Sản lượng ngũ cốc Trung Quốc đạt mức trên 700 triệu tấn
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 706,5 triệu tấn trong năm 2024, tăng 1,6% so với năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên quốc gia này ghi nhận sản lượng thu hoạch ngũ cốc vượt 700 triệu tấn.
Theo ông Trương Học Bảo, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Thông tin Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, sản lượng lương thực tăng cao nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố: chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ và thiết bị nông nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng nông nghiệp được nâng cấp và các biện pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả. Nhờ đó, năng lực sản xuất lương thực được nâng cao và không gian tăng trưởng sản lượng được mở rộng, đảm bảo sản lượng tiếp tục đạt kỷ lục.
Ông Trương Hàn, Bí thư làng Vu Tây (huyện Đài, tỉnh Quý Châu), cho biết: “Làng chúng tôi nằm ở vùng núi, chủ yếu trồng lúa nước. Năm 2024, chúng tôi đã trồng 533ha, bình quân mỗi hộ có 2.000m2, năng suất đạt khoảng 5.000 kg/ha, cao hơn nhiều so với năm 2023”.
Mặt khác, Trung ương Đảng luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách khuyến khích nông dân trồng trọt, như: tăng giá thu mua tối thiểu cho lúa mì và lúa tẻ sớm; duy trì trợ cấp bảo vệ đất, tăng trợ cấp cho người trồng ngô, đậu tương và lúa,... Các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm về an ninh lương thực, bảo vệ đất nông nghiệp, cải tạo đất đai, mở rộng diện tích gieo trồng và khai thác tối đa tiềm năng diện tích đất.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, diện tích gieo trồng lương thực toàn quốc năm 2024 đạt 119 triệu ha, tăng 351.000ha, tương ứng mức tăng 0,3%, đánh dấu 5 năm liên tiếp tăng trưởng. “Việc mở rộng diện tích gieo trồng đã đóng góp gần 20% vào mức tăng sản lượng”, Giáo sư Chu Tuấn Phong, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nhận định.
Chuyên gia Trương Học Tiêu đánh giá: “Sự phát triển của khoa học công nghệ và cơ giới hóa đã mang lại nền tảng vững chắc cho việc tăng sản lượng lương thực”. Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học nông nghiệp, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch đạt trên 74%, với số lượng máy móc nông nghiệp trên cả nước vượt 2 triệu chiếc.
Tính đến nay, Trung Quốc đã xây dựng hơn 6 triệu ha ruộng tiêu chuẩn cao, cùng với hàng loạt cơ sở hạ tầng nông nghiệp đi kèm, tạo nền tảng vững chắc cho năng lực sản xuất lương thực và khả năng phòng chống thiên tai của đất canh tác.
Củng cố nền tảng, bảo đảm lương thực
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ lương thực đã chuyển từ “ăn no” sang “ăn ngon, ăn dinh dưỡng và lành mạnh”. Sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục cho thấy trong “bát cơm Trung Quốc” không chỉ nhiều hơn mà còn có lương thực chất lượng cao hơn. Năm 2024, cơ cấu giống lương thực tiếp tục được tối ưu hóa.
Vì thế, các địa phương đã triển khai sâu rộng dự án “lương thực chất lượng cao”, tận dụng tối đa lợi thế tài nguyên để xây dựng thương hiệu lương thực. Trên cả nước, xuất hiện nhiều thương hiệu cấp tỉnh và cấp thành phố. Nhờ đó, các sản phẩm lương thực và dầu ăn chất lượng cao trên bàn ăn của người dân ngày càng phong phú.
Giáo sư Chu Tuấn Phong nhận định: “An ninh số lượng, dinh dưỡng và chất lượng lương thực của Trung Quốc tiếp tục được nâng cao, đạt trạng thái cân bằng cung cầu ở mức cao hơn”. Với quy mô dự trữ lương thực thực phẩm dồi dào, Trung Quốc đã tăng khả năng điều tiết thị trường và ứng phó tốt hơn với các rủi ro như đại dịch, động đất hay lũ lụt.
Tuy nhiên, sự mất cân đối trong cơ cấu cung cầu lương thực vẫn tồn tại, đặc biệt là thiếu hụt lương thực làm thức ăn chăn nuôi, buộc quốc gia này phải nhập khẩu một lượng lớn mỗi năm. Trước tình hình sản lượng lương thực trong nước tăng và giá cả giảm, Trung Quốc đã điều chỉnh hợp lý quy mô và nhịp độ nhập khẩu lương thực. Trong nửa cuối năm 2024, lượng nhập khẩu ngô đã giảm đáng kể.
Mở rộng không gian để tăng sản lượng
Trong những năm gần đây, mặc dù sản lượng lương thực của Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá quan trọng, nhưng tình trạng cân bằng lương thực vẫn chưa thay đổi, và đỉnh điểm nhu cầu lương thực vẫn chưa đến. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do tài nguyên đất canh tác có hạn, các ràng buộc về môi trường ngày càng nghiêm ngặt, trong khi lợi nhuận từ trồng trọt không cao, thiếu hụt lao động khiến việc thu hoạch lương thực ngày càng trở nên khó khăn. Để duy trì sản lượng, Trung Quốc có thể phải xem xét mở rộng không gian tăng sản lượng lương thực.
Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ chính sách, ổn định và nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, phân bổ ưu tiên phát triển sản xuất trong nước, củng cố nguồn lương thực, khai thác tiềm năng ngô và mở rộng diện tích đậu nành. Trung Quốc cần xây dựng quan điểm lương thực toàn diện, từ việc khai thác tài nguyên đất truyền thống sang mở rộng các nguồn tài nguyên sinh học như sông, hồ, biển và rừng, nhằm phát triển đa dạng các loại thực phẩm.
Chuyên gia Trương Học Bảo lưu ý, phải thúc đẩy sự phát triển dịch vụ nông nghiệp và các mô hình hợp tác để nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, cân bằng phát triển giữa các khu vực sản xuất chính và phụ, xem xét kỹ lưỡng sự tương thích giữa tài nguyên và sản xuất lương thực, thực hiện cơ chế bồi thường cho các khu vực sản xuất chính.
Ngoài ra, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nâng cao mức độ cơ giới hóa và xây dựng hệ thống đào tạo nhân tài, tạo môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và sáng tạo trong ngành lương thực.