Các doanh nghiệp cũng đang XK tiêu một cách khá dễ dàng. Tiêu đạt các yêu cầu về ATTP thì XK tới các thị trường khó tính như EU, Mỹ…
Tiêu chưa đạt ATTP cũng bán được cho các nhà NK ở Trung Đông, Trung Quốc, châu Phi…, với giá cao. Cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều đang dễ bán hàng như thế, nên họ thấy chưa cần phải liên kết với nhau để làm ra những sản phẩm đảm bảo ATTP, có khả năng thâm nhập được vào những thị trường khó tính.
Về lâu dài, đây sẽ là nguy cơ cho cả ngành hồ tiêu Việt Nam, nhất là về mặt thị trường. Bây giờ thế giới đang thiếu hụt nguồn cung hạt tiêu, thì chất lượng nào người ta cũng mua. Nhưng khi cung và cầu trên thế giới trở nên cân bằng hơn, chắc chắn tiêu Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn về đầu ra nếu chưa cải thiện được về ATTP.
Mà thực tế bây giờ đã cho thấy, nhiều nhà NK từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU…, đang có xu hướng ngại mua hạt tiêu của Việt Nam, và thay bằng hạt tiêu của những nước có mức độ đảm bảo ATTP cao hơn. Hoặc nếu phải NK tiêu của Việt Nam thì họ ưu tiên mua tiêu đã được chế biến sâu hơn là tiêu thô, nhằm đảm bảo có được sản phẩm ATTP.
Một số chuyên gia ngành hàng hồ tiêu cho rằng khi cung – cầu hồ tiêu trên thế giới trở nên cân bằng hơn, hạt tiêu đảm bảo ATTP sẽ vẫn tiếp tục tăng giá, còn hạt tiêu không đảm bảo ATTP sẽ giảm giá. Đáng tiếc là phần lớn hạt tiêu Việt Nam hiện không đảm bảo ATTP.
Chính vì vậy, mấu chốt lớn nhất đối với việc tái cơ cấu ngành hàng hồ tiêu, là phải xây dựng được những mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để làm ra sản phẩm hạt tiêu chất lượng tốt, đảm bảo ATTP. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các DN có thể xây dựng được vùng nguyên liệu phù hợp với yêu cầu của thị trường mà DN hướng tới.
Bà Nguyễn Mai Oanh cho biết, các doanh nghiệp XK hồ tiêu đều đã nhận thức được điều này, nhưng với tiềm lực hiện tại, họ chưa đủ sức để đứng ra xây dựng mối liên kết với nông dân. Bởi để có được một mối liên kết nhằm tạo vùng nguyên liệu thực sự, doanh nghiệp phải hợp đồng, cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất thống nhất, đảm bảo ATTP cho nông dân. Khi ấy, doanh nghiệp cần tới một nguồn vốn không nhỏ, mà nếu phải vay vốn thương mại như hiện nay, doanh nghiệp không thể chịu đựng được.
Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu làm đầu tàu hình thành các chuỗi liên kết, như được vay vốn ưu đãi để đầu tư trong dài hạn…
Bên cạnh đó, nông dân trồng tiêu cũng cần liên kết với nhau thành những HTX để từ đó có thể dễ dàng hơn trong việc tạo mối liên kết với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp khó có thể đi ký hợp đồng sản xuất với từng hộ nông dân.