| Hotline: 0983.970.780

Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt:

Phải thay đổi nhận thức của nông dân, doanh nghiệp

Thứ Sáu 06/12/2019 , 08:31 (GMT+7)

Sản xuất, kinh doanh giống lúa vi phạm bản quyền, không đúng phẩm cấp …, đang là một thực trạng đáng lo ngại ở ĐBSCL hiện nay.

Không chỉ ST24, ST25, mà nhiều giống lúa nổi tiếng khác cũng đã từng lao đao, thậm chí mất danh tiếng, mất thị trường do gặp phải vấn nạn này. Báo NNVN đã trao đổi với Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, quanh vấn đề nói trên.

Thạc sỹ Lê Thanh Tùng.

Thưa ông, giống ST25 vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới thì ngay lập tức trên thị trường đã có nhiều cơ sở rao bán giống lúa này mà không được phép của tác giả. Đây không phải là trường hợp đầu tiên vì trước đây cũng đã có nhiều giống lúa vừa trở nên nổi tiếng hay được thị trường ưa chuộng, đã bị rơi vào tình cảnh tương tự? Như vậy, tình trạng này diễn ra một cách thường xuyên trong nhiều năm qua ở ĐBSCL? Cơ quan chức năng, các nhà khoa học, doanh nghiệp ngành lúa gạo đều biết rõ những chuyện đó. Tại sao đến giờ chúng ta vẫn chưa ngăn chặn hay giảm thiểu được sự gian lận này?

Về mặt khách quan, gian lận thương mại là việc thường xuyên xảy ra với nhiều loại hàng hóa có thương hiệu hoặc chất lượng được thị trường ưa chuộng. ĐBSCL có nhu cầu rất lớn về giống lúa, mỗi năm khoảng 600 đến 700 nghìn tấn. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống, trung tâm giống các tỉnh, HTX sản xuất giống, hiện chỉ đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu giống cấp xác nhận. Nhân giống nông hộ đạt cấp xác nhận 2 đáp ứng được khoảng 20%. Còn lại nông dân có tập quán tự để giống hoặc mua giống trôi nổi không đạt phẩm cấp, lượng giống này khá lớn, chiếm khoảng 40%.

Về chủ quan, lúa giống, nhất là với các giống được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước theo nhu cầu thị trường, càng dễ bị sản xuất, kinh doanh mà không có sự thỏa thuận hoặc được đồng ý của cơ quan, doanh nghiệp có bản quyền.

Trong sản xuất lúa ĐBSCL, có hơn 80% diện tích sử dụng các giống lúa của Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL. Trước đây, các giống được nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao cho nông dân sử dụng không có thu bản quyền, qua đó, góp phần hình thành thói quen sử dụng giống lúa không phải trả phí, khiến cho nông dân không hoặc chưa chấp nhận với việc mua các giống lúa có bản quyền.

Giá của một giống lúa đúng phẩm cấp, có bản quyền cao hơn so với cũng giống lúa đó nhưng được sản xuất ra mà không có bản quyền hoặc không đúng phẩm cấp, không phải đóng thuế. Những điều nói trên đã tạo điều kiện cho nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh giống và vi phạm bản quyền tác giả.

Mặt khác, ĐBSCL hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh giống nhỏ lẻ, kinh doanh theo mùa vụ với số lượng nhỏ vài tấn đến vài chục tấn và tiêu thụ trong thời gian rất nhanh. Do đó, công tác kiểm tra, thanh tra rất khó thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp, viện, trường hiện không đủ sức tự bảo vệ tác quyền của mình.

Nạn vi phạm bản quyền giống, sản xuất và kinh doanh giống mà không có sự đồng ý của tác giả, giống giả, giống không đúng phẩm cấp, chất lượng … khá phổ biến ở ĐBSCL đã ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng như việc xây dựng thương hiệu lúa gạo, thưa ông?

