| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan giống lúa siêu nguyên chủng giá rẻ: Cục Trồng trọt lên tiếng

Thứ Hai 25/06/2018 , 14:05 (GMT+7)

Sau khi loạt bài được đăng tải, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt để phỏng vấn về một số nội dung...

Trước thông tin về hiện tượng hạt giống lúa siêu nguyên chủng (SNC) đang được bán tràn lan trên thị trường, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt kiêm Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ một số dữ liệu cho thấy, không thể có hạt giống lúa SNC đạt tiêu chuẩn chất lượng với giá 16.000 - 25.000 đồng/kg (NNVN đã nêu ở các bài trước).
 

Phải thanh, kiểm tra

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, giá lúa giống tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rẻ nhất so với các khu vực trong cả nước. Cùng một giống lúa nhưng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đang bán hạt giống SNC với giá 40.000 đồng/kg, trong khi hạt giống lúa xác nhận chỉ 11.000 - 12.000 đồng/kg.

Điều đó cho thấy, hạt giống SNC không thể có giá rẻ mạt khoảng 16.000 - 25.000 đồng/kg (như một số doanh nghiệp đang cung ứng ở thị trường miền Bắc).

10-44-44_20180612_101939
Một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Hà Nội cung ứng nhiều giống lúa cấp SNC

Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lưu ý: Quy trình sản xuất giống siêu nguyên chủng rất cầu kỳ nên năng suất thấp. Đối với các giống lúa có bản quyền, chỉ tác giả, hoặc người được tác giả uỷ quyền mới được phép sản xuất hạt giống SNC. Nhưng về lý thuyết kinh doanh, họ không dại gì bán giống SNC bản quyền ra thị trường.

“Còn đối với một số giống lúa không có bản quyền (ví dụ như Khang dân 18, Q5, Bắc thơm số 7...) thì chịu rồi (không thể xác định được đâu là hàng thật, hàng giả bằng mắt thường đối với các sản phẩm được bán trên thị trường - PV), phải thanh, kiểm tra hồ sơ quy trình sản xuất giống SNC của doanh nghiệp và lấy mẫu để phân tích cấp giống theo tiêu chuẩn Việt Nam thì mới khẳng định được họ làm đúng hay làm sai”, ông Sơn nói.

Trong quá trình điều tra về vấn đề này, NNVN ghi nhận được nhiều ý kiến cho rằng, thị trường hạt giống lúa SNC đang bị buông lỏng quản lý, do đó không ít doanh nghiệp đã làm liều. Họ cố tình khai man thông tin về cấp giống trên bao bì để “đánh” vào tâm lý “sính giống SNC” của nông dân nhằm trục lợi.

Sau khi loạt bài được đăng tải, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt để phỏng vấn về một số nội dung như: Vì sao lại có thực trạng trên xảy ra? Lỗ hổng quản lý nằm ở đâu? Cục Trồng trọt sẽ chấn chỉnh tình trạng trên như thế nào? Hàng năm Cục triển khai kế hoạch thanh kiểm tra, giám sát vấn đề này thế nào, nhất là công tác lấy mẫu kiểm định?... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những vấn đề này vẫn chưa được Cục Trồng trọt thông tin hồi đáp.

Tuy nhiên, nguồn tin của NNVN cho biết, lãnh đạo Cục Trồng trọt đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra thành lập các tổ công tác để tăng cường giám sát, thanh kiểm tra thị trường giống lúa của nhiều tỉnh, thành phía Bắc, nhất là việc công bố thông tin về cấp giống lúa NC, SNC của một số sản phẩm. Nếu phát hiện sai phạm, Cục sẽ xử lý nghiêm minh.
 

Sản xuất hạt SNC: Không dễ!

