Những mô hình tiêu biểu
Ngày 3/8, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp trực tuyến với 2 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản.
Đánh giá về tình hình sản xuất của các tỉnh thành phía Bắc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần một kịch bản khác so với miền Nam.
“Theo đó, các địa phương cần đảm bảo các chỉ tiêu Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp. Những tỉnh, thành phố đã khống chế tốt dịch bệnh phải duy trì và tăng cường sản xuất để vừa tự cung tự cấp tại địa phương, vừa là nguồn nông sản hỗ trợ cung ứng cho các tỉnh phía Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Theo Thứ trưởng, Sơn La là địa phương tái cơ cấu nông nghiệp rất thành công với sản lượng nông sản lớn. Bắc Giang đã tiêu thụ thành công 181.000 tấn vải trong điều kiện dịch Covid-19. Đó chính là bài học kinh nghiệm và những mô hình cần nhân rộng.
Những mô hình đó sẽ cùng với các tỉnh thành phía Nam kết nối sản xuất nông nghiệp. Xây dựng một hệ thống tổ chức liên kết chặt chẽ để điều tiết nguồn cung cầu chung trên toàn quốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN-PTNT sẽ sớm có ý kiến về việc các cơ sở giết mổ, chế biến khi đã đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” sẽ được hoạt động bình thường.
Ngoài ra các đơn vị, các cơ sở, doanh nghiệp có trường hợp F0 cần sàng lọc, xử lý và cho sớm trở lại hoạt động.
Đảm bảo giống phục vụ sản xuất cho ĐBSCL
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay các cơ sở tại địa phương đang lưu giữ khoảng 55.000 con tôm bố mẹ, trong đó 70% là từ khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ, 30% từ khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, mỗi một tháng sẽ có khoảng 200 triệu con giống cá tra được sản xuất.
“Số lượng tôm và cá tra này sẽ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nuôi trồng trong thời gian tới. Duy chỉ có một số đối tượng thủy sản nước ngọt như cá lóc, cá rô phi gặp khó khăn do tiêu thụ nội địa chậm, giảm nhu cầu tư thị trường trong nước vì giãn cách xã hội”, ông Trần Đình Luân thông tin.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người nông dân các tỉnh thành phía Nam sẽ khó để bỏ tiền ra mua giống lúa. Bên cạnh đó, với tình hình giãn cách xã hội thì khâu sản xuất cũng bị gián đoạn.
“Đối với giống rau ngắn ngày, thời gian tới có thể sẽ xảy ra khan hiếm. Cục Trồng trọt sẽ làm việc với các đơn vị để cân đối, phân bổ hợp lý”, ông Nguyễn Như Cường nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng Cục Trồng trọt cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, khi cần thiết phải ngay lập tức đáp ứng được nhu cầu về giống vì công tác phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 rất quan trọng.
Còn ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay tính đến ngày 1/7/2021, tại 63 tỉnh thành trên cả nước có tổng cộng 4,7 triệu con lợn con theo mẹ.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhận định với số lượng lợn con theo mẹ này ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động con giống trong nước.
Ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho biết đối tượng gia cầm đang dư thừa con giống do hiện nay giá gia cầm đang thấp.
Cụ thể gà công nghiệp trắng đang có giá 7.000 – 10.000 đồng/kg, gà công nghiệp màu có giá 29.000 – 30.000 đồng/kg. Từ đó dẫn đến số lượng tồn dư của đàn gia cầm trong chuồng tương đối nhiều.
“Bên cạnh đó khâu vận chuyển vật tư, con giống phục vụ tái đàn vẫn đang gặp khó khăn tại địa phương mặc dù Chỉnh phủ, các bộ ban ngành đã ban hành những văn bản hướng dẫn để tháo gỡ”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.