Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi lắng nghe và đánh giá về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ. Số vụ vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế đã tăng 25,19% so với năm trước.
Cụ thể, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ 1/10/2019 đến 31/7/202, lực lượng chức năng đã khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can, trong đó có 228 vụ án với 492 bị can phạm tội về tham nhũng và 23 vụ án với 158 bị can phạm tội về chức vụ.
Bộ Công an nhận định, hành vi tham nhũng chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm và nhạy cảm.
Thủ đoạn thường gặp là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội.
Kế tiếp là những hành vi thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước để trục lợi, làm thất thoát công sản.
Khi đã xác minh được đường đi lắt léo của tội phạm tham nhũng thì biện pháp hữu hiệu là tạo dựng những rào cản để ngăn chặn hành vi gây án.
Tuy nhiên, Bộ Công an cảnh báo về nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia và một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, tham nhũng đang có những biến tướng phức tạp hơn, đòi hỏi sự quyết tâm của cả xã hội mới mong giảm thiểu tiêu cực tác động xấu đến đời sống cộng đồng.
Chúng ta vẫn loay hoay đối phó “tham nhũng vặt”, thì làm sao trấn áp “tham nhũng xuyên quốc gia”? Câu trả lời vẫn là sự minh bạch. Từ các chính sách cho đến các dự án, đều phải có sự minh bạch, thì tai mắt của nhân dân mới có thể hỗ trợ lực lượng chức năng đấu tranh và tiêu diệt tội phạm tham nhũng.
Nhìn trên tổng thể, tham nhũng giống như một thứ siêu trộm cắp, không thể là sự manh động tùy hứng nhất thời và càng không thể thực hiện riêng lẻ cá nhân. Tham nhũng hình thành trên “lợi ích nhóm” và tham nhũng tồn tại theo “lợi ích nhóm”.
Do đó, phương pháp thanh trừng tham nhũng nên làm đúng như lời dạy của ông bà “đánh rắn phải đánh dập đầu”. Đơn vị nào có dấu hiệu tham nhũng, thì trách nhiệm quy về người lãnh đạo cao nhất. Bởi lẽ, “thượng bất chính, hạ tất loạn”, cấp trên nghiêm ngắn thì cấp dưới sẽ đàng hoàng.
Khi hành vi tham nhũng thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nghĩa là một dòng ngoại tệ được gom góp từ nguồn lực dân tộc sẽ chảy ra khỏi biên giới.
Thị trường ngoại tệ trong nước thời gian qua đã được giám sát khá tốt, chính là cơ sở để tăng cường kiểm tra các phi vụ “đầu tư quốc tế” trá hình nhằm biển thủ ngoại tệ của quốc gia.
Mặt khác, cũng đã đến lúc Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước, để sẵn sàng truy nã và dẫn độ tội phạm tham nhũng.