Đẩy lùi Covid-19 đang là nhiệm vụ cấp bách của cả nước. Các chiến lược và các biện pháp ngăn ngừa phải được quán triệt và thông suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị thì mới mong đạt được kết quả “chống dịch như chống giặc”. Thế nhưng, liên tục vài sự cố cho thấy vẫn còn sự hạn chế nhất định về năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Ở TP.HCM, khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thì chủ tịch UBND phường 6 quận Gò Vấp đã ban hành một văn bản giao chỉ tiêu cho mỗi ca trực để xử phạt người dân ra đường không có lý do chính đáng. Ở tỉnh Ninh Thuận, thì chủ tịch UBND phường Tấn Tài thành phố Phan Rang bắt người dân phải nộp tiền để cấp giấy phép đi lại. Tất nhiên, các loại văn bản sai trái và quy định phản cảm kia nhanh chóng bị thu hồi và chấn chỉnh, khi vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.
Còn ở tỉnh Khánh Hòa lại xảy ra sự việc trớ trêu hơn. Đó là trường hợp ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa thành phố Nha Trang đã lớn tiếng dọa nạt và tịch thu giấy tờ của một anh công nhân đi mua bánh mì. Thậm chí, khi đưa anh công nhân về trụ sở chính quyền, ông Trần Lê Hữu Thọ còn lên giọng dạy dỗ rằng: “Nhà nước cho ra đường mua các mặt hàng thiết yếu là lương thực và thực phẩm. Bánh mì không phải lương thực mà là... món ăn. Lương thực là gạo, rau củ. Thực phẩm là muối, cá, thịt”.
Hành vi thiếu chuẩn mực trong công tác chống dịch của các cán bộ cơ sở nêu trên, đều được cấp trên xử lý trách nhiệm với lý do “đã nhận thức chưa đầy đủ về Chỉ thị 16 của Chính phủ”. Tạm thời xác nhận đó là sự hạn chế về năng lực. Thế nhưng, người xưa có câu “cha nói oan, quan nói hiếp” không phải không đáng lưu tâm. Một số cán bộ cơ sở khi được giao nhiệm vụ thì bỗng dưng cảm thấy mình có quyền lực và sẵn sàng thể hiện thái độ trịch thượng vô lối với người dân. Thậm chí, họ không ngần ngại phô bày sự hẹp hòi, sự ích kỷ, sự toan tính mà không hề nghĩ đến số phận riêng của người dân cũng như thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chỉ đạo công tác phòng chống Covid-19 đã hơn một lần nhắc nhở phải kiềm chế các hành vi cực đoan của lực lượng thực thi công vụ. Bởi lẽ, dịch bệnh là thứ tai ương tác động lên từng người dân, và khốn khó chia đều cho từng hộ gia đình. Nếu cứ bảo thủ nhân danh “ưu tiên chống dịch” mà gây thêm phiền nhiễu cho cuộc sống người dân thì sự bình an của xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực kinh tế đã từng báo động thực trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Bây giờ, ngăn chặn Covid-19 càng cần tỉnh táo hơn nữa, không thể để xảy ra những chuyện bi hài “trên chỉnh chu, dưới nhốn nháo”. Cuộc chiến với đại dịch toàn cầu của Việt Nam đang trông cậy vào từng cán bộ cơ sở thực hiện đầy đủ vai trò quản lý địa bàn theo đúng tác phong phụng sự cho dân và vì dân.