Không có gia súc, gia cầm bệnh
Những ngày vừa qua, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước liên tục phối hợp với các xã, phường tổ chức khảo sát, kiểm tra công tác thực hiện vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đây là kế hoạch đã được lên và thực hiện từ đầu năm.
Theo chân đoàn kiểm tra, chúng tôi đến gia đình bà Hoàng Thị Định, ở ấp ruộng 3, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành, nơi đang có đàn trâu gần 100 con. Bà Định cho biết, đàn trâu của gia đình bà ban đầu chỉ có gần 2 chục con, sau mấy năm nuôi tốt, đàn trâu khoẻ mạnh, và tăng đàn đều đều theo từng năm.
Theo kinh nghiệm của bà Định, để đàn trâu phát triển khỏe mạnh, việc phòng, chống dịch bệnh luôn được gia đình đặt lên hàng đầu và tuân thủ đúng quy trình. Kiểm soát quá trình chăn nuôi từ khâu nguồn thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Với quy mô đàn trâu như trên, trung bình một năm gia đình bà Định có thu nhập hơn 300 triệu đồng.
“Trâu dễ nuôi thôi, nhưng không phải vì thế mà không cần biết kiến thức chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật. Nhất là bệnh lở mồm long móng. Tôi nuôi trâu từ hơn chục năm nay, ban đầu cũng không hiểu biết nhiều, nhưng nhờ được cán bộ thú y, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Chơn Thành khi đó quan tâm, đến hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng ngừa bệnh tật nên đàn trâu ngày càng phát triển, không xảy ra bệnh tật gì.
Bây giờ, tôi nghĩ mình đã có kinh nghiệm rồi. Muốn đàn trâu khỏe mạnh, ngoài cho chúng ăn no, mình phải tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên khử trùng chuồng trại. Để phòng ngừa bệnh tật cho đàn trâu, tôi để ý từng con, con nào không khoẻ, có dấu hiệu bệnh, nhìn là biết ngay. Khi đó, phải tách con đó ra khỏi đàn, chăm sóc riêng và gọi cán bộ thú y đến khám, chích thuốc cho chúng để không lây cho những con khác”, bà Định nói.
Rời nhà nhà Định, chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Trọng Thanh, ở ấp 6, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, hiện đang nuôi hơn 500 con gà thả vườn giống Minh Dư. Anh Thanh là một trong những người có khá nhiều kinh nghiệm trong phòng bệnh cho gà, và lâu nay anh vẫn kết hợp “đông - tây y” trong phòng ngừa dịch bệnh. Tức ngoài việc tiêm vacxin, anh còn kết hợp nuôi bằng một số loại thảo dược như tỏi, xả.
“Tôi chỉ tiêm vacxin 1 lần cho gà con lúc đang úm. Sau đó không tiêm nữa, mà chỉ dùng nước tỏi. Quan trọng nhất là phải có kinh nghiệm, nhìn gà rũ đầu là biết nó bị gì, nhìn phân, ngửi mùi là biết chúng bị đường ruột. Mà nước tỏi, xả phòng mấy bệnh thông thường như cúm, hen, đường ruột rất hiệu quả. Tôi nghiền nhuyễn tỏi rồi pha vào nước uống, hoặc trộn thức ăn cho gà.
Ngoài ra, pha nước tỏi phun xịt lên đàn gà, xịt khử trùng chuồng trại còn trị được bệnh nhiễm ve trên gà. Nhưng cái gì cũng cần kinh nghiệm, dùng dúng liều lượng chứ không làm bừa, ví dụ pha tỏi nghiền vào nước cho gà uống thì 1 lít nước chỉ pha 1 tép tỏi thôi”, anh Thanh cho biết.
Theo anh Thanh, để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải an toàn dịch bệnh. Vì thế, ngoài các khâu phòng trị bệnh cho gà bằng vacxin và chế phẩm sinh học, khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng. Đồng thời, phải hiểu tập tính, lượng ăn của gà để cho ăn đúng, theo dõi sát sao, thấy chúng có biểu hiện lạ, hay không khoẻ, ăn ít, dấu hiệu bệnh là phải xử lý ngay để tránh lây lan rộng.
