| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi cần chủ động hơn để tăng trưởng bứt phá

Thứ Ba 19/12/2023 , 18:31 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi, các đơn vị cần có sự chủ động phối hợp, không ngồi chờ để đưa ngành chăn nuôi vượt khó, phát triển bứt phá hơn.

Chiều 19/12, Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chăn nuôi vượt khó

Theo Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi năm 2023 tiếp tục vượt khó khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Số lượng, quy mô và giá trị các ngành hàng chăn nuôi đều gia tăng.

Cụ thể, chăn nuôi trâu, bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm (từ thời điểm tháng 6 đến nay đã có khoảng 6 đợt giảm giá) nhưng chưa đáng kể, vẫn ở mức cao; chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành chăn nuôi 'cần chủ động, không ngồi chờ' để có sự bứt phá hơn trong năm tới. Ảnh: K.Trung.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành chăn nuôi "cần chủ động, không ngồi chờ" để có sự bứt phá hơn trong năm tới. Ảnh: K.Trung.

Tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2023 tăng khoảng 4,0%; đàn gia cầm tăng khoảng 3,0%; đàn bò tăng khoảng 0,6%; riêng đàn trâu giảm 1,0% so với cùng thời điểm năm 2022.

Số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi cho thấy, tổng đàn lợn ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%. Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại). Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022), giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) chính đều giảm so với năm 2022, cụ thể: ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); ngô lên men (DDGS) 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%). Tuy nhiên, so với năm 2022 giá các nguyên liệu chính trong năm 2023 vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19. 

Mặc dù giá nguyên liệu TACN trung bình cả năm 2023 giảm so với năm 2022, nhưng giá TACN hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7 - 3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do giá TACN hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023 đến nay. 

Số liệu thống kê các tháng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại cho thấy giá lợn hơi năm 2022 và 2023 khá đồng nhất về xu hướng biến động theo tháng kể từ tháng 3 và giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn giá năm 2022 (ngoại trừ tháng 6). 

Hiện nay, mức giá lợn hơi của Việt Nam tương đương giá lợn hơi tại Thái Lan nhưng thấp hơn Trung Quốc từ 1 - 3 nghìn đồng/kg và cao hơn giá tại Campuchia khoảng 5 - 8 nghìn đồng/kg. Mức giá lợn tại Việt Nam cao hơn giá lợn hơi xuất chuồng tại một số nước xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vào thị trường Việt Nam.

Giá lợn giống duy trì trong 6 tháng đầu năm dao động 1,1 - 1,3 triệu đồng/con. Thời điểm tháng 7/2023, khi giá lợn hơi xuất chuồng cao nhất năm 2023 thì giá lợn giống trung bình dao động từ 1,25 - 1,6 triệu đồng/con tùy thuộc vào biểu cân và vùng miền. Hiện nay, giá lợn giống công ty dao động từ 1,4 - 1,65 triệu đồng/con; trong khi giá lợn giống trong dân 1,2 - 1,55 triệu đồng/con (biểu 6 - 7 kg/con), miền Bắc giá cao hơn miền Nam từ 100 đến 300 nghìn đồng/con.

Chủ động để chăn nuôi tăng trưởng bứt phá

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi trong năm 2024 tiếp tục có những thay đổi để vượt khó, bứt phá, đạt được các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2023 của ngành chăn nuôi, sự tăng trưởng về số lượng, giá trị kinh tế của các đàn vật nuôi, đặc biệt là công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường cho ngành chăn nuôi phát triển.

“Sản lượng tăng trưởng trong lúc khó khăn, tổng cung tổng cầu thay đổi vẫn tăng trưởng, khả năng tiêu thụ thấp nhưng vẫn tăng trưởng cao, đó là bài toán khó đặt ra cho ngành chăn nuôi. Phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phải có sự chủ động, không được tâm lý ngồi chờ. “Các đơn vị cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt phải chủ động tổ chức sản xuất, không được ngồi chờ. Bộ đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước cho rồi thì không được làm đối phó, nửa vời, phải làm thực chất, có kết quả, hiệu quả. Lĩnh vực khoa học công nghệ, giống gốc, chương trình giống… các đơn vị được giao nhiệm vụ phải thay mặt Bộ để thẩm định, kiểm soát chặt chẽ vấn đề về giống. Các đề nghiên cứu khoa học còn nợ, chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu đề ra phải đẩy nhanh tiến độ vì sắp hết thời hạn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: 'Ngành chăn nuôi có 4 điểm sáng, 3 điểm tối cần khắc phục'. Ảnh: K.Trung.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: "Ngành chăn nuôi có 4 điểm sáng, 3 điểm tối cần khắc phục". Ảnh: K.Trung.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị Cục Thú y, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Viện Chăn nuôi… tham dự, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành chăn nuôi trong năm 2023, đồng thới khuyến nghị các cơ chế phối hợp trong năm tới.

"Chăn nuôi năm qua phát triển tốt. Cục đã chỉ đạo hình thành vùng chăn nuôi tập trung và chăn nuôi công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã chuyển sang chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn giảm giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi… Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đó là tại các địa phương hình thành vùng chăn nuôi tập trung, Cục Chăn nuôi cần có phương án phòng dịch để không bị lây nhiễm chéo từ trang trại này sang trang trại khác", đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi nói.

4 điểm sáng, 3 điểm tối 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhận định ngành chăn nuôi năm 2023 có 4 điểm sáng. Mặc dù khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, nhiều ngành hàng tăng trưởng dương; xu thế chăn nuôi quy mô lớn và công nghệ cao ngày càng phát triển; mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng tỷ lệ xuất khẩu tăng trưởng cao; đã kiểm soát khá tốt một số dịch bệnh, đặc biệt là gia cầm.

Tuy nhiên, 3 “điểm tối” còn tồn tại, theo ông Sơn, đó là mặc dù tăng trưởng đầu con nhưng giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của một số ngành hàng khá thấp, thậm chí nhiều con nuôi còn lỗ. Giá thịt hơi tăng cao hơn so với năm 2022; có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

"Cục Chăn nuôi cần có phương án điều tiết như thế nào để tất cả cùng đi một con đường, chứ không chỉ vài năm tới chỉ còn các doanh nghiệp FDI kiểm soát. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của ngành chăn nuôi đang có vấn đề và bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều lĩnh vực chưa chọn đúng điểm rơi nên chưa kiểm soát được giá thành sản phẩm ngành chăn nuôi. Chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn, giá thành đạt xấp xỉ mức giá trên thế giới”, ông Sơn nói.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất