| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ Bình Định vững vàng giữa ‘băng giá’ thị trường

Thứ Ba 12/03/2024 , 07:30 (GMT+7)

Khó khăn bủa vây, nên trong năm 2023 kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước giảm 14,3%, ấy vậy nhưng ngành gỗ Bình Định chỉ giảm 2,3%, đây quả là nỗ lực lớn…

Vượt khó ngoạn mục

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong năm 2023, kim ngạch xuất của ngành gỗ Bình Định đạt 925,8 triệu USD, giảm 2,3% so với năm 2022. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam trong năm 2023 giảm đến 16,8 % so với năm 2022, ước đạt trên 14,3 tỷ USD.

Đặc biệt, chỉ đồ gỗ nội thất, ngoại thất và sân vườn của Bình Định có giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm, đạt gần 388 triệu USD, giảm 18,6%; nhưng các loại sản phẩm gỗ khác như: Dăm mảnh, viên nén... đạt 373,4 triệu USD, tăng 21,2%; các sản phẩm từ nhựa đan, giả mây đạt 164,44 triệu USD, tăng 0,7%.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, động viên các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định tham gia trồng rừng gỗ lớn để giảm áp lực về nguyên liệu. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, động viên các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định tham gia trồng rừng gỗ lớn để giảm áp lực về nguyên liệu. Ảnh: V.Đ.T.

“Năm 2023, nhiều thử thách, khó khăn đến với ngành chế biến gỗ, nhưng dù kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gỗ cả nước giảm đến 16,8%, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Định chỉ giảm 2,3%, vẫn đạt gần 926 triệu USD. Đây là thành công lớn, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định. Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp ngành gỗ, còn có sự đồng hành tích cực của lãnh đạo và các ngành liên quan tỉnh Bình Định. Nhờ đó, trong năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen và được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tặng Bằng khen”, ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ.

Để có được thành quả trên, theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, là nhờ nhiều doanh nghiệp ngành gỗ của tỉnh này đã định hình, phát triển ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ nội thất và lâm sản theo chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động như các công ty: Phú Tài, Tiến Đạt, Đại Thành, Hoàng Hưng, Đức Hải, Đức Toàn, Nghĩa Tín, Năng lượng Sinh học Phú Tài, Gia Hân, Hoàng Giang và hơn 130 doanh nghiệp hội viên khác. Nhờ đó đã thu hút nhiều tập đoàn, chuỗi phân phối đồ gỗ, sản phẩm gỗ hàng đầu như: Ashley, Masterbrand Cabinet, Walmart, Target, HomeDepot, Kingfisher, Chenming, Itochu, Enviva… của các thị trường Hoa Kỳ, EU, Anh, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, biểu dương thành tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, biểu dương thành tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

“Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ nội thất của Bình Định giảm mạnh trong 2 quý đầu năm 2023, nhưng sau đó sức mua mạnh dần, đến quý 4 mới phục hồi, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cả năm của nhóm hàng này giảm hơn 18% so với năm 2022. Trong khi nhóm hàng nhựa đan, giả mây giảm mạnh trong 3 quý đầu năm nhưng phục hồi nhanh trong quý 4, nên giúp giữ được mức kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ năm 2022. Các mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ tiếp tục tăng mạnh tại 2 thị trường chính là Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ đó trong năm 2023 ngành gỗ vẫn giữ được mức kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ năm 2022, chiếm khoảng 58% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, tạo việc làm trực tiếp cho gần 30.000 lao động”, ông Lê Minh Thiện minh họa sự thăng trầm của ngành gỗ Bình Định trong năm 2023.

Trong thời gian tới đây, trước tình hình thế giới diễn biến bất ổn, nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu đồ gỗ giảm mạnh tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chính, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tiếp tục bám sát tình hình thực tế của thị trường trong nước và quốc tế, những chuyển động của thị trường giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và nhất là giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu nhằm đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo, định hướng phát triển để khuyến nghị cho các doanh nghiệp ngành gỗ của Bình Định yên tâm sản xuất.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, nhận định trong năm 2024 dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có tín hiệu khởi sắc. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, nhận định trong năm 2024 dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có tín hiệu khởi sắc. Ảnh: V.Đ.T.

Kỳ vọng trong năm mới

Để ngành gỗ trong tỉnh ổn định bền vững, theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, những năm tới đây, Bình Định sẽ ưu tiên thu hút các nhà máy chế biến sâu đồ gỗ.

