| Hotline: 0983.970.780

Ngang nhiên chích điện tật diện cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Thứ Sáu 05/04/2024 , 09:02 (GMT+7)

TP.HCM Sau một thời gian vắng bóng, nhiều đối tượng 'cá tặc' lại ngang nhiên chích điện, thả lưới bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giữa ban ngày.

Tận diệt môi trường sinh thái

Liên tiếp trong hai ngày từ 2/4 - 3/4, nhiều đối tượng đã chạy xuồng trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận: 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình) để đánh bắt cá. Đáng nói, chúng có phần liều lĩnh hơn, sẵn sàng phản kháng lại những người dân có ý định ngăn cản.

Đối tượng ngang nhiên quăng lưới bắt cá trái phép trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào chiều 2/4. Ảnh: Lê Bình.

Đối tượng ngang nhiên quăng lưới bắt cá trái phép trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào chiều 2/4. Ảnh: Lê Bình.

Cụ thể, giữa trưa 2/4, khi đang di chuyển trên đường Trường Sa (hướng từ Quận 1 về Quận Tân Bình), phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam phát hiện đối tượng “cá tặc” đang giăng lưới, bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vị trí phát hiện là ở đoạn kênh ngay dưới chân Cầu Bông, tại phường Tân Định, quận 1. Nhiều con cá có trọng lượng từ 0,5 - 1,5kg bị đối tượng này bắt lên xuồng.

Khi bị xua đuổi, đối tượng đã lớn tiếng chửi phóng viên và dùng một vật có sẵn trên ghe để ném về phía phóng viên. Đối tượng này tiếp tục kéo lưới như chưa có chuyện gì xảy ra.

Chứng kiến vụ việc, ông Nguyễn Văn Đỉnh (72 tuổi) đang ngồi bên bờ kênh chỉ lắc đầu ngao ngán: “Ngày nào chẳng thế, nhắc tụi này có được đâu. Có hôm chúng chích điện, kéo lưới cả vài chục kg là chuyện thường”.

Phải nhờ đến sự giúp đỡ của công an phường Tân Định, đối tượng 'cá tặc' mới chịu bỏ đi. Ảnh: Lê Bình.

Phải nhờ đến sự giúp đỡ của công an phường Tân Định, đối tượng "cá tặc" mới chịu bỏ đi. Ảnh: Lê Bình.

Phóng viên liền phản ánh tình trạng trên tới Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM. Đồng thời, để kịp ngăn chặn tình hình, chúng tôi tìm đến sự giúp đỡ của công an phường Tân Định (quận 1) đang giải quyết công việc gần đó. Rất nhanh, Trung úy Nguyễn Thanh Tùng có mặt, xua đuổi đối tượng. Lập tức, đối tượng bắt vội con cá, cắt lưới đang kéo dở để bỏ chạy.

Có mặt tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào sáng 3/4, chúng tôi tiếp tục bắt gặp đối tượng dùng chích điện để bắt cá. Trong khoảng 10 phút theo dõi, không dưới 100 con cá lớn nhỏ bị đối tượng này chích điện, tận diệt. Bị truy hô, đối tượng này liền gọi báo cho đối tượng khác để cùng bỏ chạy. Nhiều con cá không được đối tượng vớt kịp, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Đuổi theo các đối tượng, phóng viên phát hiện xuồng được đậu tại khu vực chân Cầu Bản, rạch Cầu Bông (thuộc địa bàn phường 2, quận Bình Thạnh). Dụng cụ hành nghề, cá được đối tượng dọn sạch, không còn chứng cứ. Đại diện Chi cục Thủy sản TP.HCM  cũng có mặt tại đây nhưng đành bất lực do không bắt được tại chỗ.

Đối tượng này sử dụng chích điện để tận diệt cá nhiều kích cỡ khác nhau. Ảnh: Lê Bình.

Đối tượng này sử dụng chích điện để tận diệt cá nhiều kích cỡ khác nhau. Ảnh: Lê Bình.

Vấn nạn những đối tượng sắm “đồ nghề”, dùng vỏ lãi đi dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè  để chích điện, tận diệt cá là vấn đề không còn xa lạ. Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở, ngành, UBND các quận nên tình trạng tận diệt cá này đã giảm đi đáng kể.

