Tại sao giá thành sản xuất cao?
Trả lời cho câu hỏi này, TS. Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc phân tích, trên thực tế, giá thành sản xuất tôm mà chúng ta đang so sánh giữa các quốc gia là tính trên các ao nuôi thành công chứ không tính bình quân giữa ao nuôi thành công và ao nuôi thất bại. Giá thành sản xuất tôm hiện nay của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với Ecuador.
Ông Hòa đưa ra ví dụ cụ thể, cùng cỡ tôm 20g/con, giá thành sản xuất của Việt Nam là 3,5 - 3,6 USD/kg trong khi Ecuador chỉ 2,5 USD/kg.
Ông Hòa nói, sự khác biệt lớn về giá thành sản xuất tôm giữa Việt Nam và Ecuador chủ yếu là do Ecuador có lợi thế diện tích trại nuôi rất lớn; thả nuôi thưa ao đất nên tận dụng được khoảng 25% chi phí thức ăn tự nhiên trong ao.
Bên cạnh đó, vì thả nuôi thưa nên tôm hầu như không bị stress, do đó chi phí thuốc men, chất bổ sung tăng cường sức khỏe và phòng bệnh gần như rất thấp, cũng như chi phí lao động trên đơn vị diện tích nuôi hay trên 1kg tôm là rất thấp.
Trong khi đó, ông Hòa cho rằng, nuôi tôm ở nước ta hiện nay mật độ rất cao nên ao nuôi hoàn toàn không có thức ăn tự nhiên, buộc phải lệ thuộc hoàn toàn nguồn thức ăn chất lượng cao và thức ăn chức năng cung cấp cho tôm.
Ngoài ra, tôm bị stress cao khi nuôi dày, dẫn đến việc sử dụng thường xuyên lượng lớn thuốc men, chất bổ sung tăng cường sức khỏe làm gia tăng chi phí.
“Một yếu tố khác biệt lớn nhưng cực kỳ quan trọng nữa khiến giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam cao hơn các nước khác là do hầu hết nông dân nuôi tôm ở nước ta đều thiếu vốn (hơn 90%), vì vậy đa phần đều nuôi tôm bằng nguồn đầu tư của đại lý, dẫn đến giá mua nguyên liệu, thức ăn, thuốc men và chất bổ sung cao hơn nhiều lần”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Hòa lấy ví dụ, nếu người nuôi tôm mua thức ăn bằng tiền mặt thì chỉ tốn 30.000 đồng/kg, trong khi mua tín dụng từ đại lý thì giá là 45.000 đồng/kg.
“Nếu tính trên 10 tấn tôm, người nuôi sẽ tốn 15 tấn thức ăn, theo đó sự khác biệt giữa mua tín dụng đại lý và mua tiền mặt là 225 triệu đồng. Đây là một con số cực kỳ lớn trong cấu thành chi phí sản xuất tôm”, ông Hòa lấy dẫn chứng.
Còn theo ông Ngô Tiến Chương, Chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), nếu chúng ta phân tích cơ cấu giá thành sản xuất tôm nước lợ thì một số chi phí ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành cần được làm rõ hơn và cần có giải pháp cụ thể mới giải quyết được vấn đề giá thành sản xuất.
Trước hết là tỷ lệ thành công vụ nuôi của Việt Nam thấp (chỉ khoảng 40%), có nghĩa, các chi phí chuẩn bị ao, điện, xử lý nước và mua giống đối với các vụ nuôi không thành được xem là lỗ vốn.
Tiếp đến, chi phí trung gian thường bị bỏ qua hoặc ẩn trong tính cơ cấu giá thành, cộng thêm chi phí logistics, đây là một tỷ lệ khá lớn khi tính giá bán của doanh nghiệp; cung ứng đầu vào từ sản xuất giống, chế phẩm xử lý môi trường đang bị “loạn giá và chất lượng”…
“Tất cả các yếu tố này cộng thêm tỷ lệ chiết khấu thức ăn bán ra rất cao thì tôi cho rằng giá thành tôm ở Việt Nam cao hơn các nước có thể dễ hiểu”, ông Chương nói thêm.
Nâng cao tỷ lệ thành công vụ nuôi lên tối thiểu 65%
Để giải “bài toán” giảm giá thành sản xuất tôm, ông Hòa cho rằng, cần tập trung cải thiện tỷ lệ thành công trong nuôi tôm thẻ ở Việt Nam cùng với việc quản lý tốt chuỗi sản xuất ngành tôm, đặc biệt cắt bỏ các khâu trung gian...
Còn theo ông Chương, nếu xem tôm nước lợ là ngành kinh tế chủ lực, trước hết các nhà quản lý cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn vấn đề đang nằm ở đâu? Sắp tới, Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức với các rào cản kỹ thuật và thương mại.
Việt Nam có đầy đủ các chính sách, quy định pháp lý về quản lý ngành, tuy nhiên, việc thực thi các quy định pháp lý cần phải trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn. Cần xem bài học về IUU đối với ngành khai thác thủy sản để giải quyết cho ngành nuôi thủy sản.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chất lượng đầu vào, điều kiện sản xuất, áp dụng tốt các giải pháp công nghệ để nâng cao tỷ lệ thành công vụ nuôi lên tối thiểu 65% so với 40% hiện nay.
Ngoài ra, cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Đồng thời, phát triển hệ thống logistics và kho lạnh để chủ động cung - cầu, nguyên liệu xuất khẩu.
Cần chính sách rõ ràng thúc đẩy chuỗi giá trị về liên kết sản xuất, giảm bớt khâu trung gian và tỷ lệ chiết khấu; và cân đối đầu vào phải đúng với nhu cầu sản xuất, tránh sản xuất dư thừa và kém chất lượng.
“Gỡ” bài toán thức ăn
Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, trong cơ cấu giá thành sản xuất tôm thẻ và tôm sú, chi phí thức ăn thủy sản chiếm khoảng 64%, chi phí con giống chiếm khoảng 8 - 10% và các chi phí khác. Từ năm 2021, do tác động của hậu Covid-19 và địa chính trị khiến chi phí năng lượng và nhân công tăng, dẫn đến các chi phí khác tăng, gây khó khăn cho sản xuất tôm.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất thức ăn của nước ta vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn nhập khẩu.
“Nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản của nước ta ước tính khoảng 31,2 triệu tấn/năm, trong đó nhu cầu nguyên liệu cho thức ăn thủy sản ước tính khoảng 6 triệu tấn. Nguyên liệu tự sản xuất được trong nước hiện chỉ cung ứng khoảng 35%, còn 65% nhập khẩu”, ông Khôi thông tin.
Ông Khôi cho hay, hiện nay, một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ để tăng giá trị dinh dưỡng, thay thế nguyên liệu đắt tiền trong sản xuất thức ăn thủy sản.
Về dài hạn, Bộ NN-PTNT cũng đưa ra các giải pháp, đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có định hướng phát triển thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản trong nuôi trồng thủy sản nói chung.
Bộ NN-PTNT cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, ĐBSCL, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên...
Ông Ngô Tiến Chương, Chuyên gia kỹ thuật cấp cao của GIZ nói: "Nếu xem tôm nước lợ là ngành kinh tế chủ lực, trước hết các nhà quản lý cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn vấn đề đang nằm ở đâu?"