| Hotline: 0983.970.780

Buồn vui mùa vải 2024

Vải thiều Lục Ngạn mất mùa: Kiên trì đợi đến vụ sau

Thứ Sáu 31/05/2024 , 16:10 (GMT+7)

BẮC GIANG 'Chúng tôi thất thu 5 đồng thì 3 đồng là từ tiền bán vải, còn lại là các dịch vụ đi kèm như lưu trú, du lịch…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn ví von.

Vải thiều chính vụ mất mùa hơn 70%

Nằm gần UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ngay sát Quốc lộ 31 thông thương đến thủ phủ vải thiều, cứ độ tháng 5 hàng năm là nhà hàng Sơn The lại nườm nượp khách. Dù phòng tương đối cũ, nhưng tiện đi lại, ăn uống nên doanh thu mùa vải thiều thường gấp ba, gấp bốn lần bình thường.

Nhưng đó là năm 2022, 2023, còn năm nay thì hoàn toàn khác. Bà The, chủ cơ sở lưu trú thở dài nói phải chục năm rồi, dịp tháng 5 này mới đìu hiu như vậy. “Ngoài cung cấp dịch vụ, chúng tôi còn cho thuê địa điểm cân vải. Có khi khách đến chỉ lấy chỗ giao dịch, một hai tiếng là trả phòng, rồi lại đến người khác”, bà tâm sự.

Năm nay vải thiều Lục Ngạn mất mùa, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh doanh đi kèm như ăn uống, lưu trú, đá lạnh, thùng xốp... Ảnh: Tùng Đinh.

Năm nay vải thiều Lục Ngạn mất mùa, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh doanh đi kèm như ăn uống, lưu trú, đá lạnh, thùng xốp... Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Nhà có mấy mẫu ruộng nhưng vụ chiêm xuân gia đình bà The cho thuê hết để tập trung làm nghề chính. Có khi con cháu ở mấy xã lân cận cũng được gọi về để tận dụng 3 tháng cao điểm, từ khoảng tháng 5 đến 7. Khi mùa thu hoạch vải di dần lên mấy xã vùng cao giáp huyện Sơn Động, lúc đó ai mới về nhà nấy.

Màu xanh mướt hai bên Quốc lộ 31 như thêm chất chứa nỗi buồn trong lòng bà The. Con đường trải nhựa phẳng lì, mới được mở rộng mỗi bên một làn xe máy hồi năm trước, giờ gần như không thấy những chấm đỏ quen thuộc của mùa vải chín. Cánh thương lái Trung Quốc cũng không còn qua lại nhiều trên đường. Đặc biệt, giá thùng xốp loại to gần như đứng im ở mức loanh quanh 40.000 - 45.000 đồng/chiếc và chưa thấy dấu hiệu tăng thêm.

Theo quy luật kinh tế, cầu giảm thì giá sẽ giảm theo. Chuyện giá thùng xốp không tăng là bởi nhiều hộ nông dân năm nay không có gì để bán. Anh Nông Văn Thứ ở thôn Bến, xã Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn) bảo hơn 20 năm trồng vải, chưa có năm nào mất trắng như năm nay. Toàn bộ 250 gốc vải trên khu vườn nhà anh đến giờ chỉ toàn màu đỏ ngàn của lộc non. Những năm trước, gia đình anh thu hoạch đều đặn khoảng 9 tấn vải, lợi nhuận sau khi trừ chi phí cũng nghót nghét 100 triệu đồng. Năm kém lắm cũng phải được một phần ba.

Nhưng năm 2024, toàn bộ diện tích trồng vải thiều (còn gọi vải chính vụ) của gia đình anh không bói nổi một quả. Hồi trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, anh ra thăm vườn thấy hoa héo, chạm nhẹ đã rụng. Suốt nhiều ngày tiếp theo, hôm nào anh cũng tưới nước từ sớm tới tối muộn nhằm duy trì độ ẩm như khuyến cáo của Phòng NN-PTNT huyện nhưng không thể cứu vãn. Vải thiều bật hoa nhưng lại chạm đúng đợt mưa rét, nhiệt độ xuống thấp khiến hoa không thể nở bung vào cuối tháng giêng như thường lệ.

Vải thiều năm nay ở Lục Ngạn mất mùa nặng, cây chỉ trơ lá và cọng. Ảnh: Tùng Đinh.

Vải thiều năm nay ở Lục Ngạn mất mùa nặng, cây chỉ trơ lá và cọng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở thôn Bến, ước chừng đến 90% hộ gia đình gặp tình trạng như hộ anh Thứ. Hộ khá thì thu được vài tạ, không thì chỉ vài cân, hoặc vài yến là cùng.

Anh Chu Văn Báo, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn thừa nhận, trong số khoảng hơn 17.000ha vải trên địa bàn huyện, tỷ lệ đậu quả của trà vải sớm đạt khá (khoảng 70%), còn trà chính vụ ước chỉ 20 - 30%. Sản lượng vải thiều Lục Ngạn những năm trước duy trì trong khoảng 140.000 – 150.000 tấn, nhưng năm nay có lẽ chỉ 40.000 – 50.000 tấn.

“Vải thiều chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết, đúng thời điểm mới trổ hoa”, anh Báo lý giải nguyên nhân mất mùa vải thiều năm nay. Theo anh, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 xuất hiện một số đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa kéo dài, độ ẩm cao đã kích thích lộc, triệt tiêu hoa. Do thời tiết diễn biến phức tạp nên cùng một giống vải, cùng một địa bàn, có gia đình xử lý sớm hơn hoặc muộn hơn một vài ngày dẫn đến tình trạng có nhà được, nhà mất.

