| Hotline: 0983.970.780

Nâng giá trị nông sản Bắc Giang bằng chất lượng, thương hiệu và thị trường

Thứ Ba 11/06/2024 , 13:09 (GMT+7)

Thứ trưởng Hoàng Trung nhất trí với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về các giải pháp nâng cao chất lượng, thương hiệu và mở rộng thị trường cho nông sản của tỉnh.

Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang ngày 11/6 về một số vấn đề trong ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang ngày 11/6 về một số vấn đề trong ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Chất lượng, thương hiệu và thị trường

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, Bắc Giang là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Bộ NN-PTNT mong muốn qua buổi làm việc có thể nắm được tình hình chung về nông nghiệp của tỉnh và cùng đưa ra các phương án phát triển hiệu quả và bền vững.

Về nội dung làm việc cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Trung nói sẽ trao đổi về tình hình sản xuất của tỉnh; công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại; vấn đề sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường; trao đổi về các khó khăn, vướng mắc của Bắc Giang trong thực hiện các đề án của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt.

Ngoài ra, tỉnh và Bộ cũng trao đổi về phương án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh quan tâm và đề xuất.

Đại diện tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ô Pích nhấn mạnh, địa phương xác định phát triển cả công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp với quan điểm các lĩnh vực sẽ bổ trợ cho nhau. Ví dụ, doanh thu từ công nghiệp, dịch vụ có thể tái đầu tư cho nông nghiệp và nông sản có thể cung cấp cho các nhà máy, công xưởng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm nhưng dự đoán chỉ số phát triển của tỉnh năm 2024 vẫn có giá trị cao.

"Với ngành nông nghiệp, mặc dù có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng nhưng Bắc Giang xác định làm đến đâu chắc đến đó, không chạy theo số lượng", ông Pích nói và khẳng định thêm điều này được thể hiện rõ trong chiến lược xây dựng quy hoạch của tỉnh với từng vùng, từng đối tượng cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, chia sẻ về ngành nông nghiệp địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, chia sẻ về ngành nông nghiệp địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đó, để tiếp tục nâng cao giá trị cho nông sản địa phương, bên cạnh sản lượng phải phụ thuộc vào thiên nhiên, chính quyền và người dân Bắc Giang tập trung vào nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính ổn định và bền vững, tỉnh Bắc Giang đã tính toán đến việc định hướng tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sẵn sàng phương án thay thế các đối tượng đã vào cuối chu kỳ khai thác.

Với hoàng loạt chính sách hỗ trợ thực chất, hiệu quả, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã đạt được những chỉ số tăng trưởng tốt trong nhiều năm liên tiếp. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích cho rằng, vấn đề còn tồn tại hiện nay là sự manh mún, thiếu bền vững.

"Có lẽ vẫn phải cần bài bản hơn, quy mô hơn với sự đầu tư, tham gia của doanh nghiệp để có thể áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giải bài toán về đội tuổi lao động", lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ thêm.

Siết chặt quản lý giống, vật tư nông nghiệp

Lắng nghe các ý kiến và đề xuất từ phía tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung trước tiên đánh giá cao sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh, ông nói mỗi năm tỉnh lại có một cách làm hay để nâng giá trị nông sản.

Thứ trưởng Hoàng Trung đưa ra ý kiến từ phía Bộ NN-PTNT đối với vấn đề phát triển giá trị nông sản Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Hoàng Trung đưa ra ý kiến từ phía Bộ NN-PTNT đối với vấn đề phát triển giá trị nông sản Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Với các vấn đề cụ thể, Thứ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm, siết chặt quản lý giống giả, giống kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là cây ăn quả lâu năm. Bên cạnh đó là các loại vật tư đầu vào khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vì Bắc Giang có số lượng đại lý rất lớn, trên 1.000 đại lý phân phối.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp tỉnh cần quan tâm đến dự báo sâu bệnh, thời tiết để có chỉ đạo sớm, hạn chế thiệt hại, đặc biệt là diện tích còn lại của vụ đông xuân và vụ mùa sắp tới.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng lưu ý đến việc xây dựng quy trình tiết giảm chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV, nước) để tăng lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng xanh.

