Ngày 30/12, Cục Trồng trọt tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Theo số liệu sơ bộ của Tổng Cục Thống kê, giá trị sản xuất trồng trọt năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 494,9 ngàn tỷ đồng, tăng 1,05% so với năm 2019.
Trồng trọt tiếp tục khẳng định là ngành sản xuất chủ lực của nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, góp phần ổn định chính trị xã hội đất nước.
Sản xuất trồng trọt được cơ cấu lại hiệu quả hơn, chuyển đổi một phần diện tích cây trồng ở vùng không có lợi thế sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn đặc biệt là đất trồng lúa.
Bên cạnh đó, diện tích một số cây trồng có thế mạnh được tăng lên như cây ăn quả tăng khoảng 67.000 ha, rau tăng 10 nghìn ha... và chất lượng giống lúa được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, các tỉnh phía Bắc tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên khoảng 85%. Diện tích các giống lúa chất lượng, ngắn ngày chiếm khoảng 55%. Các tỉnh phía Nam tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên khoảng 65%; vùng ĐBSCL giống lúa chất lượng chiếm trên 80% diện tích.
Phát biểu tại hội nghị Hội nghị tổng kết năm 2020 của Cục Trồng trọt, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết năm 2020 nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng đã có được những kết quả ấn tượng, trong đó trồng trọt thường xuyên đóng góp xấp xỉ 50% giá trị xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng, Cục Trồng trọt cần chủ động từng vụ, từng vùng, từng cây để tham mưu cho quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Doanh cũng đánh giá cao khả năng phối hợp của Cục Trồng trọt với các đơn vị khác trong Bộ NN-PTNT như Tổng cục Thủy lợi hay Cục Bảo vệ thực vật…
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, trong thời gian tới, Cục trồng trọt cần chủ động hơn trong làm việc với các viện, trường… để giải quyết các vấn đề liên quan đến giống, khoa học kỹ thuật.
Về phương hướng hoạt động của Cục trong năm 2021, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh không được chủ quan, lường trước các khó khăn để chỉ đạo sản xuất cho phù hợp: “Cục Trồng trọt cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo sản xuất với từng vụ, từng vùng, từng cây”.
Theo ông, hiện nay, các loại cây thế mạnh theo vùng, theo chuỗi đều đã hiện hữu, năng suất cũng được đẩy lên mức rất cao nên dư địa phát triển theo hướng tăng loại cây, tăng năng suất là không hiệu quả.
“Thay vào đó, có thể phát triển dư địa theo hướng tái cơ cấu nội ngành ví dụ như lúa gạo, cà phê. Tập trung nâng cao chất lượng và giảm chi phí cho các sản phẩm trồng trọt”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phân tích thêm.
Theo Cục Trồng trọt, mục tiêu năm 2021 là phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng bền vững, an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, khả năng canh tranh trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên, lao động, nguồn vốn, cải thiện nhanh hơn đời sống cho người sản xuất trồng trọt.
Mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất Trồng trọt 1,8- 2,0%; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 20 tỷ USD; giá trị sản lượng trên 1 ha đất trồng trọt bình quân 105 triệu đồng.
Về chỉ đạo sản xuất, Cục xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai tốt Luật Trồng trọt và các văn bản hưỡng dẫn Luật Trồng trọt, cũng như tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng giống cây trồng đặc biệt là giống cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả.
Cũng tại hội nghị tổng kết ngày 30/12, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT trao một số danh hiệu, bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Cục Trồng trọt, trong đó có danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ cho Cục trưởng Nguyễn Như Cường.