Sản xuất lớn cần phải đánh giá tác động môi trường
Tồn tại nhất hiện nay là khâu quản lý sử dụng thuốc BVTV và hoạt động kinh doanh buôn bán thuốc BVTV ở cấp xã, phường tuy nhiên cũng cần phải cải tiến hơn nữa ở khâu đăng ký. Đăng ký thuốc BVTV hiện chỉ là việc của Bộ NN-PTNT trong khi đáng lẽ phải hài hòa với hai bộ khác là Tài nguyên và MT, Y tế. Ba bộ trên phải đồng hành, có trách nhiệm tư vấn cho nhà nước đăng ký thuốc như thế nào cũng như ra được một chiến lược sản xuất để làm sao giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và lãng phí không cần thiết.
Nông dân phần lớn dùng thuốc dưới sự “tư vấn” của đại lý |
Hiện đăng ký thuốc đang kém ở chỗ đánh giá tác động môi trường và hiệu lực sinh học tuy có làm nhưng chưa đảm bảo mà chủ yếu dựa vào kết quả của các nước, của chính các công ty thuốc. Tại sao? Vì môi trường khác nhau hoàn toàn, đối tượng khác nhau hoàn toàn, châu Âu, châu Á cũng khác nhau. Thuốc này thích hợp ở châu Âu nhưng cũng chưa chắc thích hợp ở Việt Nam. Thứ nữa khi muốn đưa một loại thuốc vào phải chọn trọng điểm cho cây trồng nào, cho vùng sản xuất nào, phải đánh giá được rủi ro trước khi duyệt đăng ký, giám sát quá trình sử dụng và tiến hành đánh giá tác động môi trường sau vài năm sử dụng. Danh mục thuốc hiện nay đang thừa cực kỳ nhiều là bởi do quá khứ, trong đó có nhiều loại không dùng đến trong nhiều năm, dù bị “khai tử” nhưng vẫn chưa hết.
Tiến tới các trang trại lớn, các cơ sở sản xuất tập trung cần phải có đánh giá tác động môi trường trước khi sản xuất, những hóa chất nào sẽ sử dụng, nguy cơ của chúng ra sao? Trên cơ sở đó mới được duyệt đề án sản xuất. Trong quá trình làm cũng cần phải giám sát của các cơ quan nhà nước xem có đảm bảo hay không. Cần so sánh lúc họ bắt đầu sản xuất và vài năm sau xem có tác động thế nào đến môi trường. Nếu thấy không ổn cần phải loại bỏ thuốc đang sử dụng và thay thế bằng những thuốc khác.
Chưa nông dân nào bị phạt vì phun thuốc sai
Đó là chuyện sản xuất lớn nhưng đại trà trong dân hiện nay lại là sản xuất nhỏ. Dù chúng ta có tất cả chế tài, quy định cho việc sử dụng thuốc BVTV rồi, sử dụng sai là bị phạt nhưng không bao giờ phạt được người nông dân vì người ta sản xuất quá nhỏ lẻ, cuộc sống của người ta rất khó khăn. Tắc là ở chỗ ấy. Chúng ta không quản lý nổi việc sử dụng thuốc BVTV là bởi kiểu sản xuất nhỏ lẻ này.
Các quy định đã có rồi nhưng phải hiểu là ai quản lý được những đối tượng sản xuất nhỏ lẻ ấy? Là chính quyền địa phương cấp xã. Nhưng mà chính quyền địa phương cấp xã đã có đủ năng lực để làm việc ấy chưa? Chưa và nhận thức của họ về trách nhiệm đó cũng chưa đâu vào đâu.
Bà Nguyễn Thị Bên ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam khi thử máu thấy nhiễm độc thuốc sâu nặng |
Phun thuốc trừ sâu từ bình đeo lưng hay xây dựng những bể dã chiến rồi dùng máy bơm công suất cao phun gây độc hại cho cả cộng đồng dân cư như báo Nông nghiệp VN đã phản ánh, chỉ có chính quyền bản xứ mới có thể quản lý chính xác nhất, có trách nhiệm nhất. Còn thanh tra BVTV chỉ đi sâu vào việc kinh doanh thuốc BVTV có đúng theo đăng ký hay không, có thuốc lậu hay không. Lực lượng này không có đủ năng lực để xuống tận từng làng, từng bản mà trách nhiệm đó phải được phân cho chính quyền địa phương, cho chủ tịch UBND xã, phường. Trách nhiệm đó hiện giờ mới thể hiện được rất ít… Làm sao để thúc đẩy chính quyền địa phương vào cuộc thì mới lần được nút thắt, gỡ được nút thắt trong việc sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam.
Quan điểm sai lầm và phải đánh thuế thuốc BVTV thật cao
Chính phủ Việt Nam coi việc trợ giá thuốc BVTV như một kiểu ưu ái, hỗ trợ cho người sản xuất. Đó là sai lầm về quan điểm bởi giá càng rẻ càng khuyến khích nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV. Cách đây khoảng 15 năm trong chương trình IPM chúng tôi có nói về vấn đề này nhưng cũng chỉ là kiến nghị miệng. Nếu mỗi lần phun thuốc cho 1 sào lúa chỉ mất khoảng 10.000đ là quá ít, người nông dân không phải đắn đo gì nhiều.
