1. Bọ dưa
Bọ dưa chủ yếu gây hại trong mùa nắng, hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Bọ gây hại bằng cách cạp lớp biểu bì trên lá thành một vòng tròn, phần bị cạp sẽ đứt rời khỏi lá.
Bọ dưa thường gây hại trên các cây còn non, nếu mật số cao, bọ dưa có thể ăn trụi hết lá và đọt non, ngoài gây hại trên lá, bọ dưa còn đẻ trứng vào đất, gần gốc, trứng nở ra ấu trùng ăn rễ, đục vào gốc khiến cây bị vàng héo, kém phát triển.
Phòng trị
Sau khi thu hoạch, vệ sinh đồng ruộng, đốt bỏ, tiêu huỷ tàn dư thực vật, trước khi trồng cần cày bừa, phơi đất, diệt sâu non, nhộng. Thường xuyên thăm đồng, khi mật độ bọ dưa cao, có thể phun trừ bằng thuốc: Secsaigon 25EC hay rải thuốc hạt như Sago-super 3GR quanh gốc khi trồng hay trước khi cây ra hoa để diệt sâu non.
2. Ruồi đục lá
Ruồi hoạt động mạnh từ sáng đến chiều. Ruồi gây hại bằng cách dùng bộ phận đẻ trứng rạch mặt trên lá tạo nhiều lổ và đẻ trứng vào. Trứng nở ra dòi bắt đầu đục thành những đường ngoằn ngoèo, trước nhỏ sau lớn dần theo sự phát triển của ấu trùng.
Đường đục xuất hiện ở hai mặt lá, tuy nhiên thấy rõ nhất ở mặt trên lá. Khi trưởng thành, dòi đục thủng biểu bì, chui ra ngoài hoá nhộng. Các vết thương do ruồi gây hại làm lá khô, trái nhỏ, cây phát triển kém.
Phòng trị
- Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch.
- Cày sâu để tiêu diệt nhộng, làm sạch cỏ bờ.
- Cần phòng trị sớm khi cây bắt đầu ra lá mới, có thể dùng tay ngắt bỏ lá bị hại nặng, nếu ruồi hại nhiều có thể dùng thuốc hoá học Secsaigon 25EC, Roninda 100SL phun trừ.
3. Nhện đỏ
Nhện đỏ thường gây hại vào mùa khô, lúc trời nắng nóng, có kích thước nhỏ, gây hại chủ yếu ở mặt dưới lá bằng cách chích hút nhựa lá và đồng thời còn bơm độc tố vào khiến lá bị mất màu xanh và chuyển sang màu vàng, từ từ bị khô héo, rụng.
Phòng trị
Do nhện nhỏ, khó phòng trị, nên cần phát hiện sớm. Để trừ nhện đỏ có thể dùng các loại thuốc đặc trị nhện như dầu khoáng SK Enspray 99EC, Kingspider 93SC. Lưu ý cần phun nhiều nước, phun đều hai mặt lá, nhất là mặt dưới lá, phun sáng sớm hay chiều mát.
4. Bọ trĩ
Bọ trĩ còn gọi là Bù lạch, Rầy lửa, có kích thước nhỏ, có thể quan sát bằng mắt thường. Bọ trĩ chủ yếu sống và gây hại bằng cách chích hút nhựa ở các bộ phận non như lá, chồi, đọt non, bông, trái non … làm đọt, lá non xoăn lại, chồi khô héo, bông rụng, da trái sần sùi (da cám).
Trên lá triệu chứng đặc trưng do bọ trĩ gây ra là lá cong queo, hai mép lá cong, cúp lại phía bên dưới, triệu chứng này kết hợp với triệu chứng do rệp dưa làm cho đọt non bị sượng, ngẩng đầu lên cao nên nông dân gọi là “ngẩng đầu lân”. Bọ trĩ chủ yếu gây hại vào lúc trời khô, hanh, nắng nóng.
Phòng trị
Bọ trĩ tương đối khó trị vì chúng có kích thước nhỏ, sống và gây hại mặt dưới lá, mặt khác bọ trĩ hình thành tính kháng thuốc tương đối nhanh. Có thể sử dụng như Osago 80WG, có thể kết hợp với dầu khoáng SK Enspray 99EC.
5. Rầy mềm
Rầy mềm hay còn gọi là Rệp dưa, Rầy nhớt, Rầy mật ... gây hại đặc trưng với mật số lớn chích hút nhựa ở mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, làm lá, đọt, chồi, bông bị khô héo. Nếu rầy mềm chích hút vào giai đoạn cây có hoa, trái non, sẽ khiến hoa và trái dễ bị rụng… ngoài việc chích hút nhựa, rầy mềm còn là tác nhân truyền bệnh virus cho cây gây bệnh khảm vàng.
Phòng trừ
- Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch.
- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trị kịp thời vì rầy mềm nhân mật số rất nhanh. Nếu rầy xuất hiện với mật số lớn nên phun trừ kịp thời bằng thuốc trừ sâu như Secsaigon 25EC, Osago 80WG, Kingspider 93SC.