Giới thiệu công nghệ mới trong SX nông nghiệp sau thu hoạch ở ĐBSCL
Ngày 8/9, tại TP Cần Thơ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học "Đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến lúa gạo khu vực ĐBSCL".
TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch nhận định: Nếu không đổi mới, tìm cách gia tăng giá trị cho cây lúa, hạt gạo thì chắc chắn không bao lâu nữa lợi thế cạnh tranh sẽ không còn.
Theo PGS.TS Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, trong những năm qua cơ giới hóa nông nghiệp trong SX, chế biến lúa gạo ở ĐBSCL tăng đáng kể. Trong đó, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 98%, khâu thu hoạch đạt 75%, khâu sấy lúa đạt 45%.
Hiện nay, về bảo quản và tồn trữ, tổng công suất của hệ thống kho chứa lúa gạo ở ĐBSCL đạt khoảng 6,7 triệu tấn nhưng hệ thống kho chứa này chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa dài ngày từ 6 - 12 tháng. Công nghệ, thiết bị chế biến gạo có nhiều tiến bộ so với các nước trong khu vực, song tỷ lệ thu hồi gạo còn thấp, chỉ đạt 60 - 62%, trong đó có 42 - 43% là gạo nguyên.
Để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giới thiệu về các hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đổi mới công nghệ.
Nội dung tài trợ tập trung cho các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ, SX thử nghiệm sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, mua sắm thiết bị đặc chủng, thiết bị đo kiểm, mua phần mềm, thiết kế, bản quyền công nghệ, đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu trí tuệ... Mức hỗ trợ tối đa là 30% tổng chi phí dự án.