Thế nhưng, thay vì lén lút hoạt động như trước đây, giờ những đối tượng này ngang nhiên đánh bắt cá giữa thanh thiên bạch nhật. Thậm chí, có những thời điểm, chúng dàn hàng ngang, tận diệt cá như chốn không người!

Chưa đủ sức răn đe

Hằng năm, nhiều tổ chức nhà nước và cá nhân đã tổ chức các đợt thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và góp phần “xanh hóa” Thành phố. Thế nhưng, dù hai bên bờ tuyến kênh đã treo bảng cấm và nêu cụ thể mức xử phạt nhưng người dân vẫn phớt lờ. Đặc biệt, lợi dụng những đợt nước cạn, những đối tượng này lại “tung” đội ghe xuồng để dàn hàng ngang chích điện cá. Ngoài việc chích điện, kéo lưới thì hai bên bờ kênh vẫn còn nhiều người vẫn câu cá bất kể thời gian nào.

Dù hai bên bờ kênh đã có những biển cấm nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, ngang nhiên đánh bắt, tận diệt cá. Ảnh: Lê Bình.

Dù hai bên bờ kênh đã có những biển cấm nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, ngang nhiên đánh bắt, tận diệt cá. Ảnh: Lê Bình.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT TP.HCM đã có những văn bản yêu cầu phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chích điện tận diệt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến sông Sài Gòn và các tuyến sông, rạch trên địa bàn Thành phố.

"Sở NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt tất cả các trường hợp khai thác thủy sản trái phép", ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM bày tỏ.

Chi cục Thủy sản TP.HCM vẫn thường xuyên tăng cường những đợt kiểm tra để kịp thời phát hiện, bắt và xử phạt những đối tượng “cá tặc” này. Cụ thể trong năm 2023, Chi cục đã phối hợp với cảnh sát đường thủy kiểm tra 6 đợt với 37 lượt phương tiện khai thác thủy sản.

“Chúng tôi đã phát hiện 5 trường hợp vi phạm về hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản và xử phạt với tổng số tiền là 20 triệu đồng”, ông Vũ Đình Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM thông tin.

Số cá thu được của những đối tượng sau mỗi lần 'hành nghề' trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Lê Bình.

Số cá thu được của những đối tượng sau mỗi lần "hành nghề" trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Lê Bình.

Cũng theo ông Hiển, có rất nhiều đối tượng lặp lại hành vi chích điện, bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Các đối tượng bị bắt, xử phạt xong lại tiếp tục quay lại nghề cũ, vì việc bắt cá dưới kênh đem lại thu nhập lớn. Chỉ cần đi vài chuyến trót lọt, đối tượng đã ‘huề vốn’ so với số tiền bị phạt.

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt về hành vi chích điện bắt cá vào khoảng 4 triệu đồng, tịch thu dụng cụ chích điện. Nếu vi phạm nhiều lần cũng chỉ áp dụng biện pháp xử phạt lên... 5 triệu đồng. Với mức xử phạt thế này, nhiều người cho rằng chưa đủ sức răn đe.

Ông Lại Thế Hưng (68 tuổi, phường Tân Định, quận 1) cho rằng cần có những chế tài mạnh hơn để tạo sức răn đe cho những đối tượng này. Lợi nhuận cao mà xử phạt thấp sẽ tạo tâm lý cho nhiều đối tượng coi thường quy định pháp luật. “Tôi nghĩ UBND TP.HCM nên nghiên cứu, ban hành những quy định mang tính răn đe hơn, có thể quy vào tội hình sự”, ông Hưng bức xúc.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nhâm (quận Bình Thạnh) cũng đề xuất cần xử lý hình sự đối với các hành vi chích điện, bắt cá trên kênh. Bà Nhâm ý kiến: "Tôi không đồng tình khi chỉ xử phạt hành chính với mức tiền vài trăm nghìn, xong rồi cũng tái phạm y như vậy. Chúng ta không thể xử phạt mà cứ dựa vào giá trị con cá. Cần phải duy trì trật tự ở mức độ cứng rắn hơn".

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình rồi đổ ra sông Sài Gòn. Đây từng là khu vực ô nhiễm ở Thành phố với nhiều nhà ổ chuột, rác thải. Cách đây 13 năm, UBND Thành phố đã quyết định cải tạo nơi này nhằm "thay da đổi thịt" kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tạo điểm nhấn cho TP.HCM. Đây được xem là "dòng kênh đẹp nhất nội đô TP.HCM".

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.