| Hotline: 0983.970.780

Ngành tôm đối diện nhiều thách thức: [Bài 3] Người nuôi thích tôm giống chất lượng nhưng giá rẻ

Thứ Năm 11/07/2024 , 05:52 (GMT+7)

'Đây là một nghịch lý tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ tồn tại, tạo thế cạnh tranh không lành mạnh với các cơ sở sản xuất chuẩn mực'.

Tôm giống kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện có 2.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Trong đó có 1.071 cơ sở giống tôm sú, 443 cơ sở giống tôm thẻ chân trắng và 756 cơ sở sản xuất hỗn hợp.

Sản lượng giống tôm nước lợ đạt hơn 153 tỷ con; trong đó giống tôm sú đạt 43,6 tỷ con, giống tôm thẻ đạt gần 110 tỷ con.

Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, chiếm khoảng 93% tổng cơ sở sản xuất và chiếm 63,6% sản lượng giống.

Các tỉnh trọng điểm trong ương dưỡng giống, gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, chiếm 89,5% tổng cơ sở sản xuất và chiếm 77% tổng sản lượng cả nước.

Cả nước hiện có 2.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Ảnh: Hồng Thắm.

Cả nước hiện có 2.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Ảnh: Hồng Thắm.

Cũng theo báo cáo của Cục Thủy sản, giá giống dao động khá lớn giữa các địa phương và cơ sở sản xuất. Giá tôm sú giống của những tập đoàn/cơ sở sản xuất giống lớn từ 100 -168 đồng/con; giá tôm thẻ giống 100 - 135 đồng/con. Giá bán tôm giống trên chưa bao gồm tôm giống khuyến mại. Đa phần các cơ sở khuyến mại từ 30 - 50% tùy thời điểm, về gần cuối năm có cơ sở khuyến mại tới 70 - 100%.

Ông Dương Thanh Thoại, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Dương Hùng miền Trung (Quảng Nam) cho hay, hiện nay mặc dù có sự giám sát, kiểm soát của đơn vị quản lý trong sản xuất giống, tuy nhiên điều kiện của nhiều cơ sở sản xuất tôm giống vẫn chưa được đảm bảo.

Ngành sản xuất tôm giống tại Việt Nam hiện có hơn 2.000 cơ sở sản xuất nhưng theo quan sát, số trại sản xuất nhỏ lẻ chiếm số nhiều, số lượng cơ sở sản xuất tôm giống đạt tiêu chuẩn còn hạn chế.

“Mặt khác, người nuôi tôm có tâm lý thích tôm giống chất lượng nhưng giá rẻ, khuyến mãi nhiều. Đây là một nghịch lý, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ (tôm hàng chợ) tồn tại và tạo thế cạnh tranh không lành mạnh với các cơ sở sản xuất tôm giống chuẩn mực”, ông Thoại nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thoại, cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ họ đầu tư thấp, không đảm bảo quy chuẩn, sẵn sàng bán giá rẻ, khuyến mãi nhiều, nhưng khi người nuôi mua phải giống kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến năng suất nuôi, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Chỉ chiếm 8 - 10% tổng giá thành sản xuất, nhưng thành bại… vẫn tại giống

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn Thủy sản (Cục Thủy sản) chia sẻ, trong cơ cấu giá thành sản xuất tôm thẻ và tôm sú, dù chi phí con giống chỉ chiếm khoảng 8 - 10% nhưng lại là yếu tố có vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đến tỷ lệ nuôi tôm thành công. Tỷ lệ sống của tôm thấp cũng góp phần làm tăng giá thành sản xuất.

“Tỷ lệ sống của tôm Việt Nam trong nuôi thương phẩm hiện nay còn thấp do điều kiện nuôi không đảm bảo, dịch bệnh, chất lượng con giống chưa ổn định và quy mô nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình nên ít đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, ông Khôi nói.

Bên cạnh đó, theo ông Khôi, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Chỉ có một phần nhỏ tôm bố mẹ là từ khai thác trong tự nhiên và gia hóa, dẫn đến sản xuất tôm giống bố mẹ bị lệ thuộc. Điều nay cũng có thể là một trong những yếu tố góp phần làm tăng giá thành sản xuất.

Tỷ lệ sống của tôm Việt Nam trong nuôi thương phẩm hiện nay còn thấp do nhiều yếu tố như: Dịch bệnh, chất lượng con giống chưa ổn định và quy mô nuôi nhỏ lẻ... Ảnh: Hồng Thắm.

Tỷ lệ sống của tôm Việt Nam trong nuôi thương phẩm hiện nay còn thấp do nhiều yếu tố như: Dịch bệnh, chất lượng con giống chưa ổn định và quy mô nuôi nhỏ lẻ... Ảnh: Hồng Thắm.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2023, cả nước nhập khẩu khoảng 152.500 tôm thẻ bố mẹ (bằng 89% so với năm 2022); 1.079 con tôm sú bố mẹ (bằng 329% so với năm 2022). Ấu trùng tôm sú nhập khẩu là 39.600 và ấu trùng tôm thẻ nhập khẩu là 16.991.600 con. Tôm bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan.

Báo cáo cũng cho hay, việc chủ động nguồn tôm bố mẹ từ nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (87% đối với tôm thẻ chân trắng) và khai thác từ tự nhiên (40% đối với tôm sú). Giống bố mẹ trong nước chỉ cung cấp được một phần dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.

Đồng quan điểm, ông Thoại cũng cho rằng: “Hiện tại đối với người nuôi tôm, chi phí giống chỉ chiếm 8 - 10% tổng giá thành sản xuất. Tuy nhiên đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả nuôi tôm”.

Dưới góc độ là nhà sản xuất tôm giống, ông Thoại đưa ra lời khuyên, để giảm giá thành sản xuất trong nuôi tôm, bà con cần lựa chọn những cơ sở sản xuất tôm giống uy tín, có thương hiệu, được đầu tư bài bản, chỉnh chu về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất đồng bộ kết hợp với công nghệ tiên tiến. Nguồn nhân lực sản xuất được đào tạo.

Lựa chọn đơn vị sản xuất giống có hệ thống, tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm, có sự cam kết về chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng trưởng nhanh do yếu tố gen di truyền.

Lựa chọn đơn vị cung cấp tôm giống có đội ngũ kỹ thuật tư vấn, có trách nhiệm với khách hàng để luôn đồng hành và kịp thời hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

“Làm được những điều này sẽ hạn chế được nhiều rủi ro trong quá trình nuôi tôm, nhất là về vấn đề con giống, từ đó tạo tiền đề cho thành công của vụ nuôi, giảm chi phí cho con giống, giảm được giá thành trong nuôi tôm”, ông Thoại nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng con giống, giải pháp nào?

Trước đề xuất “cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống” của nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống hiện nay, trong đó có Công ty Cổ phần Thủy sản Dương Hùng miền Trung (Quảng Nam), ông Khôi cho hay, trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng khác nhằm nâng cao chất lượng con giống.

Người nuôi nên lựa chọn đơn vị sản xuất giống có hệ thống, tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm, có sự cam kết về chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng trưởng nhanh do yếu tố gen di truyền. Ảnh: Hồng Thắm.

Người nuôi nên lựa chọn đơn vị sản xuất giống có hệ thống, tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm, có sự cam kết về chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng trưởng nhanh do yếu tố gen di truyền. Ảnh: Hồng Thắm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất và chất lượng con giống tại các cơ sở sản xuất và khi lưu thông trên thị trường. Nâng cao sự phối hợp quản lý giống tôm nước lợ giữa các tỉnh sản xuất và các tỉnh tiêu thụ giống.

Khuyến cáo cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học trong sản xuất giống. Khuyến khích các cơ sở sản xuất con giống áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và tỷ lệ sống.

Số hóa dữ liệu về giống thủy sản để người dân và cơ quan quản lý tra cứu, truy xuất thông tin về xuất xứ, chất lượng, góp phần ngăn chặn con giống không được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện.

Tiếp tục nghiên cứu gia hóa tôm bố mẹ có khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh, môi trường và có năng suất cao…

Ông Dương Thanh Thoại, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Dương Hùng miền Trung (Quảng Nam) cho biết: “Cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ họ đầu tư thấp, không đảm bảo quy chuẩn, sẵn sàng bán giá rẻ, khuyến mãi nhiều, nhưng khi người nuôi mua phải giống kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến năng suất nuôi, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh rất lớn”.

Xem thêm
Khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai

Tối 19/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ hai năm 2024.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.