Phải dần gỡ khó cho nông sản tồn đọng
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với việc địa phương đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 làm cho việc sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ một số loại nông sản tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, trước đây nông sản địa phương chủ yếu bán qua thương lái ở các chợ đầu mối tại TP.HCM, các tỉnh, thành lân cận. Khi dịch bệnh xảy ra, các chợ này tạm ngưng hoạt động, việc vận chuyển nông sản của tỉnh đi tiêu thụ gặp khó khăn do chi phí tăng, thời gian vận chuyển không thuận lợi…
Bên cạnh đó, thời gian đầu xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng tích trữ thực phẩm dẫn đến tình trạng giá tăng cao, nông sản khan hiếm “ảo”.
Thời gian sau đó, hàng hoá tồn đọng, ùn ứ, thương lái không bán được nên không tiếp tục thu mua của nông dân; khâu vận chuyển khó khăn, chậm do phải khai báo y tế tại các chốt kiểm dịch; nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng giảm…
Đơn cử, chợ đầu mối cầu K13 không chỉ tập kết nông sản của riêng huyện Dương Minh Châu mà còn của các địa phương khác. Từ chợ đầu mối cầu K13, nông sản được thương lái vận chuyển đi TP.HCM, các tỉnh lân cận tiêu thụ, chỉ khoảng 30% nông sản tiêu thụ trong tỉnh.
Khi chợ nông sản cầu K13 và các chợ đầu mối ở TP.HCM tạm dừng hoạt động, việc thông thương không thuận lợi như trước, chỉ còn một số ít thương lái đi thu gom nông sản vận chuyển bằng xe tải đi các tỉnh, thành bán cho các đối tác quen thuộc.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám Đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện các mặt hàng còn tồn đọng gồm: 822 tấn mãng cầu, 300 tấn khoai sọ, 87 tấn bắp ăn (ngô trái), 5 tấn đậu đũa, 4 tấn măng, gần 6 tấn bầu, 12 tấn cải bẹ, cam xoàn, 100 tấn cam sành và quýt đường, 48 tấn nhãn xuồng, 324 tấn nhãn da bò, 675 tấn rau kèo nèo…
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đang tồn đọng 1.008.722 con gà công nghiệp, trọng lượng: 2.422.345 kg đã đến lứa xuất bán nhưng không bán được khiến giá giảm mạnh; thịt trâu, bò được giết mổ khoảng 2 tấn/ngày nhưng không có nơi tiêu thụ...
Theo đại diện một công ty chăn nuôi tại Tây Ninh, mỗi ngày công ty thường bán ra từ 10.000 - 20.000 con gà (2,8 kg/con), nhưng hiện nay có ngày không bán được con nào.
Phần lớn khách hàng từ chối mua với lý do khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Hàng loạt các lò giết mổ gia cầm tại TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân các công ty, trang trại chăn nuôi gia cầm và thương lái không tiêu thụ được gà…
“Đây là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành. Ngành nông nghiệp Tây Ninh đang nỗ lực phối hợp với các ngành liên quan, các tỉnh, thành tìm giải pháp để gỡ khó cho nông sản của địa phương”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám Đốc Sở NN -PTNT Tây Ninh nhấn mạnh.
Toàn hệ thống chính trị cùng kết nối tiêu thụ nông sản
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, Sở đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giúp cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần ổn định cuộc sống của nông dân.
Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh thực hiện cấp mã nhận diện luồng xanh cho các phương tiện vận chuyển nông sản; giảm thủ tục kiểm dịch y tế tại các chốt chặn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân dưới nhiều hình thức nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K.
Song song đó, để hỗ trợ tìm kiếm đối tác và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các tỉnh trong mùa dịch Covid-19, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã đề nghị Sở Công thương và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn Tây Ninh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bưu điện tỉnh thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, qua đó hỗ trợ giới thiệu, kết nối, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của tỉnh - nhất là các mặt hàng nông sản trên địa bàn các khu vực bị cách ly, phong tỏa, đã và đang đến vụ thu hoạch, bị ùn ứ…
Đồng thời, Sở cũng đã có văn bản gửi đến Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các khu, cụm công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp, các siêu thị, hệ thống phân phối nông sản trên địa bản tỉnh… đề nghị các đơn vị này hỗ trợ tiêu thụ.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, ngành nông nghiệp vừa qua đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 210 tấn nông sản (chưa kể số lượng do các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ tiêu thụ). Trong đó có khoảng 8 tấn nông sản rau ăn lá, rau ăn quả (dền, mồng tơi, cải, bầu, bí, khổ qua, đậu bắp, dưa leo...) măng, bắp, bí đỏ… và 200 tấn khoai môn trên địa bàn thị xã Hòa Thành.
Đặc biệt, xác định trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng thương mại điện tử là cầu nối giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu đến khách hàng trong nước và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa, Sở NN-PTNT Tây Ninh phối hợp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai kế hoạch hỗ trợ các đơn vị lĩnh vực nông nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ, sản phẩm.
Theo đó, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tổ chức kinh doanh các sản phẩm nông sản, thực phẩm, đặc sản, làng nghề truyền thống của địa phương (gồm sản phẩm được chế biến từ mía, mì, cao su, hạt điều, bánh tráng, muối tôm, trà túi lọc, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp khác…) thông qua trang Website thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian…
“Sở NN-PTNT rất mong các đơn vị trên quan tâm, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã, giúp nông dân vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay”, ông Nguyễn Ðình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh chia sẻ.