Logic của cuộc sống là cái gì độc hại, không khuyến khích sử dụng như rượu bia, thuốc lá phải đánh thuế cao nhưng thuốc BVTV còn độc hơn thế mà lại được miễn thuế? |
Phải tăng thuế thuốc BVTV đang từ 0% lên nhiều lần, làm sao cho giá thuốc phải tăng gấp 10 lần bây giờ thì mới hi vọng giảm thiểu được. Nếu tăng giá lên gấp 10 lần thì sẽ giảm tới 80% lượng sử dụng thậm chí là 90%. Nhiều xã trồng lúa sẽ không cần dùng thuốc nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp dễ áp dụng như SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến) mà bằng chứng là ở Hà Nội đã có những xã vài năm nay 60-70, 80% nông dân hoàn toàn không dùng thuốc cho lúa. Hà Nội từ thời Hà Tây cũ đã áp dụng IPM, SRI rất tốt rồi, Bí thư cũng như Chủ tịch tỉnh thời đó luôn ra đồng cùng người nông dân.
Nông dân được học thuốc BVTV độc hại ra sao, có thể gây từ ung thư, gây quái thai đến run tay, run chân, đau đầu, nhức óc… Con đường thuốc vào cơ thể, tác động lên cộng đồng, ô nhiễm lan tỏa ra toàn bộ khu vực… Có 2 cách tránh là giảm sử dụng thuốc BVTV và nếu tiếp xúc phải áp dụng biện pháp sao cho an toàn. Song song với đó là các biện pháp kỹ thuật đưa vào để thay thế thuốc.
SRI tốt ở chỗ giảm 80% lượng giống cũng như thuốc BVTV. Giảm giống làm cho thông thoáng đồng ruộng, sâu bệnh giảm đi rất nhiều. Một yếu tố nữa là phân đạm - mấu chốt để phát sinh sâu bệnh. Khi áp dụng SRI ít nhất giảm 25% lượng phân đạm, giúp cho cây lúa cứng cáp, chống chịu sâu bệnh tốt.
Sản xuất lúa có tiềm năng rất lớn để giảm lượng thuốc BVTV bởi nó có đặc điểm là các loại sâu ăn lá như cuốn lá nhỏ, bọ trĩ… giai đoạn đẻ nhánh có cắn trụi hết cả cánh đồng cũng không cần phun vì lá lúa lúc này cũng như tóc người, cắt là mọc lại được, có khả năng tự đền bù rất tốt. Nhưng nông dân mình hễ thấy sâu là phun. Khi phun trừ các loại sâu ăn lá này thì đồng thời diệt luôn các con thiên địch ăn sâu.
Lấy ví dụ là con rầy nâu có hàng trăm con ăn nó trên đồng ruộng. Nếu phun thuốc diệt sâu ăn lá thì đồng thời diệt hết thiên địch của rầy nâu đến khi có rầy, không có con gì ăn nữa lại phải phun thuốc tiếp khiến cả hệ sinh thái bị ảnh hưởng. Nếu hiểu rằng sâu ăn lá nhỏ không cần phải phun ở đầu vụ đương nhiên đã tiết kiệm được 60% lượng thuốc rồi còn kết hợp với giảm đạm hợp lý thì cuối vụ không phải phun rầy nữa là xong.
Nhiều nhà khoa học bảo không nên cực đoan việc không dùng thuốc BVTV (trên lúa) như vậy nhưng vấn đề không phải cực đoan hay không mà dân họ tự quyết. |
Mỗi một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.000 đại lý thuốc BVTV lớn nhỏ, hơn 40 công ty thuốc BVTV ào ạt tràn vào, quảng bá sử dụng thông qua hoạt động tư vấn kỹ thuật. Trong khi đó lực lượng cán bộ BVTV rất mỏng khoảng 50 người/tỉnh. SRI đã được Bộ NN-PTNT chỉ đạo thực hiện rồi nhưng diện tích chưa được rộng bởi cứ sau khoảng 10 năm người phụ trách chính trên đồng ruộng lại thay đổi. Thế hệ trẻ giờ nghe bố nghe mẹ chỉ một phần thôi còn nghe thông tin bên ngoài rất nhiều. Hầu hết kinh nghiệm làm nông của bố mẹ không chuyển tải được cho con cái như ngày trước nữa. Bởi thế mà lớp nông dân trẻ cần được phải đào tạo lại.
Thứ nữa là hệ thống công ty thuốc BVTV càng ngày càng có kỹ năng quảng bá sản phẩm để khuyến khích nông dân sử dụng vì lợi nhuận đối với họ là số một. Các doanh nghiệp này có lực lượng xuống tận thôn xã, thiết kế các thí nghiệm nhỏ có phun thuốc và không phun thuốc để so sánh. Có phun thì sâu chết còn không phun thì sâu vẫn sống. Như sâu cuốn lá nhỏ, phun cái là thấy ngay hiệu quả diệt sâu nhưng quan trọng là không cần phải phun.
Những nông dân ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam kể về chuyện mình bị nhiễm độc thuốc sâu |
Rượu bia, thuốc lá cấm quảng cáo nhưng tại sao thuốc BVTV vẫn không cấm được? Quảng cáo thuốc BVTV qua đài báo còn có thể quản lý được nhưng quảng cáo ở các hội nghị, hội thảo với danh nghĩa tư vấn kỹ thuật thì thực sự khó. Nhiều khi các nhân viên công ty cứ nói vống lên về hiệu quả của thuốc.
Công dụng của thuốc BVTV phụ thuộc vào hệ thống sản xuất. Nếu nơi nào gắn sản xuất với xuất khẩu hay với khu vực người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe thì thuốc BVTV tỏ ra có mang lại hiệu ích. Nhưng hiệu ích đó không rõ ràng, không đến từ việc cải tiến đăng ký thuốc BVTV mà câu chuyện hơi khác một chút. Người mua nêu điều kiện, đặt ra hàng rào kỹ thuật ABCD sau đó người sản xuất tìm trong kho danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam thấy “nhặt” được những thứ gì, hoạt chất, đảm bảo thời gian cách ly ra sao, quy trình sản xuất thế nào để có được chất lượng nông sản theo hợp đồng kia mà thôi.