Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ (CBG) ở tỉnh này đang đối mặt với khó khăn về nguyên liệu. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), năm 1999, số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành CBG trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng vài chục, đến nay đã phát triển hơn 240 DN.
Trong số này, có 115 DN là hội viên của FPA Bình Định. Sản phẩm đồ gỗ của Bình Định hiện đã có mặt trên thị trường của 83 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để phục vụ SX, hàng năm các DN ở Bình Định phải nhập khẩu hơn 200.000m3 gỗ nguyên liệu, chủ yếu là gỗ xẻ và gỗ tròn.
“Hiện nay, các DN trong tỉnh phải nhập khẩu đến 80% gỗ nguyên liệu để SX. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu thì các DN thường gặp phải những rủi ro về chất lượng, chứng nhận nguồn gốc. Đó là chưa kể đến việc các nước XK gỗ nguyên liệu gần đây phải chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định về bảo vệ môi trường. Do đó, giá gỗ nguyên liệu tăng nhanh đã đành, mà nguồn cung cũng bị giảm đáng kể. Nguồn nguyên liệu phập phù khiến cho các DN CBG luôn lo lắng không đủ hàng cung ứng cho đối tác”, ông Thiện chia sẻ.
Trong khi đó, cũng theo ông Thiện, nguồn nguyên liệu trong nước đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế; mối liên kết theo chuỗi giữa người trồng rừng với DN chưa chặt chẽ, nên buộc các DN phải “nương tựa” vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Là “ông lớn” trong ngành CBG XK ở Bình Định, Cty CP Công nghệ gỗ Đại Thành luôn chủ động đặt hàng dài hạn để có nguồn nguyên liệu dự phòng nhằm đảm bảo hoạt động, thế nhưng “ông lớn” này vẫn không thoát khỏi nỗi lo về nguyên liệu. Không ngoại lệ, hiện Cty Đại Thành chỉ sử dụng 20% nguyên liệu gỗ trong nước, 80% còn lại là nhập khẩu.
“Khi đã sử dụng đến 80% gỗ nguyên liệu nhập khẩu thì buộc DN phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và mình luôn vào thế bị động. Do đó, để đảm bảo nguyên liệu, dù trong kho còn gỗ dự trữ nhưng chúng tôi luôn phải đặt hàng trước. Riêng khoản dự trữ gỗ nguyên liệu DN phải “chôn vốn” rất nhiều, khiến chi phí SX tăng cao”, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cty Đại Thành chia sẻ.
Sự bấp bênh về gỗ nguyên liệu đã dẫn đến tình trạng nhiều DN phải từ chối nhiều đơn hàng ngon ăn. Ví như trường hợp của Cty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, DN đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của MasterBrand (Tập đoàn FBHS, Mỹ). Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Cty này cho hay: “Năm 2019 chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhưng do khách hàng yêu cầu hoàn thành quá gấp, trong khi mình chưa chủ động được nguyên liệu nên không thể nhận hết. Mặt khác, chúng tôi đang tập trung chuyển đổi hoạt động, trang bị lại dây chuyền SX, tổ chức đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động, nên không dám ôm đồm nhận hết hợp đồng”.
Trước thực trạng ngành gỗ “đói” nguyên liệu, Bình Định đang xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu của Đề án là phát triển trồng rừng gỗ lớn đến năm 2025 đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu phục vụ ngành chế biến đồ gỗ trong tỉnh; đến năm 2035 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu gỗ nguyên liệu. Đồng thời xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của tỉnh đạt 80 - 90% trữ lượng; trong đó, sản lượng gỗ lớn bình quân đạt tỷ lệ 50 - 60%. Khuyến khích, hỗ trợ các DN liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung…
“Để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, bảo đảm nguồn cung cho cho các DN chế biến đồ gỗ XK, rất cần thiết có sự tham gia của các Cty Lâm nghiệp tại các địa phương, những đơn vị đang quản lý nguồn tài nguyên lớn về đất rừng. Nếu các Cty này được tăng cường nguồn lực để đầu tư vào phát triển rừng, thì chúng ta mới có cơ hội sở hữu những cánh rừng bạt ngàn được xây dựng theo chuỗi, để vừa tăng hiệu quả kinh tế rừng vừa ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ”, ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Cty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt.