăn chia sẽ được tính chung vào thu nhập của cả đội tàu trong chuyến biển ấy”, ông Phan Trọng Hổ cho hay.

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất