| Hotline: 0983.970.780

Ngành tôm đối diện nhiều thách thức: [Bài 2] Mắt xích 'lỏng' nhất là khâu nuôi tôm

Thứ Tư 10/07/2024 , 06:15 (GMT+7)

Nuôi tôm là khâu quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành tôm. Tuy nhiên, hiện nay, mắt xích này được đánh giá là 'lỏng' nhất, yếu nhất.

Vị thế lớn, thách thức nhiều

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của nước ta năm 2023 đạt 737.000 ha; sản lượng ước đạt 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Kế hoạch năm 2024 là diện tích nuôi tôm đạt 737.000 ha (tôm sú 622.000 ha, tôm thẻ 115.000 ha). Sản lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn, trong đó tôm sú 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 765.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 - 4,3 tỷ USD.

 

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung khi đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nằm trong top 4 về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Ông Nguyễn Tấn Sỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Thủy sản SA-BIO khẳng định, ngành tôm là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên, hiện nay ngành này cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn cần phải giải quyết nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị tôm, phát triển bền vững.

Ông Sỹ phân tích, trước hết, ngành tôm đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ tăng cao, lượng mưa thay đổi đột biến, nước biển dâng đang tạo ra những điều bất lợi cho môi trường nuôi tôm. Xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt ở nhiều vùng nuôi gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và năng suất của tôm.

Một thách thức lớn khác là dịch bệnh. Các loại bệnh mới ngày càng nguy hiểm và gây tôm chết rất nhanh trong thời gian ngắn như: Bệnh mờ đục hậu ấu trùng (TPD); và những bệnh phổ biến hiện nay như: Hội chứng tôm chết sớm (EMS), bệnh vi bào tử trùng (EHP), hoại tử cơ (IMNV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), đốm trắng... thường xuyên bùng phát, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm.

Việc kiểm soát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu công nghệ, phương tiện, thiết bị và các phương pháp quản lý chưa thực sự hiệu quả.

Chất lượng tôm giống và thức ăn không đảm bảo cũng là một vấn đề nan giải. Con giống kém chất lượng dẫn đến tỷ lệ sống thấp và tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Thức ăn không đạt tiêu chuẩn ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của tôm, dẫn đến năng suất thấp và chi phí sản xuất cao.

Theo ông Sỹ, ngành tôm cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Nước thải từ các trại nuôi tôm nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Sử dụng thuốc và hóa chất không đúng cách dẫn đến tồn dư chất cấm trong sản phẩm tôm, gây khó khăn trong việc xuất khẩu.

Ngoài ra, cạnh tranh quốc tế và rào cản thương mại cũng là một thách thức không nhỏ.

Ông Sỹ nói: “Chúng ta phải cạnh tranh với các quốc gia sản xuất tôm lớn như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia... Đồng thời, các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm từ các thị trường xuất khẩu chính như: EU, Mỹ, Nhật Bản ngày càng cao, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu”.

Khâu quan trọng nhất lại lỏng và yếu nhất

Nuôi tôm được xem là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, có tác động to lớn đến các mắt xích khác, như: Con giống, thức ăn, chế biến xuất khẩu… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, mắt xích này đang tồn tại nhiều bất ổn, khiến các hộ nuôi tôm, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ lâm vào thế khó.

Ông Ngô Tiến Chương, Chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ: “Nuôi tôm là khâu quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng, tuy nhiên, đây cũng là mắt xích ‘lỏng’ nhất”.

Ông Chương chỉ rõ một số nguyên nhân. Thứ nhất, đa số vùng nuôi thuộc sở hữu của nông hộ, vẫn sản xuất thiếu kế hoạch cụ thể và dài hạn. Nông hộ tự ra quyết định từ việc chọn thả giống, thức ăn, thuốc và cách thức nuôi. Điều này đã tạo ra sự thiếu đồng bộ, lệch cung - cầu, gặp nhiều rủi ro và yếu thế trong đàm phán với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và doanh nghiệp thu mua nguyên liệu.

Thứ hai, hạ tầng thiếu đồng bộ, có nhiều vùng nuôi không tiếp cận được nước cấp phù hợp (đủ độ mặn) để đảm bảo tính liên tục của vụ nuôi hay không đủ điều kiện nuôi. Vấn đề này cũng góp phần làm tăng chi phí sản xuất như: Lượng điện tiêu thụ do bơm nước, hóa chất xử lý nước, chi phí tăng thêm cho logistics (với các vùng nuôi phải chuyển chở thêm bằng xe gắn máy).

Thực tế thời gian qua cho thấy, khâu nuôi tôm đang tồn tại nhiều bất ổn. Ảnh: Hồng Thắm.

Thực tế thời gian qua cho thấy, khâu nuôi tôm đang tồn tại nhiều bất ổn. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ ba, tỷ lệ vụ nuôi thất bại do dịch bệnh hiện nay rất cao, điều này chủ yếu do chất lượng con giống và nguồn nước, tuy nhiên, hộ nuôi thiếu thông tin chính xác hoặc nhiễu thông tin.

Kiến trúc sư Vũ Hồng Thái, Giám đốc thiết kế Công ty Aqua Mina cho rằng, tất cả các khâu khác là do doanh nghiệp thực hiện, chỉ có khâu nuôi là do nông dân làm, vì thế việc đầu tư đồng bộ, quản lý, tài chính đều chưa hiệu quả. Nếu được tổ chức tốt thì việc nuôi và chi phí không cao như hiện nay.

“Kỹ thuật không phải là vấn đề mà là quy mô trang trại, cách tổ chức vận hành và quản lý là gốc rễ”, ông Thái nhấn mạnh.

Bàn giải pháp khắc phục những yếu điểm

Ông Sỹ cũng đưa ra nhận định, nuôi tôm là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành tôm, vì quyết định đến chất lượng và giá trị của sản phẩm tôm Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay đây lại khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng, đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Ông Sỹ cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn như: Vấn đề dịch bệnh; chất lượng con giống và thức ăn chưa đảm bảo; vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động nuôi tôm chưa được kiểm soát chặt chẽ; kỹ thuật nuôi tôm và công nghệ áp dụng còn hạn chế; vấn đề quản lý và đào tạo nhân lực chưa được chú trọng đúng mức…

Để khắc phục những yếu điểm này và nâng cao giá trị của khâu nuôi tôm, ông Sỹ cho rằng, cần thực hiện một loạt các biện pháp cụ thể và hiệu quả.

Đầu tiên là nâng cao chất lượng con giống thông qua đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống tôm kháng bệnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh và chất lượng cao; xây dựng các trung tâm sản xuất giống đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cung cấp con giống chất lượng cho người nuôi.

Tiếp đến là áp dụng công nghệ tiên tiến để quản lý môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho tôm. Khuyến khích các mô hình nuôi tôm bền vững, không sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất.

Khuyến khích các mô hình nuôi tôm bền vững, không sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất. Ảnh: Hồng Thắm.

Khuyến khích các mô hình nuôi tôm bền vững, không sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất. Ảnh: Hồng Thắm.

Bên cạnh đó, cũng tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ thuật nuôi tôm cho người dân. Khuyến khích áp dụng các công nghệ mới như: Hệ thống tuần hoàn nước khép kín, nuôi tôm trong nhà kính… để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Song song đó, xây dựng các quy trình quản lý dịch bệnh chuẩn, giám sát chặt chẽ và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đào tạo người nuôi tôm về cách phát hiện sớm và xử lý dịch bệnh.

Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và thị trường cho người nuôi tôm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn để đảm bảo tuân thủ các quy định về nuôi tôm bền vững và an toàn.

Ông Ngô Tiến Chương, Chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) nói: “Đa số vùng nuôi thuộc sở hữu của nông hộ, vẫn sản xuất thiếu kế hoạch cụ thể và dài hạn. Nông hộ tự ra quyết định từ việc chọn thả giống, thức ăn, thuốc và cách thức nuôi. Điều này đã tạo ra sự thiếu đồng bộ, lệch cung - cầu, gặp nhiều rủi ro và yếu thế trong đàm phán với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và doanh nghiệp thu mua nguyên liệu”.

Xem thêm
Thái Nguyên: Hệ thống ao hồ nuôi thủy sản khôi phục an toàn sau mưa lũ

Đến nay, hệ thống ao hồ nuôi thủy sản tại Thái Nguyên đã được khôi phục an toàn sau mưa lũ và không ghi nhận xuất hiện dịch bệnh sau thiên tai.

Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…