| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm thủy lợi Hải Phòng [Bài 1]: 'Biến' kênh trục chính thành hồ chứa nước

Chủ Nhật 03/11/2024 , 16:51 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Tiên Lãng là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của Hải Phòng, tuy nhiên việc tiêu thoát nước khó khăn và xâm nhập mặn đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống thủy lợi.

Ngập úng triền miên phía bắc sông Mới

Hệ thống thủy lợi Tiên Lãng có tổng cộng 75 cống dưới đê và 78 trạm bơm, chia thành hai khu vực chính là nam sông Mới và bắc sông Mới. Còn hệ thống kênh mương cấp 1, cấp 2 do công ty quản lý có 256 tuyến với tổng chiều dài là 391km, hệ thống kênh mương sau trạm bơm gần 100 tuyến.

Cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng tại xã Đại Thắng ngập sâu trong nước nhiều ngày sau bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng tại xã Đại Thắng ngập sâu trong nước nhiều ngày sau bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Trong khi khu vực nam sông Mới hưởng lợi từ vị trí gần biển, giúp hệ thống tiêu nước đệm hoạt động hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng từ lũ lụt thượng nguồn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp, thì khu vực bắc sông Mới lại đối mặt với nhiều thách thức.

Hiện tại, 3 xã phía bắc sông Mới gồm Tự Cường, Tiên Cường và Đại Thắng chỉ có một trạm bơm tiêu úng, 15 cống tưới tiêu kết hợp và 2 trạm bơm tiêu úng chưa được lắp máy. Việc thiếu hụt trạm bơm khiến việc tiêu thoát nước trong mùa mưa bão trở nên rất khó khăn.

Cùng với đó, hiện nay mỗi cống chỉ được bố trí 2 lao động, nhưng nếu không có điện phải cần từ 4-8 người mới có thể vận hành, nhất là khi quay lên. Do đó, khi sự cố mất điện xảy ra, việc vận hành các cống rất vất vả.

Đơn cử như trong và sau cơn bão số 3 vừa qua, khi mưa lớn kết hợp với triều cường và lũ thượng nguồn đã khiến gần như toàn bộ các cống phía bắc sông Mới không thể tiêu nước trong nhiều ngày. Việc tiêu thoát nước phải phụ thuộc vào duy nhất một trạm bơm hoạt động với công suất hạn chế 17.500 m3/h, khiến nước dâng cao, gây ngập úng nhiều ngày, đặc biệt là khu vực sản xuất nông nghiệp.

Cống Giang Khẩu tại xã Đại Thắng, được xây dựng từ năm 1987, là một trong những vị trí xung yếu, phải mất rất nhiều ngày sau bão số 3 mới có thể tiêu nước. Ảnh: Đinh Mười.

Cống Giang Khẩu tại xã Đại Thắng, được xây dựng từ năm 1987, là một trong những vị trí xung yếu, phải mất rất nhiều ngày sau bão số 3 mới có thể tiêu nước. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Phạm Văn Là - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (Công ty thủy lợi) Tiên Lãng, nhận định: “Vấn đề khó khăn, bất cập nhất và đáng lo ngại nhất là mất điện. Còn lại là khó khăn về tiêu úng tại khu vực bắc sông Mới, đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ”.

Cũng theo ông Là, bên cạnh việc tiêu thoát nước, tình trạng các công trình xuống cấp cũng là nỗi lo tại hệ thống thủy lợi Tiên Lãng, khi đang có 9 cống xung yếu dưới đê. Trong số đó, hiện nay 2 cống đã bị hoành triệt hoàn toàn, không còn khai thác và hoạt động và 7 cống còn lại dù đã được thành phố Hải Phòng đưa vào danh mục ưu tiên xây lại nhưng thời gian triển khai vẫn chưa được xác định.

Trên thực tế, dù các cống xung yếu vẫn đảm bảo tiêu thoát nước, nhưng việc phát huy hiệu quả trong mùa mưa bão thường rất mất công và tốn kém. Thêm vào đó, các cống được xây dựng từ lâu, thân cống ngắn so với mặt cắt hoàn thiện của đê, dẫn đến nhiều bất cập.

Trước thực trạng này, Công ty Thủy lợi Tiên Lãng đã đề xuất với Sở NN-PTNT và UBND thành phố Hải Phòng phương án chuyển nguồn nước từ cống Giang Khẩu, xã Đại Thắng về hệ thống thủy lợi phía nam sông Mới thông qua hệ thống xi phông.

Cống C1 ở xã Tây Hưng cũng đã xuống cấp, bị rò rỉ, xuyên mang liên tục. Ảnh: Đinh Mười.