Nhờ có kiến thức, kinh nghiệm, lại được tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi an toàn theo định kỳ của cán bộ thú y thị xã, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Chơn Thành mà nhiều năm nay, đàn gà của anh Thành luôn an toàn, nhanh lớn. Ngoài ra, do đàn gà ít dùng kháng sinh nên thịt gà cho chất lượng cao, thương lái rất thích.
“Đàn gà của gia đình tôi nuôi 4 tháng là đạt trọng lượng trung bình hơn 2 kg/con. Do chất lượng thịt ổn định, trọng lượng đều nên tôi chỉ cần gọi báo là thương lái họ đến lấy hết với giá 100.000 đồng/kg chứ ít khi tôi phải mang ra chợ hoặc để đàn gà quá lứa. Cao điểm như lễ, tết, giá tăng cao hơn, lên từ 110.000 - 120.000 đồng/kg”, anh Thanh nói.
Tiếp tục xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Ở Chơn Thành, anh Tô Quốc Tú, ở Phường Minh Long, được coi là “trùm” nuôi gà. Bởi ngoài thâm niên gần 2 chục năm nuôi, anh còn là một “chuyên gia” trong việc phòng và chữa bệnh cho gà. Hiện nay, ngoài 2 trang trại gà gia công, Tú còn có trại gà Minh dư hơn 10.000 ngàn con nuôi trên đệm lót sinh học, vỏ trấu, chuồng không chỉ sạch, mà còn không có mùi hôi.
Điều tôi ấn tượng về Tú là kinh nghiệm, kỹ thuật về chăn nuôi gà của anh không thua gì một chuyên gia trong ngành, mặc dù Tú không qua trường lớp gì. Chính vì thế, ngoài chăn nuôi giỏi, Tú còn liên kết với khá nhiều hộ chăn nuôi khác ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, để tư vấn cho họ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi gà chi phí thấp.
“Bình quân một con gà gia công, nuôi trong vòng 40-42 ngày, lợi nhuận 2 ngàn đồng/con. Công ty đưa ra tỷ lệ hao hụt là 4-5%, nhưng trại gà của tôi thường chỉ hao hụt từ 1-2%, có lứa còn hao hụt dưới 1%”, Tú nói.
Trong lúc nói chuyện, lâu lại có người gọi điện thoại cho Tú hỏi về tình trạng gà. “Họ nói gà của họ thải phân màu trắng, màu xanh, lỏng, nước nhiều, khác bình thường, là bị gì? Tôi chỉ hỏi gà bao nhiêu ngày tuổi là biết tình trạng gà thế nào. Muốn gà khỏe, lớn nhanh, điều kiện đầu tiên là phải ăn sạch, ở sạch và làm tốt công tác phòng dịch bệnh, nhất là khi xuất chuồng, chuẩn bị lứa mới, phải vệ sinh kỹ chuồng trại”.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Chơn Thành, cho biết, hàng năm, đơn vị vẫn chủ động tham mưu cho UBND thị xã xây dựng và triển khai các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên toàn địa bàn. Đồng thời duy trì mạng lưới thú y đến tận thôn ấp, nhằm phát hiện, xử lý dịch bệnh phát sinh trên địa bàn tránh lây lan trên diện rộng.
Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện quá trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, bắt đầu từ khâu con giống, ngay từ khi nhập con giống đã phải nắm rõ nguồn gốc, con giống khỏe mạnh và sau đó tiêm vacxin khi thả nuôi. Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như là tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; Góp phần xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh trên toàn địa bàn.
Theo ông Tuấn, thị xã Chơn Thành là một trong 6 huyện, thị xã, thành phố được Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm. Các vùng an toàn dịch bệnh này tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, duy trì, kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Đồng thời, Chơn Thành cũng là 1 trong 11 huyện, thị xã của tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu: Xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với các bệnh bệnh Lở mồm long móng trên gia súc và bệnh dịch tả heo cổ điển theo tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng đạt vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn WOAH/OIE.
“Hiện, trên địa bàn thị xã có tổng số 18 trại gà, 66 trại heo và 3.606 con trâu bò. Trong năm 2023, do làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng môi trường và tiêm vacxin phòng bệnh động vật nên tình hình dịch bệnh trên vật nuôi ở địa bàn thị xã cơ bản được kiểm soát. Các loại dịch bệnh như lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại động vật trên gia súc. Đàn gia cầm cũng không xảy ra ổ dịch lớn nhỏ nào”, ông Lê Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.