Thứ trưởng Hoàng Trung (bên trái) thăm vườn vải giống Thanh Hà được mùa tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Hoàng Trung (bên trái) thăm vườn vải giống Thanh Hà được mùa tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong vấn đề sản xuất, Thứ trưởng Hoàng Trung nêu vấn đề bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các sản phẩm chủ lực đi cùng với đảm bảo chất lượng nông sản. Cùng với đó là thực hiện các đề án đã triển khai về thuốc BVTV sinh học hay phân bón hữu cơ.

"Bắc Giang cần bám sát các quy định của các thị trường quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm lẫn kiểm dịch thực vật, đặc biệt là quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh thêm.

Về sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, còn 2 công ty, Thứ trưởng cho biết Bộ NN-PTNT đã tham gia nhiều cuộc họp của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương liên quan vấn đề này. Do đó, Bộ mong muốn tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ để hoàn thành quá trình sắp xếp, chuyển đổi. "Chúng ta sẽ cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn và Bộ sẵn sàng cùng tham gia", ông Hoàng Trung khẳng định.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích chia sẻ, tỉnh Bắc Giang còn 2/5 công ty lâm nghiệp đến nay vẫn chưa thể hoàn thành việc chuyển đổi sang Công ty TNHH hai thành viên theo phương án đã duyệt. Nguyên nhân được đánh giá là do nợ đọng còn nhiều, chất lượng, trữ lượng rừng không cao nên không thu hút được đối tác tham gia góp vốn.

Vào vụ vải Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Vào vụ vải Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Với một số đề xuất cụ thể khác của Bắc Giang, Thứ trưởng Hoàng Trung nhất trí và giao các đơn vị liên quan như Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường... làm các đầu mối để trao đổi, xử lý cùng với tỉnh.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bắc Giang, sau 4 năm liên tiếp ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng, những tháng đầu năm 2024, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho lĩnh vực trồng trọt nhất là việc ra hoa, đậu quả trên quả vải, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng.

Tuy nhiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ sản xuất vào thực tiễn; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chuẩn bị tốt công tác tiêu thụ nông sản.

Do vậy, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,82%.

Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, chủ trương của tỉnh Bắc Giang là đến năm 2025 giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực (còn 22%), tăng tỷ trọng cây ăn quả (đạt 41%), cây rau (đạt 26%) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Do đó, tỉnh lựa chọn cây lúa, cây ăn quả, cây rau là cây trồng chủ lực, từ đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị đất canh tác, như năm 2013, bình quân thu nhập là 138 triệu đồng/ha.

Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ đối với các cây trồng chủ lực, đặc trưng của tỉnh được đẩy mạnh, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng, tạo điều kiện cho xuất khẩu.

Cụ thể, diện tích lúa chất lượng đạt 47.500 ha (tăng 7.248 ha so với năm 2020), chiếm 50,1% diện tích gieo cấy, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.800 ha, vải GlobalGAP và vải cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao.

Ngoài ra, tỷ lệ sản xuất thâm canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 56,0%; tỷ lệ sản xuất thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 53,0%...

Về xúc tiến thương mại, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển nông sản theo 2 trục sản phẩm. Thứ nhất là 56 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và thứ hai là 290 sản phẩm đặc sản địa phương theo Chương trình OCOP.

Riêng với sản phẩm vải thiều, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất 223 mã số vùng trồng, diện tích 17.198 ha phục vụ xuất khẩu, hiện vải thiều được tiêu thụ thuận lợi, quả vải thiều đã được xuất khẩu đi 30 nước và vùng lãnh thổ.

Ngoài cây vải, tỉnh còn có cây nhãn (diện tích 3.400 ha, sản lượng trên 20 nghìn tấn/năm) bước đầu đã xuất khẩu sang các thị trường Australia, Hàn Quốc với sản lượng 20 tấn nhãn tươi, cấp đông.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất