| Hotline: 0983.970.780

Buồn vui mùa vải 2024

Lấy lúa, rau, thịt... bù đắp vải thiều mất mùa

Thứ Hai 03/06/2024 , 06:24 (GMT+7)

BẮC GIANG Để bù đắp việc sụt giảm mạnh giá trị sản xuất nông nghiệp do vải thiều mất mùa, Bắc Giang chủ trương đẩy mạnh sản xuất thêm các sản phẩm nông sản khác.

Lấy lúa, thịt, rau... bù cho vải

Từ cuối tháng giêng sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhìn nhiều vườn vải ở Lục Ngạn hoa không nở bung như thường lệ, cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tiên liệu được sự suy giảm sản lượng của vụ vải thiều năm nay.

Sản lượng vải ở Bắc Giang năm nay ước giảm khoảng 50% so với 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Sản lượng vải ở Bắc Giang năm nay ước giảm khoảng 50% so với 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh đã tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh và các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như cắt tỉa, khoanh cành, tưới nước, bón phân và xử lý bằng hóa chất..., nhất là khi điều kiện thời tiết ấm hoặc quá lạnh để cây phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên, dù đã cố gắng duy trì độ ẩm giai đoạn cây vải bắt đầu nhú giò hoa, tỷ lệ phát triển chùm hoa vẫn không được như mọi năm.

Tỷ lệ vải ra hoa trung bình chỉ hơn 45%, trong đó tỷ lệ ra hoa xen lộc chiếm 30% diện tích ra hoa. Tỷ lệ ra hoa với trà vải chính vụ thấp hơn, chỉ chiếm khoảng 40% tổng diện tích, trong đó tỷ lệ ra hoa xen lộc chiếm 35% diện tích ra hoa.

Vải thiều mất mùa ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Năm 2023, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh hơn 200.000 tấn, với khoảng 55% phục vụ xuất khẩu. Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt kỷ lục trên 6.800 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ riêng vải thiều là hơn 4.600 tỷ đồng.

Nghĩa là nếu so với với tổng giá trị sản xuất khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản của toàn tỉnh năm 2023 là hơn 40.000 tỷ đồng thì chỉ riêng vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đã chiếm hơn 15%.

Những diện tích vải sớm dù được mùa, được giá nhưng không thể bù đắp được giá trị sản xuất do vải trà chính mất mùa. Ảnh: Tùng Đinh.

Những diện tích vải sớm dù được mùa, được giá nhưng không thể bù đắp được giá trị sản xuất do vải trà chính mất mùa. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Ông Vũ Ngọc Đương, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở NN-PTNT Bắc Giang) cho biết, ngay từ đầu tháng 3/2024, cán bộ Phòng đã chủ động xây dựng lại kịch bản tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2024 căn cứ theo tỷ lệ thất thu của vải thiều. Cụ thể, nếu vải mất mùa 50%, sản lượng giảm khoảng 100.000 tấn, sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng ngành - 0,64%; nếu mất mùa 60%, sản lượng giảm hơn 120.000 tấn, sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng - 1,39%.

Trong khi đó, kế hoạch từ đầu năm đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh là hơn 1%, trên cơ sở nối tiếp đà tăng của 4 năm liền trước. Điều ấy đặt ra nhiệm vụ phải thúc đẩy sản xuất ở các lĩnh vực khác. Với trường hợp xấu nhất, vải thiều mất mùa 60%, ông Đương tính toán cần phải bù đắp bởi 46.000 tấn rau các loại, 1.000 tấn lúa chất lượng, 1.100 tấn thịt lợn hơi, 1.700 tấn thịt gà, 2.500 tấn thủy sản các loại, 200.000m3 gỗ.

“Giả định các yếu tố khác không thay đổi, sản lượng nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thêm có thể giúp Bắc Giang tăng khoảng 660 tỷ đồng. Chúng tôi hi vọng điều này có thể bù đắp được cho giá trị mang lại vải thiều bị tụt giảm mạnh do mất mùa, nhưng việc triển khai kế hoạch không phải từ đầu năm nên chắc chắn gặp nhiều thách thức”, ông Đương nói.

Bên cạnh việc phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh đề xuất việc tối đa giá trị cho vùng vải thiều được mùa. Chi cục trưởng Đặng Văn Tặng cho biết, hơn 17.000ha vải có mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu liên tục được người dân, các cấp, các ngành và cơ quan chuyên môn kiểm tra rà soát. Trong số này, khoảng 30.000 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc, 4.000 tấn xuất sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, còn lại là EU, Hàn Quốc.

Qua một số hội nghị, hội thảo, cũng như thông tin từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương…, ông Tặng được biết một số vùng trồng vải tại phía nam Trung Quốc năm nay sản lượng cũng giảm sút. Nhu cầu từ quốc gia tỷ dân vì thế càng tăng cao.

Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt được mở rộng sản xuất để bù đắp giá trị bị tụt giảm do vải mất mùa. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt được mở rộng sản xuất để bù đắp giá trị bị tụt giảm do vải mất mùa. Ảnh: Tùng Đinh.

Để hỗ trợ người dân hiệu quả, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khoảng 10 buổi làm việc với các doanh nghiệp tham gia khảo sát các vùng sản xuất, đồng thời chuẩn bị đầy đủ điều kiện về sơ chế đóng gói, công nghệ bảo quản vải phục vụ xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính. Dù vải thiều năm nay mất mùa, đến nay địa phương cũng đã có 5 doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân để tiêu thụ vải là Ameii, Vifoco, Toàn Cầu, Rồng Đỏ và Mova.

Đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất cây ngắn ngày

Làm thế nào để hỗ trợ người dân vượt qua năm khó khăn 2024 là điều mà cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng như huyện Lục Ngạn trăn trở. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, cuối tháng 4/2024 vừa qua, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm khoảng 400 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng từ 0,9% giảm xuống còn (-) 9,7%.

Để kịp thời bù đắp về giá trị sản xuất do vải thiều mất mùa, khoảng hơn 680ha cây ăn quả các loại như táo, ổi, na, nho, thanh long, chuối… được trồng mởi, bổ sung trong 8 tháng cuối năm 2024. Đồng thời hỗ trợ người dân trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày như ngô, đỗ, sắn phục vụ xuân hè, hè thu, hoặc liên kết sản xuất dưa chuột, ớt...

Đặc biệt, huyện Lục Ngạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, ưu tiên phát triển nhanh tổng đàn gia súc so với kế hoạch đầu năm, cụ thể lợn thêm 10.000 con; dê thêm 4.000 con; ngựa thêm 800 con; trâu, bò thêm 500 con...

Huyện Lục Ngạn tạo mọi điều kiện, tổ chức tiêu thụ tốt nhất cho các diện tích vải có quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Huyện Lục Ngạn tạo mọi điều kiện, tổ chức tiêu thụ tốt nhất cho các diện tích vải có quả. Ảnh: Tùng Đinh.

“Lục Ngạn còn một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như cam, bưởi và có nhiều dư địa phát triển đàn gia súc. Do đó, địa phương sẽ tập trung hỗ trợ, phát triển đa dạng các hình thức sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và tiếp tục ổn định đời sống cho bà con nông dân”, ông Mạnh nói.

UBND huyện Lục Ngạn cũng đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ người dân các giống cây ngắn ngày. Một số mô hình đã đi vào hoạt động, chẳng hạn liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột an toàn quy mô 27ha đối với 354 hộ thuộc các xã Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Hộ Đáp.

Ngày 23/5 vừa qua, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2024. Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, từ đầu vụ đến nay, Lục Ngạn đã thu hoạch, tiêu thụ hơn 1.000 tấn vải sớm với giá bán cao nhất là 70.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện cam kết chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về chất lượng sản phẩm, sẵn sàng đưa vải thiều đến với người tiêu dùng, đồng thời lập kênh thông tin hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tham gia thu hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu thừa nhận, vừa phải gửi một thông báo tới đối tác quốc tế về việc giảm lượng phân phối vải thiều còn khoảng 20% so với hợp đồng đã ký trước đó.

Doanh nghiệp này ban đầu dự kiến thu mua khoảng 2.000 tấn vải để xuất khẩu và chế biến, tuy nhiên do trà vải chính vụ mất mùa khoảng 50 - 60% nên hiện công ty chỉ đặt mục tiêu thu mua khoảng 500 tấn và cố gắng tăng các đơn hàng giao dịch sản phẩm chế biến.

Tuy sản lượng giảm, giá vải thiều năm nay tương đối cao, hiện dao động từ 35.000 - 60.000 đồng/kg, tăng hơn khoảng 10% so với niên vụ 2023.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.