Trong chuỗi sự kiện Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 (diễn ra từ ngày 16 - 19/5), UBND tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM) đã tổ chức hội thảo khoa học “Sen Đồng Tháp: Giá trị văn hóa - nâng tầm hội nhập”.
Sen là ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và được tạo dựng thương hiệu "Đồng Tháp - Đất Sen hồng".
Tại Đồng Tháp, sen đã đi vào đời sống văn hóa truyền thống và nếp sinh hoạt thường ngày của người dân. Năm 2007, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố biểu tượng của Đồng Tháp có hình tròn cách điệu của bông hoa sen. Năm 2015, Đồng Tháp ban hành “Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020”, trong đó TP Cao Lãnh được quan tâm đầu tư quy hoạch gắn liền với hình ảnh sen.
Hàng năm, Đồng Tháp tổ chức nhiều lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của ngành hàng sen, đồng thời quảng bá, xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê sen”, “Thủ phủ sen” hay “Đất Sen hồng”.
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.800ha trồng sen tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông... Trong đó, huyện Tháp Mười có diện tích trồng sen chiếm hơn 30% tổng diện tích trồng sen của cả tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp chế biến với 120 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm, 200 món ăn, thức uống chế biến từ sen.
Sen là một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Từ sen, qua bàn tay tài hoa và quá trình tìm tòi, sáng tạo của người dân đã cho ra đời nhiều sản phẩm quà tặng đặc sắc, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế, được ứng dụng khoa học công nghệ để nâng tầm giá trị. Cụ thể như tranh lá sen, lụa tơ sen, trà ướp hoa sen thượng hạng...
Chỉ tính riêng sản phẩm OCOP, đến nay Đồng Tháp đã có 59 sản phẩm sen đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM) phân tích, hiện nay du lịch Đồng Tháp chủ yếu khai thác về du lịch sinh thái. Đồng Tháp chưa khai thác hết hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, cũng như chưa kết nối tốt du lịch sinh thái với các loại hình du lịch khác của địa phương để góp phần phát huy giá trị văn hóa, nâng tầm hội nhập của du lịch sen.
Do đó, để khai thác du lịch sen trong tương lai hiệu quả hơn, hấp dẫn hơn, GS.TS Phan Thị Thu Hiền gợi ý, Đồng Tháp có thể triển khai mô hình 3D (mở rộng không gian - trải dài thời gian - nâng tầm biểu tượng sen). Trong đó xây dựng công viên chủ đề sen, thực hiện giải pháp kéo dài mùa sen, nâng cao biểu tượng sen nhằm phát huy giá trị văn hóa và nâng tầm hội nhập của du lịch sen, quảng bá hình ảnh, danh tiếng của Đồng Tháp.
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, nhiều đề xuất mang tầm nhìn dài hạn trong việc quy hoạch và phát triển tổng thể ngành hàng sen được nhiều nhà khoa học đưa ra.
Tại hội thảo, các đại biểu còn thẳng thắn đưa ra nhiều ý kiến đề xuất giải pháp khoa học công nghệ để xây dựng, phát triển ngành hàng sen theo hướng bền vững. Cụ thể, cần có bộ giống sen chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, có giải pháp phát triển trồng sen theo hướng hữu cơ. Trong đó, đề xuất xây dựng khu phức hợp sen - điểm tựa để phát triển Đồng Tháp thành thủ phủ sen của Việt Nam và thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Thông qua hội thảo, sẽ giúp tỉnh nhận diện được đầy đủ hơn các giá trị văn hóa sen đối với vùng đất, con người Đồng Tháp, nâng tầm hội nhập quốc tế của sen Đồng Tháp thông qua chiến lược phát triển kinh tế, du lịch và là cơ sở khoa học để tham mưu, đề xuất các chính sách và chiến lược phát triển nâng tầm cây sen trong thời gian tới.