| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài cuối] Lộ trình chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao

Thứ Ba 03/12/2024 , 08:53 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Là thành phố Cảng năng động, đô thị hóa mạnh mẽ, diện tích canh tác thu hẹp, lĩnh vực chăn nuôi của Hải Phòng đã có lộ trình, giải pháp để phát triển hiệu quả.

Hải Phòng sẽ giảm chăn nuôi đại gia súc, tập trung phát triển đàn gia cầm. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng sẽ giảm chăn nuôi đại gia súc, tập trung phát triển đàn gia cầm. Ảnh: Đinh Mười.

Hướng tới đàn gi cầm đạt 9,3 triệu con/năm

Lĩnh vực chăn nuôi gia cầm Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ, định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại hóa kinh tế trang trại. Sự phát triển này không chỉ thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh sản phẩm mà còn tối ưu hóa công tác phòng, chống dịch bệnh. Trên 51% tổng đàn gia cầm hiện nay được nuôi tập trung tại các trang trại, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn và hiệu quả chăn nuôi.

Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, nâng cao trình độ kỹ thuật và nhận thức về an toàn dịch bệnh. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong các trang trại, như hệ thống chuồng kín, máng ăn tự động, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, đã tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất hàng hóa an toàn.

Hải Phòng đặt ra mục tiêu sẽ tập trung khai thác và phát huy lợi thế phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng theo hướng giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ, phân tán sang chăn nuôi quy mô trang trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục huy động và đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hướng tới xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2030, đàn gia cầm đạt 9,3 triệu con.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành chăn nuôi gia cầm Hải Phòng vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Mặc dù chăn nuôi trang trại đang phát triển, tỷ lệ này vẫn chưa đủ cao, chỉ chiếm hơn một nửa tổng đàn. Số lượng gia cầm nuôi theo quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ đáng kể (48,86%), gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Đàn gà được nuôi sau bão số 3 đang phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch đúng dịp Tết 2025. Ảnh: Đinh Mười.

Đàn gà được nuôi sau bão số 3 đang phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch đúng dịp Tết 2025. Ảnh: Đinh Mười.

Trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc thiếu sự tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học, lơ là các biện pháp phòng dịch như tiêm phòng, khử trùng, tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ dàng phát sinh và lây lan, gây thiệt hại kinh tế và đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn yếu kém, thiếu sự đồng bộ và bền vững giữa sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa phát huy hết vai trò trong việc kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, do đó phát triển chăn nuôi những năm qua chưa đạt kết quả tướng xứng tiềm năng.

Hiện nay, thành phố đã có 9 vùng chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 147,6 ha, bao gồm 142 trang trại, trong đó có 107 trang trại nuôi gà với quy mô từ 6.000 đến 8.000 con/trang trại. Các trang trại này đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong các khâu sản xuất

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, để khắc phục những hạn chế trên và phát triển bền vững ngành chăn nuôi gia cầm, Hải Phòng cần định hướng phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào mọi khâu, từ giống, thức ăn, thú y đến quy trình chăm sóc, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, sẽ chuyển đổi cơ cấu giống, ưu tiên các giống gà lông màu và vịt chuyên thịt năng suất cao, đồng thời ứng dụng rộng rãi chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích phát triển các trang trại quy mô lớn, kết hợp chặt chẽ giữa chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín.

Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn khá phổ biến hiện nay ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn khá phổ biến hiện nay ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

“Mục tiêu hướng đến là giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển đổi sang mô hình trang trại hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời đầu tư đa dạng nguồn lực, kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiệt hại do thiên tai, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh”, ông Hùng chia sẻ.

Để thực hiện được mục tiêu này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã đưa ra hàng loạt giải pháp được xem là then chốt để nâng tầm lĩnh vực chăn nuôi của thành phố Cảng trong điều kiện đô thị hóa ngày càng mạnh.

Về chính sách, cần tích hợp vào quy hoạch chung 22 vùng chăn nuôi tập trung, với diện tích 445,2 ha, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Sẽ củng cố hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và chương trình OCOP. Đồng thời khuyến khích đầu tư liên kết trong chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Về khoa học công nghệ trong chăn nuôi, cần nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực như giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vacxin, nhận dạng động vật, giết mổ, chế biến, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi. Khuyến khích sử dụng dây chuyền tự động và biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi để tạo ra giống vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao.

Các mô hình chăn nuôi hiện đại sẽ được khuyến khích phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Các mô hình chăn nuôi hiện đại sẽ được khuyến khích phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Về dịch bệnh, cần lưu ý nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh bằng cách kiểm soát và khống chế các loại dịch truyền nhiễm nguy hiểm, tiêm vắc xin, tăng cường giám sát và dự báo. Đã xử lý thành công nhiều dịch bệnh như Viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, tụ huyết trùng trâu bò, dại chó mèo, tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc. Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ưu tiên vùng chăn nuôi tập trung. Hiện có 4 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực giết mổ động vật và chế biến sản phẩm chăn nuôi, tổ chức hệ thống giết mổ và chế biến gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề xuất xóa bỏ các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y để nâng cao trình độ chuyên môn và áp dụng công nghệ thông tin.

Cũng theo ông Hùng, ở góc độ cơ quan quản lý, thời gian tới cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong ngành chăn nuôi và thú y, định hướng hoạt động chăn nuôi, thú y phải tuân thủ quy định về môi trường và an toàn sinh học. Thay đổi cách tiếp cận quản lý sản xuất để người sản xuất tự chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm và tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chăn nuôi.

“Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bao gồm phần mềm quản lý giết mổ, phần mềm VAHIS và thực hiện 17 thủ tục hành chính trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đang xây dựng và nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong sản xuất chăn nuôi, kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản trên hệ thống cơ sở dữ liệu để khuyến khích chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển sản xuất”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Giai đoạn 2018-2024, đàn gia cầm của thành phố Hải Phòng giảm 0,45%/năm. Đàn gia cầm được nuôi tập trung tại 6 huyện trọng điểm Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy, An Dương (khoảng 8 triệu con, chiếm 96% tổng đàn gia cầm toàn thành phố). Thời gian tới, do diện tích các bãi chăn thả thu hẹp, Hải Phòng sẽ giảm dần đàn gia súc và khuyến khích chăn nuôi gia cầm.

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.