Ngày 12/8 tại trường Đại học Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TBXH tổ chức tọa đàm trao đổi về phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm.
Chương trình tọa đàm trao đổi về phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội và Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
Nghịch lý sàn giao dịch việc làm
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm; ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Bình Dương; ông Đỗ Đức Chí - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt đồng chủ trì tọa đàm.
Tại tòa đàm, các đại biểu thẳng thắng nêu thực trạng lao động việc làm và năng lực hoạt động, định hướng phát triển của các sàn giao dịch việc làm nhằm bàn thảo các vấn đề xây dựng cho sàn giao dịch việc làm có cơ chế rõ ràng, hoạt động minh bạch, kết nối tốt cung cầu lao động, chi phí thấp, huy động được sự đầu tư của tư nhân...
Các đại biểu cho rằng, các sàn giao dịch việc làm nhà nước tổ chức hiện vắng bóng người lao động tham gia tìm việc, doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo nhu cầu. Để có nguồn lao động hầu hết các doanh nghiệp tự bơi và tìm đến các trang mạng “tìm việc trực tuyến”, cả doanh nghiệp và người lao động đều mất phí cho các trang này, đây là nghịch lý trong suốt thời gian vừa qua.
Theo đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị chính quyền các địa phương cần nhìn nhận lại tầm quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, kết nối sàn giao dịch việc làm cho người lao động trên địa bàn sẽ góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội cũng như ổn định an ninh, trật tự.
Để các sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, chúng ta cần xây dựng kết nối đồng bộ hệ thống sàn giao dịch việc làm online cũng như dữ liệu về lao động - việc làm liên thông trong cả nước để đạt hiệu quả tốt nhất; xây dựng ứng dụng mobile (app mobile) tích hợp nhiều tiện ích về: việc tìm người, người tìm việc, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp...
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty thực phẩm Bình Dương: "Đơn vị chúng tôi đã thành lập được 10 năm và đang cung cấp thực phẩm cho các nhà máy tại khu vực tỉnh Bình Dương. Với vai trò là giám đốc và là người trực tiếp tuyển dụng nhân sự, mặc dù được sự hỗ trợ rất nhiều của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, nhưng thực tế để tuyển dụng được nhân sự phù hợp thì chúng tôi phải tìm kiếm tại tất cả các đơn vị, các trang tuyển dụng bên ngoài và phải trả phí.
Tất cả các tỉnh đều có sàn giao dịch việc làm nhưng thực sự là các sàn hoạt động chưa hiệu quả. Chúng ta đang từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đây sẽ là cơ sở để cung cấp nguồn dữ liệu rất lớn. Song song đó, chúng ta đang ở thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin. Với những nguồn lực này tôi tin rằng nếu Cục Việc làm sắp xếp lại bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động, sàn giao giao dịch việc làm sẽ là địa chỉ đỏ của doanh nghiệp và người lao động”, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Đức Chí - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt cho biết thêm, bên cạnh giải quyết việc làm trong nước, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu sâu và rộng như hiện nay, sàn giao dịch việc làm quốc gia có rất nhiều cơ hội để hợp tác quốc tế, góp phần đưa lực lượng lao động chất lương cao của chúng ta ra môi trường toàn cầu.
"Như vậy “Sàn giao dịch việc làm” của chúng ta hoàn toàn có thể kết nối với các sàn giao dịch việc làm các quốc gia khác. Giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiếp cận với thông tin nguồn lao động đã được kiểm chứng của chúng ta. Và cũng giúp người lao động của chúng ta tiếp cận được các nguồn thông tin chính xác và các doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài”, ông Đỗ Đức Trí chia sẻ.
Phía tỉnh Bình Dương kiến nghị thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp để kết nối cung cầu lao động góp phần giúp cho thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững, hiệu quả và hội nhập hơn. Từ đó, giúp kết nối cung cầu lao động trong nước và quốc tế được minh bạch hơn, nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường lao động.
“Hoạt động của các sàn giao dịch việc làm giúp cho người lao động tìm kiếm được môi trường làm việc và giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực. Hoạt động của các sàn giao dịch việc làm đã ngày càng hoạt động hoàn chỉnh hơn tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Qua nghiên cứu cho thấy, sàn giao dịch việc làm vẫn chưa có hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ và riêng biệt. Hiện trong cả nước, sàn giao dịch việc làm mới chỉ được vận hành do hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm công của 63 tỉnh, thành và do các doanh nghiệp tư nhân tự kết nối thực hiện”, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Sẽ xây dựng hành lang pháp lý
Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, chúng ta có quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người, giãn việc, mất việc là trên 506.000 người.
Nếu so như vậy thì tỷ lệ này vẫn ở trong khoảng chúng ta kiểm soát được. Dự báo trong quý III-2023, một số ngành sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng như: điện tử, máy tính, chế biến thực phẩm. Trong khi đó, các ngành may trang phục, sản xuất đồ gỗ vẫn tiếp tục giảm việc làm do thiếu đơn hàng. Vì vậy, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức và sẽ có những nhóm ngành tiếp tục sụt giảm việc làm.
Theo ông Vũ Trọng Bình, 10 năm qua, thị trường lao động của chúng ta quy mô còn nhỏ, các thể chế thị trường lao động mới được thiết lập có hành lang pháp lý như Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm.
Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và đang đề xuất dự án đầu tư. Việc này đảm bảo một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc; gắn với việc làm trống. Khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ tiến tới hoàn thiện hệ thống giao dịch việc làm toàn quốc hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn.
Để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại, bắt buộc chúng ta phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển. Cần ban hành hành lang pháp lý bao gồm các quy định, chính sách cụ thể đối với từng loại hình sàn giao dịch việc làm thông qua các văn bản Luật và văn bản dưới Luật...
“Đặc biệt, để sàn giao dịch việc làm Quốc gia phát triển và tận dụng được sức mạnh của xã hội thì sự tham gia của nhà nước, tư nhân, các hiệp hội nghề nghiệp là vô cùng cần thiết. Các đơn vị này sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, người lao động tới hệ thống sàn tập trung của Quốc gia. Và ngược lại, các đơn vị này cũng là nơi để sàn chuyển tải thông tin, chính sách mới nhất tới doanh nghiệp và người lao động.
Căn cứ tình hình hiện tại, Luật Việc làm đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, vì vậy chúng tôi sẽ kiến nghị đưa các quy định về sàn giao dịch việc làm vào trong một chương của Luật Việc làm”, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.