Cũng theo anh Báo, những giống cây ăn quả cho sản lượng cao như vải thiều thường có quy luật "một năm ăn quả, một năm trả cành". Vải thiều đã 3 - 4 năm liên tiếp được mùa, có thể là nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng mất mùa nặng như năm nay.

Chăm sóc tốt những diện tích cho quả

Cuối năm 2023, khi triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024, Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo các địa phương lưu ý nền nhiệt vụ đông và những tháng cuối năm 2023 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5 độ C. Các đợt rét có thể đến muộn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài, độ ẩm trong đất, độ ẩm không khí có xu hướng tăng cao.

Do các giống vải sớm như u trứng, u hồng ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết hơn nên sản lượng năm 2024 ít bị sụt giảm. Cá biệt, một số địa phương như xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên), nơi được xem là thủ phủ vải sớm năm nay vải lại được mùa, được giá. Ngược lại, những địa bàn trồng nhiều vải chính vụ, đòi hỏi độ lạnh đạt chuẩn thì sản lượng sụt giảm mạnh.

Các diện tích vải thiều mất mùa được cắt tỉa, chuẩn bị cho vụ sản xuất năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.

Các diện tích vải thiều mất mùa được cắt tỉa, chuẩn bị cho vụ sản xuất năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Lưu Anh Đức, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn kể câu chuyện vui rằng mọi năm, các xã trồng vải trọng điểm, tiện đường sá đi lại như Hộ Đáp, Giáp Sơn, Thanh Hải… nô nức đăng ký các vườn vải đẹp để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, thu hút du khách, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng trong nước và quốc tế. Cán bộ huyện thường phải “đau đầu” chọn lựa điểm tổ chức, nâng lên đặt xuống và thường phải giải quyết theo hướng luân phiên. Nghĩa là năm nay chọn xã này, năm sau chọn xã khác.

Niên vụ 2024, các vườn đẹp, có tiếng hầu như không thấy ứng cử nữa. Những cán bộ như anh Đức tưởng chừng sẽ dễ thở hơn nhưng lại phải vất vả kiểu khác. Họ lần lượt phải xuống từng xã, thị sát từng hộ trồng để ghi nhận rồi so sánh các tiêu chí, trước khi thống nhất giới thiệu với khách thập phương.

Đi khảo sát mười mấy xã, Phòng NN-PTNT huyện mới giới thiệu được hộ anh Tô Ngọc Thành ở thôn Tân Thành, xã Tân Mộc, cách trung tâm thị trấn Chũ chừng 20 phút chạy xe. Khác với nhiều hộ trồng vải khác, tỷ lệ đậu quả đạt trên 200 gốc vải của nhà anh Thành đạt trên 70%. Ước tính, 1ha vải của gia đình năm nay có thể cho thu nhập 300 triệu đồng, thậm chí hơn.

Hỏi về bí quyết "được mùa riêng", vải đạt tỷ lệ đậu quả cao, anh Thành cho biết có thể do gia đình trồng chủ yếu giống vải chín sớm. “Vườn của tôi dự kiến vào giữa tháng 6 mới cho thu hoạch. Đã có một vài thương lái đến xem, hỏi mua nhưng tôi chưa quyết. Tôi đang chờ xem các vùng vải khác như thế nào”, anh nói.

Giá thu mua vải thiều tại vườn những năm trước dao động xung quanh 20.000 đồng/kg. Một số hộ trồng nhiều vải thường chọn cách bán cả vườn để giảm công thu hái, vận chuyển, chỉ giữ lại một phần nhỏ để bán lẻ. Năm nay vải thiều mất mùa nặng nên nhiều khả năng giá sẽ cao hơn, dự kiến trên 30.000 đồng/kg, tùy thuộc chất lượng, mẫu mã của từng vườn.

Những vườn vải đạt tỷ lệ ra quả cao như nhà anh Tô Ngọc Thành (thôn Tân Thành, xã Tân Mộc) năm nay rất ít. Ảnh: Tùng Đinh.

Những vườn vải đạt tỷ lệ ra quả cao như nhà anh Tô Ngọc Thành (thôn Tân Thành, xã Tân Mộc) năm nay rất ít. Ảnh: Tùng Đinh.

Vải Lục Ngạn có truyền thống xuất khẩu đi Trung Quốc. Anh Thành cho biết, thị trường này thường ưa chuộng vải chín đỏ, vị ngọt đậm. Để tạo được chất lượng như vậy, khâu chăm sóc vào cuối vụ càng quan trọng nhằm giúp sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn sáng mã, hấp dẫn người tiêu dùng.

Song song với đó, để bù đắp cho sản lượng vải sụt giảm, anh Thành còn tập trung chăm sóc kỹ lưỡng cho diện tích vải sắp cho thu hoạch, trong đó có việc phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, anh còn tích cực trồng một số loại cây ngắn ngày như ngô để cải thiện kinh tế gia đình.

Nỗ lực của anh nông dân xã Tân Mộc tiếp thêm sự lạc quan cho cơ quan quản lý. Anh Lưu Anh Đức, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn bảo, dù vải thiều năm nay mất mùa, người dân vẫn kiên gan, bền chí với cây trồng chủ lực này. “Chưa ai từng có suy nghĩ chặt bỏ. Tất cả đều cố gắng chờ đến vụ sau”, anh bày tỏ.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Bắc Giang nhận định, bên cạnh yếu tố mùa vụ, sản lượng vải thiều năm 2024 sụt giảm còn đến từ những vườn không được chăm sóc tốt và bón phân đầy đủ, đúng thời điểm. Do vậy, cây bị suy kiệt, không ra đủ các đợt lộc, đặc biệt đối với vườn cây vải lâu năm (20 - 30 năm tuổi) làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.