Chất lượng gạo được đảm bảo trong sản xuất từ việc sử dụng giống đúng phẩm cấp xác nhận được sản xuất từ giống nguyên chủng, giống nguyên chủng phải được sản xuất từ giống siêu nguyên chủng và giống siêu nguyên chủng được sản xuất từ giống tác giả.

Một quy trình sản xuất như vậy mới giữ được phẩm chất lúa, gạo như ban đầu chọn tạo và đưa vào sản xuất. Quy trình này phải được thực hiện thường xuyên và đúng theo quy chuẩn Việt Nam đã được ban hành.Các cấp giống phải được cơ quan chuyên môn kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận trước khi tiếp tục sản xuất hoặc kinh doanh. Một quy trình chặt chẽ như trên mới đảm bảo phẩm cấp giống ổn định, lâu dài và chất lượng gạo không thay đổi.

Vì vậy, việc sử dụng các giống lúa không đúng phẩm cấp như đang diễn ra lâu nay thì chỉ sau vài vụ sản xuất ngoài đồng ruộng, giống sẽ có những thay đổi so với ban đầu về đặc tính sinh hóa và chất lượng gạo, dẫn đế sự không ổn định. Như vậy sẽ khó xây dựng được hoặc bị mất thương hiệu gạo, qua đó, ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị của hạt gạo Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài.

Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền giống lúa, sản xuất, kinh doanh giống lúa giả, nhái, không đúng phẩm cấp?

Ngoài sự tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng đối với sản xuất, kinh doanh giống lúa ở ĐBSCL, rất cần có sự chung tay của doanh nghiệp, nông dân. Theo đó, trước hết cần có sự thay đổi về nhận thức của người sản xuất đối với việc sử dụng giống đúng phẩm cấp. Điều này phải thường xuyên được thực hiện thông qua tuyên truyền và thay đổi quy trình canh tác như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, chương trình giảm lượng giống gieo sạ và tổng thể trong dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững ĐBSCL gọi tắt là VnSAT.

Trong gần 20 năm triển khai chương trình “3 giảm 3 tăng”, hơn 10 năm áp dụng “1 phải 5 giảm” và gần 5 năm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại Lễ Phát động chương trình giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha diễn ra vào ngày 19/2/2016 tại tỉnh Hậu Giang cho các tỉnh ĐBSCL, việc giảm lượng giống gieo sạ đã có sự chuyển biến tích cực.

Cụ thể, hơn 90% diện tích vốn gieo sạ từ trên 230–250 kg giống/ha đã giảm xuống còn dưới 200 kg giống/ha. Diện tích lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, hiện chiếm khoảng 12% diện tích gieo sạ mỗi vụ. Diện tích gieo sạ từ 100-150 kg/ha chiếm khoảng 55-60% diện tích gieo sạ mỗi vụ. Diện tích gieo sạ từ trên 150 kg/ha hiện chỉ còn chiếm khoảng 23% diện tích gieo sạ mỗi vụ. 

Nhìn chung, xu hướng gieo sạ phổ biến từ 120–130 kg/ha đang được triển khai mạnh mẽ tại các tỉnh. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được tuyên truyền nhân rộng trong sản xuất.

Giảm giống gieo sạ là công tác thường xuyên, lâu dài là một tiến bộ kỹ thuật rất quan trọng làm thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả kỹ thuật trong canh tác lúa.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống cần tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện nay về sản xuất, kinh doanh giống lúa và không vi phạm về bảo hộ giống cây trồng, nhãn mác hàng hóa, hàng đúng phẩm cấp….

Thứ ba, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo cần biết rõ nguồn gốc giống lúa, yêu cầu người sản xuất đúng giống, đúng phẩm cấp… hoặc liên kết đầu tư giống lúa với một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống đúng quy định pháp luật.

Trên hết, để giải quyết thực trạng nói trên, cần phải có sự liên kết giữa doanh ngiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững theo chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất