8h sáng, lực lượng chức năng có mặt tại nhà số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) để thực hiện lệnh cưỡng chế phần xây dựng trái phép, dưới sự giám sát và chỉ đạo của lãnh đạo các đơn vị liên quan như Chủ tịch UBND quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình, Phó giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong.
Tuy nhiên, không phát ngôn nào được đưa ra, hoạt động tác nghiệp đưa tin của phóng viên tại hiện trường phá dỡ cũng bị hạn chế tối đa.
Phần tum nhà 8B Lê Trực được phá dỡ ngày 21/11. Ảnh: Võ Hải.
Trước đó, ngày 21/11, Công ty cổ phần may Lê Trực bắt đầu phá dỡ phần vi phạm theo yêu cầu của thành phố Hà Nội. Sau 20 ngày, cơ quan giám sát tại công trường ghi nhận mới tháo dỡ được 50 m2 và công nhận thực hiện phá dỡ chỉ 2 đến 3 người. Cho rằng tiến độ phá dỡ của chủ đầu tư không đạt yêu cầu, đầu tháng 1/2016, thành phố quyết định cưỡng chế phá dỡ.
UBND quận Ba Đình đã giao phường Điện Biên thực hiện chỉ đạo của thành phố. Ngày 4/3, UBND phường Điện Biên ra thông báo gửi Công ty cổ phần may Lê Trực về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trong xây dựng tại dự án 8B Lê Trực sẽ được thi hành vào ngày 6/3, từ 8h đến khi kết thúc xử lý phần sai phạm.
Sáng 6/3, lực lượng cưỡng chế vẫn tiếp tục phá dỡ phần tum. Ảnh: Võ Hải.
Người ký thông báo trên là ông Trần Mạnh Quân, Chủ tịch UBND phường Điện Biên. Kết quả thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội công bố cuối năm 2015, hàng loạt cá nhân, tập thể bị quy trách nhiệm liên quan đến sai phạm của công trình trên, trong đó có người đứng đầu chính quyền phường Điện Biên.
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 3/2011 đến tháng 12/2012, Công ty cổ phần may Lê Trực đã thi công công trình khi không có giấy phép xây dựng. Nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước đã không kiểm tra; kiểm tra xong không có biện pháp ngăn chặn.“Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư là Công ty may Lê Trực; ông Trần Mạnh Quân, Chủ tịch UBND phường Điện Biên; ông Nguyễn Cương Quyết, ông Nguyễn Tiến Dũng, thanh tra viên Thanh tra xây dựng quận Ba Đình”, kết luận nêu.
Việc tác nghiệp tại hiện trường phá dỡ bị hạn chế. Ảnh: Võ Hải.
Thanh tra thành phố đề nghị UBND thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý; báo cáo đề xuất xử lý đối với cán bộ liên quan thuộc UBND thành phố quản lý...
Tuy nhiên đến thời điểm này, thành phố Hà Nội chưa công khai kết quả xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân liên quan như kiến nghị kết luận thanh tra.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng. Ngoài ra, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2. |