| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Đồng Tháp chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nhãn tiếng Việt

Thứ Bảy 07/12/2024 , 18:37 (GMT+7)

Thay vì sử dụng tràn lan, theo thói quen cũ, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã chủ động trong việc tìm hiểu thông tin về thuốc và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

Thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) và Sở NN-PTNT Đồng Tháp, Hiệp hội CropLife Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2026”. 

Đánh giá hiệu quả của chương trình các đại biểu cho rằng, việc áp dụng các phương thức sản xuất bền vững, an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, sức khoẻ và môi trường, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đầy kiểm tra trái quýt hồng tại vườn. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Nguyễn Văn Đầy kiểm tra trái quýt hồng tại vườn. Ảnh: Hùng Khang.

Mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chương trình để triển khai, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong canh tác cây quýt hồng giúp gia tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Văn Đầy, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết.

“Trước đây, khi chưa qua hoạt động tập huấn, chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tập quán cũ một năm sẽ xịt khoảng 24 lần, sau khi được tập huấn chúng tôi chỉ xịt vào những thời điểm cần thiết. Trung bình xịt từ 12 đến 14 lần một năm”.

Tham gia vào chương trình nông dân áp dụng nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, học trên cây ăn trái, qua đó giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, trái cây ra thị trường được bảo đảm, giá bán tăng cao, đồng thời, bảo đảm hệ sinh thái của môi trường và sức khỏe của nông dân.

Báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho thấy, tính đến hết năm 2024, tỉ lệ nông dân tại Đồng Tháp chỉ mua thuốc BVTV theo kinh nghiệm hay thói quen giảm 21,7%. Đặc biệt, 91,6% nông dân quan tâm đến thuốc bảo vệ thực vật có nhãn tiếng Việt.

Đồng hành với người nông dân trong 3 năm thực hiện chương trình, đại diện CropLife Việt Nam, ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife tin tưởng, thành công của chương trình hợp tác triển khai tại Đồng Tháp sẽ tiếp tục được lan toả và nhân rộng và kêu gọi được sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị, hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm.

Nông dân tối đa hóa lợi ích

TS Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, “sau 3 năm triển khai, sự tham gia và phản hồi tích cực của nông dân, đối tượng tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ các lớp tập huấn, đã cho thấy hiệu quả và một số tác động bước đầu của chương trình, qua đó đề cao tầm quan trọng của hợp tác công, tư trong quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn”.

Khi tham gia chương trình tập huấn vế việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm nông dân đã tối đa hóa lợi ích, công dụng của sản phẩm cũng như giảm thiểu mọi rủi ro có thể có đối với sức khoẻ cộng đồng, môi trường và chất lượng nông sản.

T.S Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Hùng Khang.

T.S Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Hùng Khang.

Sau 3 năm chương trình đã triển khai 78 lớp tập huấn cho 3.140 nông dân, tổ chức 16 lớp tập huấn cho 977 đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực hiện 2 đợt tập huấn cho 100 cán bộ tại tỉnh Đồng Tháp, cung cấp 3.750 bộ đồ bảo hộ cá nhân cho nông dân khi phun và pha chế thuốc.

Song song với quá trình triển khai, chương trình cũng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, phổ biến kiến thức về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, thông qua phát hành nhiều tài liệu, tờ rơi, áp phích, quạt in thông tin, phát sóng chuỗi video hướng dẫn trên truyền hình và lắp đặt các bộ pano tại các mô hình và các huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Năm 2024 cũng đánh dấu năm đầu tiên 3 bên triển khai thu thập dữ liệu để đánh giá tác động của chương trình đối với thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân Đồng Tháp.

Kết quả sơ bộ cho thấy chương trình đã mang lại những cải thiện đáng kể trong kiến thức, thái độ, và thực hành của nông dân cũng như đại lý kinh doanh thuốc BVTV.

Đối với nông dân, dữ liệu ghi nhận mức độ hiểu biết rõ về thuốc BVTV tăng từ 6-34% tùy theo chủ đề được tập huấn. Trong thời gian tới, ba bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm tiếp nối và nâng cao các kết quả đã đạt được trong 3 năm vừa qua.

Xem thêm
Nâng cao hiệu quả canh tác cho nông nghiệp Việt Nam

CẦN THƠ Công ty Phân bón Việt Nhật JVF và Công ty XAG Mekong vừa ký hợp tác chiến lược nhằm mang đến những giải pháp canh tác hiệu quả và bền vững hơn cho nông dân...

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?