| Hotline: 0983.970.780

Quản lý chặt chăn nuôi dê, tạo nguồn cung chất lượng phục vụ du lịch

Thứ Hai 18/12/2023 , 21:13 (GMT+7)

NINH BÌNH Để có sản phẩm thịt dê chất lượng phục vụ khách du lịch, các hộ nuôi phải quản lý chặt chẽ tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, phòng, chống dịch bệnh…

Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn như Danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… mà còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như khu di tích, lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm… Đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển du lịch.

Chăn nuôi dê được xem là hoạt động vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa tạo nên nguyên liệu cho món ăn hấp dẫn, giữ chân khách du lịch khi đến với Ninh Bình. Ảnh: Trung Quân.

Chăn nuôi dê được xem là hoạt động vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa tạo nên nguyên liệu cho món ăn hấp dẫn, giữ chân khách du lịch khi đến với Ninh Bình. Ảnh: Trung Quân.

Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Ninh Bình không ngừng tăng lên. Nắm bắt cơ hội này, người dân nơi đây đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường; tạo ra các sản phẩm đặc sản phục vụ du khách.

Trong đó, chăn nuôi dê được xem là hoạt động vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa tạo nên nguyên liệu cho món ăn hấp dẫn bậc nhất, giữ chân khách du lịch khi đến với Ninh Bình.

Tìm về xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình), nơi có phần lớn diện tích Khu du lịch cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn.

Với lợi thế địa hình nhiều đồi núi, từ lâu đời, người dân đã gắn bó với nghề chăn nuôi dê thả đồi. Khi hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, phong trào chăn nuôi dê cũng trở nên sôi động hơn.

Ông Nguyễn Huy Phương, thôn Tràng An, xã Trường Yên (gia đình có 3 đời gắn bó với nghề nuôi dê) chia sẻ, trước đây khi hoạt động du lịch chưa được đẩy mạnh, người dân trong vùng chủ yếu chăn nuôi dê nhỏ lẻ (mỗi gia đình một vài con) và bán cho thương lái với giá cả bấp bênh.

Sau đó, ông cùng một số hộ đã chuyển hướng chăn nuôi dê lấy sữa nhưng nhu cầu của thị trường không cao nên dự định cũng đành dang dở.

Theo ông Nguyễn Huy Phương, thôn Tràng An, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình), chăn nuôi dê để phục vụ du lịch thì việc giữ uy tín, thương hiệu phải được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Huy Phương, thôn Tràng An, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình), chăn nuôi dê để phục vụ du lịch thì việc giữ uy tín, thương hiệu phải được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Quân.

Khi hoạt động du lịch sôi động, người dân quay trở lại chăn nuôi dê thịt với quy mô lớn hơn, phục vụ trực tiếp cho khách du lịch, nên việc tiêu thụ, giá bán dê và lợi nhuận của người dân luôn ổn định ở mức cao.

“Nuôi dê kết hợp du lịch giúp các hộ tạo được một vòng khép kín, thuận lợi quản lý chất lượng sản phẩm, tận thu được tất cả các phí dịch vụ từ dê, gia tăng thêm thu nhập”, ông Phương đánh giá.

Theo ông Phương, dê Tràng An nuôi thả đồi nên nguồn thức ăn hoàn toàn là lá cây tự nhiên. Những hôm mưa rét không chăn thả mới cho ăn bổ sung thêm ngô hạt, điều này giúp thịt dê luôn được đảm bảo về chất lượng, săn chắc, thơm ngon.

Thông thường, khách du lịch sẽ trực tiếp thăm đàn, chọn con dê mình mong muốn, chủ nuôi sẽ đưa về xẻ thịt. Những khách ở xa, thịt dê được đóng gói cẩn thận gửi đến tận nơi.

Với giá dê hơi luôn ổn định ở mức 200.000- 220.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí người nuôi có thu nhập tương đối cao. Riêng gia đình ông, thời điểm đông khách trung bình xẻ thịt 4-5 con/ngày (ngày thường 1-2 con). Sau khi trừ hết các chi phí ông thu về khoảng 400-700 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, khách du lịch rất tinh tế, chỉ cần một lần thưởng thức thịt dê kém chất lượng sẽ không bao giờ quay trở lại. Do đó, các hộ nuôi dê phải luôn sát sao với đàn, quản lý chặt chẽ con giống (thường chọn con giống có yếu tố lai nhưng không lai tạo quá nhiều.

Con đực làm giống sau 7-8 năm phải thay), thức ăn, dịch bệnh, đảm bảo đàn dê sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, dê đưa vào xẻ thịt phục vụ cho du khách phải đảm bảo thời gian nuôi ít nhất 7 tháng.

Hiện, không ít hộ kinh doanh đang nhập dê nuôi công nghiệp về dán mác dê Ninh Bình bán cho khách du lịch, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu mà nhiều thế hệ người dân đã dày công xây dựng. Ảnh: Trung Quân.

Hiện, không ít hộ kinh doanh đang nhập dê nuôi công nghiệp về dán mác dê Ninh Bình bán cho khách du lịch, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu mà nhiều thế hệ người dân đã dày công xây dựng. Ảnh: Trung Quân.

“Xác định chăn nuôi để phục vụ du lịch thì việc giữ uy tín, thương hiệu phải được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, thương hiệu dê Ninh Bình đang bị một số hộ kinh doanh chỉ quan tâm tới lợi nhuận đánh cắp khi nhập dê nuôi công nghiệp ở khắp nơi về dán mác dê núi Ninh Bình bán cho khách du lịch.

Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu dê đặc sản mà nhiều thế hệ người dân đã dày công xây dựng. Nguy hại hơn, làm giảm niềm tin và sức hấp đối với khách du lịch khi đến Ninh Bình”, ông Phương trăn trở.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.