Cống C1 ở xã Tây Hưng cũng đã xuống cấp, bị rò rỉ, xuyên mang liên tục. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống thủy lợi phía nam sông Mới, với các cống dưới đê ven biển, gần như không bị ảnh hưởng bởi lũ thượng nguồn, có thể tận dụng thủy triều lên xuống để tiêu thoát nước. Điều này sẽ giúp hệ thống thủy lợi các xã phía bắc sông Mới được tưới tiêu tự nhiên và giải quyết hiệu quả vấn đề ngập úng.

Nhức nhối tình trạng xâm nhập mặn

Những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn cũng là thách thức nghiêm trọng với hệ thống thủy lợi Tiên Lãng. Đặc biệt, vụ đông xuân năm 2023 - 2024, nước mặn xâm nhập sâu vào các tuyến sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác nước ngọt phục vụ sản xuất.

Để ứng phó hiệu quả với tình trạng xâm nhập mặn và bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất, Công ty thủy lợi Tiên Lãng đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp như: Ký kết với đơn vị chuyên nghiệp để thực hiện việc đo độ mặn tự động tại các cống đầu mối, nhằm tối ưu hóa thời gian lấy nước ngọt.

Cống Rộc tại xã Vinh Quang là một trong những điểm xâm nhập mặn diễn ra rất phức tạp, vừa được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: Đinh Mười.

Cống Rộc tại xã Vinh Quang là một trong những điểm xâm nhập mặn diễn ra rất phức tạp, vừa được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, công ty phải dồn nguồn lực để sửa chữa, chống rò rỉ tại cống đầu nguồn và xử lý triệt để các cống cuối nguồn nhằm ngăn chặn rò rỉ nước ngọt và nhiễm mặn vào đồng ruộng. Toàn bộ 75 trạm bơm điện trong hệ thống được sẵn sàng vận hành để bổ sung nước vào hệ thống. Tuy nhiên, hiện tượng xâm nhập mặn đang gia tăng mạnh mẽ lên hệ thống thủy lợi của 18 xã, thị trấn khu vực nam sông Mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Theo Công ty thủy lợi Tiên Lãng, trước mắt cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nạo vét kênh mương, xây dựng lại các cống xung yếu, sửa chữa các trạm bơm xuống cấp, đặc biệt là những trạm bơm trục ngang kém hiệu quả và tiêu tốn năng lượng.

Do hệ thống thủy lợi Tiên Lãng được nạo vét và cải tạo cách đây đã hơn 20 năm, tình trạng bồi lắng khiến hiệu quả hoạt động bị ảnh hưởng, việc dẫn nước khó khăn, cũng cần sớm đầu tư, nâng cấp.

Song song với đó cần tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, hệ thống kè và các cống dưới đê sẽ giúp biến 24km kênh mương thành hồ chứa nước, vừa phục vụ tưới tiêu, vừa phục vụ chứa nước ứng phó xâm nhập mặn.

Công ty thủy lợi Tiên Lãng đang đề nghị thành phố Hải Phòng bố trí ngân sách để cải tạo hệ thống kênh trục chính thành hồ thủy lợi để ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Công ty thủy lợi Tiên Lãng đang đề nghị thành phố Hải Phòng bố trí ngân sách để cải tạo hệ thống kênh trục chính thành hồ thủy lợi để ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng, tình hình xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải đầu tư nâng cấp và cải tạo hệ thống thủy lợi.

“Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất và có giải pháp để nâng cao năng lực trữ nước của các công trình đầu mối. Cùng với đó là nghiên cứu chuyển hướng khai thác nước ngọt từ khu vực phía bắc về phía nam qua các hệ thống xi phông và cải tạo các tuyến kênh trục chính thành các hồ chứa để trữ nước phục vụ sản xuất, dân sinh”, ông Đoàn Văn Ban - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng cho biết.

Hiện tại, Công ty thủy lợi Tiên Lãng đã kiến nghị với Sở NN-PTNT và UBND thành phố Hải Phòng đầu tư xây dựng lại các cống xung yếu, nâng cấp, cải tạo trang thiết bị phục vụ việc vận hành. Đồng thời đề nghị phân bổ ngân sách để "biến" hệ thống kênh trục chính tại Tiên Lãng thành hồ chứa nước, lòng kênh được nạo vét sâu khoảng 3 mét, 2 bên bờ được kè kiên cố để vừa đảm bảo việc tiêu nước và trữ nước, ứng phó lâu dài với thiên tai ngày càng cực đoan.

Xem thêm
Bộ Nội vụ hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ khi sắp xếp bộ máy

Sau khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng phương án giảm biên chế cán bộ trong vòng 5 năm.

Gượng dậy sau bão Yagi: Tái thiết Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc

Gần 3 tháng sau bão Yagi tôi đến đảo Cát Bà, TP Hải Phòng vẫn còn thấy những vạt rừng cây gãy, đổ ngổn ngang, những mái nhà bị bóc đi lớp tôn chống nóng.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.