| Hotline: 0983.970.780

Ngạc nhiên nấm Trung Quốc siêu rẻ, bảo quản siêu lâu

Thứ Năm 06/06/2019 , 15:30 (GMT+7)

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu (NK) một lượng rất lớn nấm các loại, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc. Những loại nấm NK từ Trung Quốc, có giá chỉ bằng 50 - 70% so với cùng chủng loại SX tại Việt Nam, có thời gian bảo quản được công bố có thể kéo dài từ 30 - 45 ngày, lâu gấp 3 - 6 lần so với sản phẩm cùng chủng loại có cùng điều kiện bảo quản được SX trong nước.

Nấm công nghiệp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường

Theo tổng hợp không chính thức của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp), hiện nay tại Việt Nam có khoảng 15 - 16 loại nấm ăn thông dụng trên thị trường.

La liệt nấm Trung Quốc NK về các chợ đầu mối tại Hà Nội (Ảnh chụp tại chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm).

Trong đó, có thể tạm chia thành 2 nhóm: Một là nhóm các loại nấm được SX phổ biến tại Việt Nam như nấm rơm, nấm sò, nấm hương, mộc nhĩ... Đây là những loài nấm có thể SX trong điều kiện thời tiết tự nhiên, được nhiều cơ sở, hộ gia đình SX phổ biến trên khắp cả nước với sản lượng hàng năm khoảng 250 nghìn tấn.

Nhóm nấm thứ hai là nhóm các loại nấm không thể (hoặc rất khó) SX trong điều kiện tự nhiên tại Việt Nam như nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm đông cô, nấm thủy tiên (hay còn gọi là nấm ngọc châm, linh chi nâu, linh chi trắng), nấm bạch tuyết (hay gọi là nấm hải sản), nấm mỡ, nấm tuyết... Đây là những loại nấm phải SX công nghiệp trong nhà lạnh, với điều kiện nhiệt độ phải luôn dao động từ 6 - 8 độ C, kèm theo dây chuyền công nghệ nuôi phải chủ động điều tiết các điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, chế độ chăm sóc...

Những năm gần đây, tại Việt Nam cũng đã và đang xuất hiện một số đơn vị, DN đầu tư dây chuyền công nghệ SX nấm trong nhà lạnh với quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng cả nước mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cụ thể ở phía Bắc, hiện chỉ có 2 Cty lớn chuyên SX nấm kim châm và đùi gà tại Hà Nội và Quảng Ninh có sản lượng đáng kể, cùng một số cơ sở SX nấm đùi gà có sản lượng rất nhỏ. Ngoài ra, tại một số nơi tại Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đăk Nông thời gian gần đây cũng chỉ có vài Cty mới thành lập để SX nấm lạnh công nghiệp như nấm mỡ, nấm thủy tiên, kim châm... tuy nhiên sản lượng/ngày gần như không đáng kể.

Theo ước tính, tổng sản lượng các loại nấm công nghiệp, SX trong nhà lạnh công nghiệp tại Việt Nam hiện nay ước chỉ khoảng 15 - 20 tấn/ngày, chiếm chưa tới 20% tổng lượng tiêu thụ của dòng nấm lạnh, SX công nghiệp hiện nay trên thị trường.

Chính vì vậy, các loại nấm thông dụng trên thị trường bán lẻ hiện nay như nấm đùi gà, kim châm, linh chi, bạch tuyết, đông cô, nấm mỡ... chủ yếu vẫn là hàng NK, trong đó áp đảo vẫn là NK từ Trung Quốc.
 

Bảo quản lâu đến... khó hiểu!

Hà Nội, với hàng chục chợ đầu mối nông sản. 3h sáng, chợ đầu mối nông sản Minh Khai (Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm) kẻ mua người bán tấp nập.

Tại đây, có khoảng 2 - 3 đại lí lớn chuyên cung cấp mặt hàng nấm, chủ yếu là dòng nấm lạnh được NK từ Trung Quốc với đủ chủng loại như nấm đùi gà, kim châm, đông cô, linh chi (nấm thủy tiên), bạch tuyết...


