Thay đổi phù hợp với thị trường
Toàn xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.144ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng xoài chiếm gần 1.100ha. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng xoài lớn thứ 2 tại tỉnh Đồng Tháp với sản lượng xoài cung ứng cho thị trường hằng năm trên 10.000 tấn xoài các loại.
Theo ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thới, với diện tích sản xuất 150 ha, sản lượng hàng năm gần 2.000 tấn, việc tiêu thụ xoài là một trong những vấn đề khó khăn nhất của HTX. Do sản lượng lớn, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết nên việc tổ chức sản xuất như thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu là một trong những vấn đề sống còn của HTX.
Vùng sản xuất xoài của HTX được xác định là vùng đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và HTX cũng là đơn vị cung ứng xuất lô xoài đầu tiên sang thị trường châu Âu. 100% diện tích xoài HTX được cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc và được sử dụng chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh.
“Để xuất khẩu được sang châu Âu, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới đã phải thay đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. HTX cũng xúc tiến, tìm kiếm thị trường để giải quyết đầu ra cho trái xoài”, ông Võ Tấn Bảo chia sẻ.
Nỗ lực của HTX đến nay đã có những kết quả cụ thể. Khi cửa khẩu xuất sang Trung Quốc đang bị ùn tắc, năm 2021, HTX đã thực hiện liên kết để xuất khẩu xoài sang Hoa Kỳ, Malaysia và gần đây là sang thị trường châu Âu. Đây chính là minh chứng cho sự nỗ lực của HTX này trong việc triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, mở ra triển vọng trong việc tiếp tục chinh phục các thị trường khó tính theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, qua đó nâng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên, nông dân địa phương.
Thay đổi phù hợp với xu thế
Qua câu chuyện của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thới, có thể thấy rằng nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Nghề nông bao đời nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Kinh nghiệm là vốn quý được tích lũy trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Càng có nhiều kinh nghiệm càng hạn chế rủi ro, càng tạo ra sản lượng nhiều hơn, năng suất cao hơn.
Tuy nhiên, rất cần đặt ra câu hỏi, trong bối cảnh hiện nay, tại sao giàu kinh nghiệm như vậy nhưng năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác?
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), lí do đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm cho tốc độ thay đổi nhanh hơn, liên tục hơn, cái mới ra đời chưa kịp định hình, đã có cái mới hơn xuất hiện. Những phát kiến có thể biến điều không thể thành điều có thể.
“Nền kinh tế tri thức dẫn đến dòng chảy những thiết bị thông minh tích hợp đa tính năng len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống kinh tế – xã hội. Sự kết nối giao lưu, giao thương trong thế giới phẳng mở ra cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mỗi người, nhưng đi kèm với đó là sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường”, ông Lê Đức Thịnh phân tích.
Theo đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu đòi hỏi người nông dân cần hiểu biết về thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng.
Đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng những thay đổi đó yêu cầu mỗi người nông dân không thể mãi bằng lòng với kinh nghiệm, sự cần cù, với cách nghĩ, cách làm quen thuộc. Người sản xuất nông nghiệp bắt buộc phải nắm vững quy luật thị trường, hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Kinh nghiệm có thể giúp cải thiện năng suất, nhưng tri thức vừa có thể gia tăng hiệu năng, năng suất, vừa tiết giảm chi phí, tối ưu quy trình. Kinh nghiệm có thể đối phó nhất thời với những biến động cục bộ trong phạm vi hẹp, ngắn hạn, mang tính thời điểm nhưng tri thức tường tận về quy luật vận động của thị trường sẽ giúp chủ động thích ứng với những thay đổi trên diện rộng, có sức tác động lâu dài.
Để công cuộc thay đổi tư duy sản xuất được triển khai hiệu quả
Thực tế cho thấy, một thách thức lớn của ngành nông nghiệp hiện nay là số lượng hộ nông dân lớn nhưng quy mô canh tác nhỏ, vốn đầu tư ít, thiết bị cũ, lạc hậu. Điểm yếu phổ biến là thiếu hợp tác, liên kết, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thương lái trung gian.
Do đó, theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT), khi và chỉ khi thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, tham gia hợp tác liên kết vào các HTX theo chuỗi giá trị, người nông dân mới có thể áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp một cách hiệu quả.
“Đối với người dân nông thôn, hạn chế lớn nhất của họ là thiếu thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Theo đó, chuyển đổi số sẽ mang lại cơ hội tăng cường khả năng kết nối cho họ với thông tin, xoá nhoà một phần khoảng cách về địa lý”, PGS.TS Đào Thế Anh nhận định.
Để thực hiện được mục tiêu nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, chuyên nghiệp, cần tính đến cải cách thể chế tổ chức sản xuất và chuỗi giá trị, kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao nguồn lực, tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, đầu tư công cho nông nghiệp, đặc biệt cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cần được ưu tiên để đáp ứng nhu cầu khoa học công nghệ đang tăng nhanh phục vụ phát triển.
Để có thể thực hiện được những vấn đề đó, ông Đào Thế Anh cho rằng cần làm rõ mô hình tăng trưởng mới, trong đó nêu cao vai trò khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng gắn với kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn, phát huy được lợi thế.
Ngoài ra, cần xây dựng đề án chuyển đổi số, nền tảng số tập trung của ngành nông nghiệp, của nông thôn mới nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công cho nông nghiệp, nông thôn.
Bộ NN-PTNT cũng cần tham gia điều phối chương trình Đổi mới sáng tạo quốc gia để hướng đến nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp nông thôn.
“Đặc biệt, cần ưu tiên các lĩnh vực chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, chế biến thực phẩm, quản lý thất thoát sau thu hoạch, nông nghiệp tuần hoàn và chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn”, chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.
“Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biển động thị trường, biển chuyển xu thế tiêu dùng là những yếu tố tác động không nhỏ đến người sản xuất nông nghiệp. Đây là những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và đội ngũ nông dân. Trong bối cảnh đó, mỗi người dân, trong đó có những người sản xuất nông nghiệp phải cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới, để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn”, ông Lê Đức Thịnh chia sẻ.