“Trên lĩnh vực nông nghiệp hiện nay Bình Định đã thu hút được 3 dự án lớn về chế biến sâu, gồm: Nhà máy chế biến rau, củ quả thành tinh bột xuất khẩu; nhà máy chế biến súc sản, 1 phần xuất tươi, 1 phần đóng hộp xuất khẩu và 1 nhà máy chế biến tôm công nghệ cao xuất khẩu. Trong khi đó, Bình Định là 1 trong những địa phương phát triển mạnh ngành chế biến gỗ trên cả nước, thế nhưng mảng chế biến sâu tạo ra sản phẩm hàng hóa để nâng cao chất lượng, giá trị chưa có, nên trong thời gian tới Bình Định sẽ quan tâm thu hút đầu tư mảng này”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ.

Cũng theo ông Thanh, về lĩnh vực lâm nghiệp có liên quan đến ngành gỗ, Bình Định đang tập trung phát triển rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC và chứng chỉ carbon. Giai đoạn 2016-2020, Bình Định đề ra mục tiêu 10.000 ha rừng gỗ lớn, đến nay đã thực hiện được 9.800 ha. Vừa rồi có 1 số doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định tiên phong liên kết với người trồng rừng trong tỉnh chuyển hóa nhiều diện tích rừng gỗ lớn.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã định hình, phát triển ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ nội thất và lâm sản theo chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã định hình, phát triển ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ nội thất và lâm sản theo chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Thanh rất trăn trở khi ngành chế biến gỗ của Bình Định hiện nay còn lệ thuộc nguyên liệu từ nguồn gỗ ngoại nhập đến gần 80%. Đây là 1 trong những “thất thế” của các doanh nghiệp ngành gỗ, vì chi phí mua gỗ nguyên liệu nhập khẩu rất cao, lại bị động, tiềm ẩn nhiều rủi ro làm ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của doanh nghiệp.

“Bình Định có thế mạnh về rừng trồng, chúng tôi mong các doanh nghiệp hợp tác với tỉnh trong chủ trương phát triển rừng gỗ lớn để dần chủ động về nguyên liệu. Tỉnh sẽ tháo gỡ cơ chế để để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành gỗ tham gia phát triển rừng gỗ lớn, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cần làm tốt nhiệm vụ kết nối các doanh nghiệp thành viên để tạo nên sức mạnh để ngành chế biến gỗ của tỉnh ngày càng lớn mạnh”, ông Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ.

Một trong những bức xúc “tăng thêm” trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu hụt đơn hàng trầm trọng, hàng hoá bị tồn kho, nhiều doanh nghiệp bị hoãn, hủy đơn hàng nên sản xuất đình trệ. Thế nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ bị ngành điện phạt hợp đồng khi sử dụng không đủ công suất và sản lượng điện.

Do nhu cầu của thị trường thế giới về mặt hàng đồ gỗ suy giảm, hầu hết các nhà nhà máy chế biến gỗ trên địa bản tỉnh đều mất đơn hàng phải dừng sản xuất, đóng cửa nên không phát sinh tiêu thụ điện năng. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đề nghị ngành điện tỉnh Bình Định xem xét miễn, giảm tiền phạt, nhằm chia sẻ 1 phần gánh nặng chi phí của bạn hàng, đối tác”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, bộc bạch.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, thay mặt Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, thay mặt Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Thiện, năm 2024 ngành chế biến gỗ Bình Định xác định vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn về đơn hàng, về thị trường xuất khẩu. Gần đây, xung đột Israel-Hamas khiến khu vực biển Đỏ bất ổn làm các hãng tàu chọn tuyến tránh sang Mũi Hảo Vọng nên cước vận chuyển đường biển tuyến Á-Âu tăng cao, tình trạng thiếu tàu hàng và container làm cho thời gian giao nhận hàng kéo dài. Thêm vào đó, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh vẫn đang chịu tác động lớn của lạm phát, lãi suất cao kéo dài, chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là làn sóng phá sản doanh nghiệp lan rộng tại các thị trường xuất khẩu này khiến sức tiêu thụ đồ gỗ giảm mạnh.

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tín hiệu thị trường xuất khẩu đồ gỗ sẽ ấm lại, có khả năng phục hồi nhanh trong quý 1/2024. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt trên 1 tỷ USD. Ngành gỗ Bình Định cũng xác định các nhóm giải pháp hiện thực hóa mục tiêu này dựa trên chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng theo phương châm “tự lực, tiết kiệm”; tăng đầu tư cho các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất; sáng tạo trong tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất của từng doanh nghiệp”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.