Các loại nấm Trung Quốc NK như nấm linh chi, nấm bạch tuyết vẫn giữ nguyên màu sắc, hình dạng.

Một chủ đại lí có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh mặt hàng nấm NK tại chợ đầu mối Minh Khai, có hẳn cả kho lạnh tại chợ này cho biết: Ngoài kho lạnh tại chợ đầu mối Minh Khai, anh còn có một kho lạnh khác phân phối nấm tại quận Hà Đông.

Hiện mỗi ngày, mỗi kho lạnh của anh nhập về khoảng 1 tấn nấm tươi các loại, sau đó phân phối tỏa ra cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ khác. Việc cung cấp nấm cho các đại lý tại các chợ đầu mối tại Hà Nội, đã có các Cty chuyên NK nấm từ Trung Quốc, có kho lạnh dự trữ hàng rất lớn tại các khu vực lân cận Hà Nội, trong đó chủ yếu tại khu vực chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đảm nhận, khi cần chỉ cần alô thì bao nhiêu cũng có.

Vị này cũng tiết lộ, hiện nay, các loại nấm SX công nghiệp phổ biến trên thị trường Việt Nam như nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm mỡ đã có một số Cty trong nước SX, nhưng bên cạnh số lượng rất ít, giá bán quá cao so với giá nấm NK Trung Quốc, thì vấn đề thời gian bảo quản cũng là điều mà các nhà phân phối và các thương lái bán lẻ không mặn mà với hàng nội địa.

Cụ thể, thời gian bảo quản của nấm SX nội địa thường chỉ dao động từ 7 - 10 ngày, trong khi nấm Trung Quốc NK thường cho phép dao động tới... 30 - 45 ngày!

PV NNVN đã mua một số mẫu nấm được bán tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liên) cũng như tại một số chợ bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội. Cụ thể, mẫu nấm kim châm nhãn hiệu Gaoron, xuất xứ Trung Quốc, đóng túi 200g, do Cty TNHH Lợi Hào Gia (địa chỉ tại quận Thủ Đức, TP.HCM) nhập khẩu và phân phối, có ghi hạn sử dụng sản phẩm lên tới 45 ngày kể từ ngày sản xuất (với điều kiện nhiệt độ bảo quản từ 1 - 5 độ C).

Mẫu nấm đông cô tươi (đóng gói 175g), cũng do Cty TNHH Lợi Hào Gia nhập khẩu và phân phối, có hạn sử dụng 30 ngày kể từ ngày SX (bảo quản từ 1 - 5 độ C). Mẫu sản phẩm nấm đùi gà non (loại đóng gói 200g), cũng do Cty trên nhập khẩu và phân phối, do PV NNVN mua tại một số quầy bán lẻ tại chợ Long Biên, ghi rõ hạn sử dụng 30 ngày kể từ ngày SX (bảo quản ở nhiệt độ từ 1 - 5 độ C)...

[video] Cận cảnh nấm Trung Quốc nhập khẩu bảo quản "siêu dài ngày" 

Sản phẩm nấm kim châm khác có ghi trên bao bì “Product of China” (sản phẩm của Trung Quốc), đóng túi 200g, do Cty TNHH Dịch vụ XNK Tân Hoàng Minh (Long Biên, Hà Nội) nhập khẩu và phân phối, có ghi trên bao bì hạn sử dụng 45 ngày kể từ ngày sản xuất, trong điều kiện bao gói, bảo quản từ 1 - 5 độ C.

Tương tự, mẫu sản phẩm nấm bạch tuyết (loại đóng gói 150g), xuất xứ Trung Quốc, do Cty TNHH Lợi Hào Gia nhập khẩu và phân phối, cũng có thời hạn sử dụng 45 ngày kể từ ngày SX...

Chúng tôi đã đem đối chiếu với một số sản phẩm nấm cùng chủng loại do một số đơn vị tại Việt Nam SX và cho thấy, thời gian bảo quản của các loại nấm NK từ Trung Quốc là cách xa một trời một vực.

Cụ thể, sản phẩm nấm đùi gà của Cty Cổ phần Nấm Việt, xuất xứ Việt Nam (đóng gói 200g, sơ chế đóng gói tại số 31/169 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) hiện được bán tại một số hệ thống siêu thị tại Hà Nội, mẫu bao bì sản phẩm ghi ngày SX 31/5/2019; hạn sử dụng 7/6/2019, bảo quản nhiệt độ từ 1 đến 7 độ C. Như vậy, sản phẩm “nấm nội” này chỉ có thời gian bảo quản 7 ngày.

Sản phẩm “nấm nội” khác là nấm đùi gà nhãn hiệu Nấm Lý Tưởng (sơ chế, đóng gói và phân phối: Cty TNHH Hai TV Thực phẩm Lý Tưởng Việt Nam), có hạn sử dụng chỉ 10 ngày (mẫu sản phẩm ghi ngày đóng gói 4/6/2019, hạn sử dụng 15/6/2019), điều kiện bảo quản ngăn mát tủ lạnh... Một số sản phẩm nấm khác như nấm hải sản, nấm ngọc châm... cũng do đơn vị này phân phối, cũng chỉ có thời gian bảo quản 10 ngày.

Khác với các loại nấm Trung Quốc NK chủ yếu “tung hoành” tại thị trường chợ dân sinh, rảo quanh một số hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, dễ nhận thấy là các mặt hàng nấm được bày bán, chỉ có xuất xứ tại Việt Nam chứ không hề thấy bóng dáng của nấm Trung Quốc nhập khẩu. Theo đó, đa số các loại nấm có xuất xứ Việt Nam, đều chỉ ghi hạn sử dụng phổ biến từ 7 - 10 ngày.

PV NNVN đã thử nghiệm để một số loại nấm NK từ Trung Quốc mua được trên thị trường để trong điều kiện môi trường nhiệt độ phòng bình thường (không bảo quản tủ lạnh).

ThS Vũ Mạnh Nhật (trong ảnh) cho biết: Nấm, đặc biệt là nấm ưa lạnh, SX công nghiệp, chỉ có thể bảo quản, sử dụng tốt nhất trong vòng dưới 7 ngày.

Kết quả cho thấy, một số loại nấm NK từ Trung Quốc như linh chi trắng, linh chi nâu, nấm thủy tiên... gần như không thay đổi màu sắc, hình dạng sau 3 ngày. Thậm chí sau một tuần, cây nấm vẫn giữ được hình dạng, màu sắc trắng tươi, cắt cây nấm, phía trong vẫn giữ được màu trắng tự nhiên (mặc dù cây nấm rất xốp, nhẹ).

Theo ThS Vũ Mạnh Nhật, Trưởng phòng Chuyển giao Công nghệ (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm – Viện Di truyền nông nghiệp): Các loại nấm như đùi gà, kim châm, linh chi, thủy tiên.... đều phải SX công nghiệp trong điều kiện nhiệt độ lạnh từ 6-8 độ C. Bên cạnh đó, nấm là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, vì vậy sau khi thu hoạch, đóng gói, phải bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thấp, trung bình phải từ 3 đến 6 độ C.

Với điều kiện bảo quản này, các nghiên cứu cho thấy hiện các loại nấm ưa lạnh, SX công nghiệp tại Việt Nam hầu hết chỉ có thể bảo quản tốt nhất được trung bình dưới 7 ngày, cao nhất tới 10 ngày. Với điều kiện để trong môi trường tự nhiên (không bảo quản lạnh), chỉ sau 2-3 ngày, nấm đã bị hỏng, thâm, thối rữa.

“Ngay cả các dòng nấm SX tự nhiên tại Việt Nam như nấm sò, nấm rơm..., các cơ sở SX cũng đều khuyến cáo chỉ nên sử dụng sớm nhất trong ngày, nếu bảo quản kho lạnh thì cũng chỉ dưới 7 ngày. Nếu bảo quản không đúng cách hoặc quá dài, không chỉ nấm sẽ bị suy giảm về chất lượng, mà còn có nguy cơ nhiễm các bấm mốc có hại rất nguy hiểm” – ThS Vũ Mạnh Nhật khẳng định.

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm