Trong điều kiện nguồn nước ngày càng khan hiếm do các hệ thống sông bị hạ thấp, việc lấy nước cho vụ đông xuân 2022-2023 gặp nhiều khó khăn, do đó cần phải có những giải pháp sử dụng nguồn nguồn nước hiệu quả, tránh tình trạnh chỗ thừa chỗ thiếu.
Về công tác lấy nước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Võ Hoàng Hiệp vừa ký thông báo lịch lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2022-2023 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ. Theo đó, sẽ có tổng cộng 12 ngày lấy nước. Đợt 1 từ 0h ngày 6/1 đến 24h 9/1 năm 2023, đợt 2 từ 0h ngày 1/2 đến 24h 8/2 năm 2023.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Việc bổ sung nước để phục vụ đổ ải cho vụ đông xuân hàng năm đã được Bộ NN-PTNT tổ chức thực hiện. Năm nay trong điều kiện nguồn nước tương đối khó khăn, chúng tôi đã xây dựng lịch lấy nước từ sớm”.
Lịch lấy nước đã được Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan liên quan như Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch Thủy lợi xây dựng lịch lấy nước trên cơ sở những tiêu chí cụ thể.
Trong đó, căn cứ vào khung thời vụ lấy nước tại các khu vực và tập quán canh tác khác nhau, Bộ NN-PTNT đã tổ chức các đợt cấp nước cho phù hợp. Việc điều tiết xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện phải theo phương châm hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với hoạt động của triều cường. Bởi, khi triều lên, mực nước dâng cao sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các công trình thủy lợi lấy nước. Các địa phương nằm trong diện khó khăn về công tác cấp nước cũng sẽ được ưu tiên trước.
Hiện nay lịch lấy nước được Tổng cục Thủy lợi tổng hợp các ý kiến từ địa phương, các cơ quan liên quan, sau đó trình Bộ NN-PTNT phê duyệt và ra thông báo. Lịch lấy nước sẽ được Viện Quy hoạch Thủy lợi tính toán kĩ càng, từ đó đưa ra các phương án tối ưu nhằm thực hiện một cách đồng bộ, tiết kiệm nguồn nước để phục vụ chống hạn trong thời điểm tưới dưỡng và phát điện vào mùa khô.
Với kế hoạch như trên, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã tính toán cẩn thận từng đợt xả cho các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, nhằm tối ưu hóa nguồn nước, tránh lãng phí.
Về các kịch bản cấp nước, xả nước, ông Đào Ngọc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi chia sẻ: “Nhằm tối ưu hóa kế hoạch lấy nước, Viện đã khẩn trương tiến hành tổ chức đánh giá tình hình sử dụng nước trong các vụ đông xuân những năm trước, từ đó rút kinh nghiệm, đồng thời đánh giá đầy đủ công tác lấy nước ở các địa phương qua các đợt xả như thế nào”.
Viện cũng dựa vào các dự báo về nguồn nước, lượng mưa trong thời kì đổ ải của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đó xây dựng kế hoạch về nhu cầu nước cũng như tính toán cách vận hành các công trình thủy lợi để làm sao lấy nước một cách tối ưu nhất. Đồng thời, nâng mực nước trên sông Hồng cao nhất trong điều kiện có thể để đẩy mặn, hỗ trợ cho các địa phương ven biển lấy nước 1 cách thuận lợi nhất.
Trên các cơ sở đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi sẽ tư vấn cho Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT tính toán các kịch bản tối ưu nhất, xây dựng các kế hoạch lấy nước phù hợp.