Liên quan đến quy trình sản xuất giống lúa SNC, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Để sản xuất được hạt giống SNC cần phải trải qua 4 vụ. Vụ thứ nhất, chúng ta phải gieo trồng ruộng vật liệu ban đầu (giống trong sản xuất, nguyên chủng, xác nhận...), sau đó chọn ra khoảng 800 - 1.000 cá thể. Từ 1.000 cá thể này, cán bộ kỹ thuật sẽ đưa vào phòng thí nghiệm để đánh giá các chỉ tiêu theo mô tả giống để phân loại ra 150 - 200 dòng. Các dòng này sẽ được gieo cấy tiếp ở vụ thứ 2 để chọn ra khoảng 20 - 40 dòng ưu việt nhất. 20 - 40 dòng này sẽ được gieo trồng thành các ô thửa khác nhau (mỗi dòng một ô khoảng 10m2) ở vụ thứ 3 để đánh giá hình thể trên đồng ruộng kết hợp với đo đếm các chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm, tìm ra được các dòng ưu tú nhất, có dạng hình tương đồng nhất (gọi là giống đầu dòng).

Từ những hạt giống đầu dòng tiếp tục gieo cấy 1 dảnh để sản xuất hạt SNC. Do lượng hạt giống SNC rất hiếm, trong kinh doanh các công ty chỉ nên bán hạt giống cấp NC và xác nhận thôi. Bởi vậy, để biết được doanh nghiệp đó có vi phạm thông tin quảng cáo về cấp giống hay không, thì hệ thống quản lý chất lượng phải truy xuất ngược lại hồ sơ năng lực của doanh nghiệp.

Ví dụ, anh đưa ra 1.000 tấn lúa giống xác nhận thì cơ quan quản lý phải nắm được anh có bao nhiêu ha để làm giống? Mỗi ha cần khối lượng bao nhiêu hạt giống SNC?...

Hiện nay, một số công ty sản xuất giống cây trồng có phòng thử nghiệm (đã được cơ quan quản lý nhà nước chỉ định) có quyền tự công bố, chịu trách nhiệm về chất lượng giống. Nhưng nếu sản phẩm của các đơn vị này gây thiệt hại cho sản xuất hoặc kết quả kiểm định các mẫu do cơ quan nhà nước thu thập lệch so với chất lượng doanh nghiệp công bố thì họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
 

Doanh nghiệp cung ứng hạt SNC giá rẻ “né” trả lời?

Để tìm hiểu về quy trình và chi phí sản xuất hạt giống lúa SNC của một số đơn vị đang cung ứng trên thị trường, chúng tôi liên hệ với ông Tô Đình Chiến - Giám đốc Cty TNHH Giống cây trồng Tiền Hải. Hiện tại, doanh nghiệp này đang cung ứng sản phẩm giống Khang dân 18 SNC trên thị trường với mức giá trên 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vị giám đốc từ chối mọi câu hỏi của PV liên quan đến quy trình và chi phí sản xuất.

“Thực ra thì bên anh đưa ra thị trường cũng không nhiều (hạt giống lúa SNC - PV) mà đợt tới trở đi anh cũng không đưa sản phẩm đó ra thị trường nữa. Thôi để cho mấy công ty to phát ngôn thì sẽ tốt hơn”.

PV lại tiếp tục gọi điện cho đại diện truyền thông một công ty lớn của Việt Nam bán sản phẩm hạt giống lúa SNC. Giống như ông Chiến, vị này từ chối câu hỏi vì sao họ làm được hạt giống SNC với giá rẻ. Và chỉ thông tin ngắn gọn: “Bên anh hướng đến chỉ kinh doanh các sản phẩm xác nhận 1 thôi, chứ còn các sản phẩm kia cực kỳ ít chứ không có nhiều”.

Xuất hiện “giống ma quỷ” ở miền núi?

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho biết: Ngoài vấn đề quảng cáo sai sự thực về các đặc tính của giống lúa, thị trường cũng còn nhiều vấn đề tồn tại.

Ví dụ một số thương nhân bán lúa giống không có nguồn gốc, không có tên tuổi. Họ cứ đưa “giống ma quỷ” chẳng ai công nhận lên các tỉnh miền núi để mời nông dân mua. Thậm chí họ đóng lúa trong bao 30 - 40kg rồi xẻ ra như bán cám. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng cần kiểm tra, xác minh và kiểm soát chặt.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.